“Gió mới” trong xây dựng môi trường văn hóa nông thôn

Văn hóa từ bao đời nay luôn là nhân tố khơi dậy và nhân lên mọi tiềm năng sáng tạo, huy động sức mạnh nội sinh to lớn trong con người để đóng góp vào sự phát triển xã hội. Cùng với nhiệm vụ chung trong xây dựng đời sống văn hóa dân tộc, những năm gần đây, vấn đề xây dựng môi trường văn hóa nông thôn cũng được Đảng và Nhà nước chú trọng.

Đua thuyền trên sông Cửa Sót
Đua thuyền trên sông Cửa Sót

Những năm qua, mặc dù chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đã có tác động đến vấn đề xây dựng môi trường văn hóa nông thôn, tuy nhiên, hiệu quả chưa thực sự rõ. Ngoài việc có thể mong chờ về những công trình văn hóa đạt chuẩn như trong quy hoạch xây dựng NTM, hầu hết người dân các vùng nông thôn Hà Tĩnh đang phải chia sẻ khó khăn với chính quyền địa phương trong các hoạt động văn hóa, thể thao cộng đồng.

Nguyên nhân về việc thiếu sân chơi, thiếu các thiết bị… đã dẫn đến sự thờ ơ của phần đa người dân với các sinh hoạt cộng đồng. Những cuộc thi văn nghệ, thể thao hay những hoạt động văn hóa cộng đồng đều mang nặng tính hình thức, đồng thời người dân cũng không hào hứng, tự nguyện tham gia.

Trước thực trạng đó, đề án “Phát triển văn hóa nông thôn đến năm 2015, định hướng đến năm 2020” của Bộ VH–TT&DL được triển khai từ năm 2010 đã thổi luồng gió mới đến phong trào xây dựng đời sống văn hóa các vùng nông thôn.

Đề án với 4 nội dung chính: nâng cao chất lượng gia đình văn hóa; nâng cao chất lượng làng văn hóa; thực hiện tiêu chí phát triển văn hóa NTM cấp xã; hoàn thiện hệ thống thiết chế và hoạt động văn hóa, thể thao ở nông thôn đã tác động không nhỏ đến việc thúc đẩy xây dựng và thực hiện tốt các phong trào văn hóa nông thôn ở Hà Tĩnh. Trên cơ sở sự hỗ trợ của chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa; đầu tư cho các xã miền núi và khó khăn, một số địa phương đã dần hoàn thiện hệ thống thiết chế và vực dậy hoạt động văn hóa, thể thao ở nông thôn.

Chương trình đã ưu tiên cho các hạng mục xây dựng nhà văn hóa xã và đầu tư mua sắm trang thiết bị cho các nhà văn hóa. Năm 2010, tổng số tiền các xã miền núi và khó khăn nhận được là 885 triệu đồng, năm 2011 con số đó tăng lên 1,605 tỷ đồng và năm 2012, các xã nhận được 1,22 tỷ đồng… Mặc dù đến nay, phần lớn các xã, thôn chưa hoàn thiện về cơ sở vật chất theo chuẩn NTM nhưng hệ thống nhà văn hóa thôn đã góp phần thúc đẩy phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở địa phương, các hoạt động diễn ra tại đây thu hút người dân đến tham gia và hưởng thụ.

Qua 3 năm triển khai đề án, phong trào xây dựng môi trường văn hóa nông thôn đã đạt được một số kết quả đáng mừng. Đến nay, hơn 30% người dân nông thôn tham gia thường xuyên vào các hoạt động văn hóa, thể thao, trong đó, 20% dân số nông thôn luyện tập TDTT thường xuyên. Toàn tỉnh có 10% nhà văn hóa - khu thể thao xã và 10% nhà văn hóa - khu thể thao thôn đạt chuẩn theo quy định của Bộ VH–TT&DL; 70% gia đình giữ vững và phát huy danh hiệu “Gia đình văn hóa”, trong đó, 5% gia đình văn hóa ở nông thôn làm giàu từ sản xuất nông nghiệp hàng hóa; 40% làng giữ vững và phát huy danh hiệu “Làng văn hóa”; 100% nông dân được phổ biến pháp luật và các quy định về văn hóa; 100% cán bộ văn hóa, thể thao ở nông thôn được đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn về nghiệp vụ.

Việc triển khai thực hiện đề án cũng đã góp phần tạo môi trường cảnh quan khá sạch đẹp, đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh, phong phú, đại bộ phận nông dân chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, có tinh thần đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong cộng đồng. Tỷ lệ người dân nông thôn hoạt động và hưởng thụ các hoạt động văn hóa, thể thao đạt chỉ tiêu đề ra. Trong các cộng đồng dân cư, việc xây dựng và thực hiện quy ước, hương ước được tiến hành tốt và phát huy hiệu quả. Nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội được người dân hưởng ứng tích cực…

Từ phong trào chung đã xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến với cách làm sáng tạo như thôn 10 - xã Hương Long (Hương Khê), thôn Yên Bình – xã Thạch Bằng (Lộc Hà), thôn Lạc Đạo - xã Thạch Trị (Thạch Hà), xã Thạch Châu (Lộc Hà)… Ở các huyện Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, Can Lộc, Thạch Hà, Nghi Xuân, TP Hà Tĩnh, trên 70% khu dân cư có phong trào văn hóa văn nghệ, TDTT phát triển. Trên cơ sở đó, các giá trị văn hóa truyền thống của Hà Tĩnh được phát huy như ca trù, chèo Kiều ở Nghi Xuân, hát sắc bùa ở Kỳ Anh, ví phường vải ở Đức Thọ, Hồng Lĩnh, ví giặm ở Thạch Hà, lễ hội cầu ngư ở Cẩm Xuyên, các lễ hội truyền thống như đua thuyền, cờ tướng, hội làng… tiếp tục được khôi phục, thu hút sự tham gia của cộng đồng và khách thập phương.

Cùng với tranh thủ sự hỗ trợ của Nhà nước, các đơn vị đã biết phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương để xây dựng nền tảng cơ sở văn hóa vững chắc. Luồng gió mới từ đề án “Phát triển văn hóa nông thôn đến năm 2015, định hướng đến năm 2020” đang hòa thanh cùng những luồng gió khác tạo nên động lực để các địa phương xây dựng thành công môi trường văn hóa nông thôn lành mạnh, tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast