Gian hàng thuở ấy

(Baohatinh.vn) - Chiều cuối năm. Dòng người hối hả trên những con đường tấp nập, cây cối, đèn hoa cũng rực rỡ sắc màu. Giữa vòng quay xô bồ, tôi mường tượng về tết tuổi thơ, nơi mảng màu ký ức chạy theo những tâm hồn non nớt không vướng bận suy nghĩ...

Tôi thuộc thế hệ 9X - những 9X “đời đầu” sinh ra và lớn lên trong thời đại có nhiều đổi thay. Ngày ấy, mẹ tôi chỉ buôn bán chứ chưa chuyển ngành như bây giờ. Cô bé con là tôi dọn hàng cùng bố mẹ từ tờ mờ sáng. Gian hàng đủ mọi thứ từ bát đũa, ấm chén, tranh ảnh, hoa, bánh kẹo đến những vật dụng ngành điện. Trong suy nghĩ của tôi và nhóc em bấy giờ, công việc ấy thú vị lắm.

Công việc tất bật nhất là vào 26 và 28 tết, bởi đó là ngày chợ phiên. Tôi vẫn nhớ như in những buổi sáng lành lạnh, trong ánh sáng mờ ảo của những chiếc bóng đèn sợi đốt nhỏ tròn, mọi người xung quanh đều tất tả soạn hàng, sắp xếp, bày biện. Trời càng sáng rõ, những gian hàng hiện lên càng đông đúc, tiếng cười nói rôm rả.

Khẽ nhắm mắt, tôi thấy phiên chợ của ngày mai có mấy cô bé, cậu bé dập dìu cùng mẹ lựa đồ trong se lạnh những ngày cận kề xuân. (Ảnh: Đậu Bình)

Khẽ nhắm mắt, tôi thấy phiên chợ của ngày mai có mấy cô bé, cậu bé dập dìu cùng mẹ lựa đồ trong se lạnh những ngày cận kề xuân. (Ảnh: Đậu Bình)

Tôi hình dung về thước phim quay chậm của dòng đời hối hả, nơi bức tranh phong cảnh sống động đủ gam màu. Có gì đó mơ hồ nhưng chân thật đến lạ. Bình dị, tươi vui.

Ngày ấy, hàng quán chưa nhiều như bây giờ. Quán của gia đình tôi đông khách, phải nhờ thêm vài người bên nội, ngoại phụ bán giúp. Mấy tuần trước đó, mẹ tôi ra thành phố Vinh (Nghệ An) lấy hàng tết, thể nào cũng sắm quần áo mới cho chị em tôi. Lúc bố, mẹ kiểm hàng thì chúng tôi chỉ loay hoay ướm thử rồi cười khanh khách chạy nhanh khoe lũ bạn hàng xóm. Tết của chị em tôi quanh quẩn bên gian hàng ấy, cũng gọi là bận rộn với việc trông và bán hàng. Cậu em chỉ ít hơn tôi một tuổi. Ngày đầu còn chép giá các mặt hàng ra giấy, hôm sau, chẳng cần nhìn đến cũng thuộc làu làu. Tôi còn trêu nó “đi học mà thuộc bài nhanh rứa thì tốt nhỉ, đếm tiền cũng nhanh nữa”. Nó cười phá lên, đôi mắt nheo lại, để lộ hai lúm đồng tiền rõ sâu.

Phiên chợ quê, hàng hóa đủ loại “cây nhà lá vườn”, mọi người khắp các xã lân cận đổ về đông nghịt. Tôi trở nên quen thuộc với cảnh tượng chen chúc, kì kèo trả giá. Khi rỗi khách, mới lẽo đẽo theo mẹ xem các món đồ bày la liệt gần đó. Không hẳn là đi chợ tết đúng nghĩa, mẹ mua nhanh rồi lại tập trung cho việc bán hàng. Kể cả việc nấu nướng và dùng bữa trong những ngày đó, mọi người cũng phải “tranh thủ”.

Ngày 30, gia đình tôi mới chùi dọn, sửa sang lại nhà cửa. Nhắc đến đón giao thừa, tôi lại khao khát mấy trò chơi hồi nhỏ: tự tay làm đèn lồng, gấp hoa, xếp sao, cả việc cắt vụn giấy cho vào bóng bay để lúc nổ bắn tung tóe, đổ nước trong túi bóng rồi ném nhau… Nhớ nhất là trò tự chế pháo hoa. Bọn tôi dùng thân cây xoan đốt thành than, giã nát rồi dùng giấy quấn tròn lại như điếu thuốc lá. Ngòi giấy ấy được bỏ vào những cục đất sét hình lựu đạn đã chuẩn bị sẵn. Chỉ cần để khô, khi dùng châm lửa vào giấy, than bén lửa rồi ném lên trời như pháo hoa.

Những ngày tết sau này, tôi và cậu em vẫn bận rộn với việc kinh doanh của gia đình. Song, đời sống đi lên khiến quán xá đông đúc, việc buôn bán không mặc định những ngày cuối năm. Gia đình tôi bán ít mặt hàng hơn, chợ phiên cũng chẳng còn bận rộn như trước. Tự nhiên, tôi thèm cảnh tượng chen chúc của phiên chợ quê 28 tết, thèm được giành chỗ bày biện hàng với người này, người nọ. Khẽ nhắm mắt, tôi thấy phiên chợ của ngày mai có mấy cô bé, cậu bé dập dìu cùng mẹ lựa đồ trong se lạnh những ngày cận kề xuân.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast