“Giấc mộng đêm hè” của người Anh

Đại thi hào người Anh William Shakespeare đã từng viết một vở hài kịch mang tên “Giấc mộng đêm hè”. Chắc chắn đây là một kiệt tác mà người Anh có thể tự hào với toàn thế giới. Và đến hẹn lại lên, cứ đến mỗi kì World Cup, đội tuyển Anh lại mang trong mình một “Giấc mộng đêm hè”. Giấc mộng ấy theo họ đã 58 năm. Liệu năm nay giấc mơ ấy sẽ thành hiện thực với lứa cầu thủ trẻ trung, nhiệt huyết hay vẫn chỉ là một giấc mộng đêm hè ?

1.Cái dớp đen khó lí giải

Phải khẳng định rằng, giải Ngoại hạng Anh là giải đấu hấp dẫn nhất ở cấp độ câu lạc bộ, điều này gần như đồng nghĩa các cầu thủ Anh cũng có chất lượng tốt tương đương với giải đấu họ đang chơi. Những cầu thủ Anh mà bao nhiêu năm qua khán giả vẫn luôn quen mặt đặt tên, mỗi khi ra sân trong màu áo tuyển quốc gia luôn chiếm được cảm tình không ít người hâm mộ. Song, như có cái dớp đen khó lí giải nào đó luôn đeo bám người Anh. Họ luôn thi đấu vật vờ mỗi khi về đội tuyển, kể cả đó là ngôi sao.

Tuyển Anh thông thường vượt qua vòng bảng một cách dễ dàng. Tuy nhiên, họ rất hiếm khi đi vào sâu, thường chỉ dừng chân ở vòng 1/16 hoặc tứ kết. Mà kì lạ hơn nữa là tuyển Anh thua chủ yếu là trên chấm phạt đền hoặc nếu không thì những ngôi sao của họ cũng dính những thẻ đỏ cực kì lãng nhách dẫn đến thất bại chung của toàn đội. Và tận cùng của dớp đen phải kể đến những pha xử lí khó hiểu của thủ môn hoặc trọng tài.

Còn nhớ ở Euro 2004 và World Cup 2006, Anh đều thất bại trên chấm phạt đền trước Bồ Đào Nha. Cũng ở năm 2006, Rooney đã nhận một chiếc thẻ đỏ vì lỗi đánh nguội, nó gợi nhớ đến chiếc thẻ đỏ của Beckham tại France 98 thuở nào. Năm 2010, thủ môn Green của Anh đã biếu không cho Mỹ một bàn thắng mà có lẽ về già anh cũng sẽ còn ám ảnh.

Thất bại ấy đã khiến Anh xếp nhì bảng và gặp Đức. Đáng nói hơn, trong trận đấu với Đức, khi tỉ số đang là 2-1 nghiêng về Đức thì Lampard có một cú sút trái phá đập xà ngang và vào sau bên trong vạch vôi bật ra. Thế nhưng không hiểu tại sao trọng tài lại từ chối bàn thắng ấy. Đó là những cái dớp cực kì khó lí giải của người Anh và muốn đi sâu ở vòng chung kết này chắc chắn họ phải chiến thắng chính mình, vượt qua những cái dớp ấy trước khi nghĩ đến chuyện thắng những Uruguay hay Italia hùng mạnh.

2.Và sức mạnh từ sự trẻ trung

Ngay từ khi bắt đầu Euro 2012, ông Hodgson đã có chủ trương trẻ hóa tuyển Anh. Những cầu thủ trẻ được trọng dụng nhiều hơn. Những cựu binh như Terry, Rio Ferdinand mặc dù vẫn đá tốt ở câu lạc bộ nhưng đã nhường lại sân chơi cho các đàn em. Chính triết lí này đã khiến Anh có một sức bật ghê gớm trong những năm trở lại đây.

Hơn nữa, năm nay các cầu thủ trẻ của Anh đã có một mùa giải tương đối thành công ở các câu lạc bộ chủ quản. Có thể kể ra những cái tên nổi đình nổi đám như: bộ đôi Sturridge và Sterling của Liverpool, Chamberlain và Wilshere của Arsenal hay Barkley của Everton. Có thể khẳng định, dù nhiều người không đặt niềm tin nhiều lắm vào tuyển Anh nhưng tin chắc với sự trẻ trung vốn có và kinh nghiệm trận mạc của một vài cầu thủ đã quá quen mặt như Rooney, Gerrard, Lampard, Anh sẽ có một kì World Cup bùng nổ trên đất Brazil.

Vấn đề của Anh bây giờ còn sót lại có chăng chỉ là hàng phòng thủ hơi lỏng lẻo và cái đầu nóng của các cầu thủ trẻ. Những pha vào bóng như kiểu của Sterling trong trận đấu gặp Ecuador cần hết sức giảm thiểu. Bao nhiêu năm qua, người Anh luôn thua cũng chỉ bởi chơi bóng bằng một cái đầu nóng. Hè này, họ đã có một dàn cầu thủ trẻ với một trái tim hồng của nhiệt huyết, chỉ cần thêm một chút lạnh lùng nữa thôi, “Giấc mộng đêm hè” kia sẽ đi vào dĩ vãng, thay vào đó là một chiếc cúp vàng sau 48 năm chờ đợi.

Theo Quốc Phi (Thể thao Việt Nam)

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast