Gỡ vướng trong xây dựng nhà văn hóa thôn đạt chuẩn

(Baohatinh.vn) - Để xây dựng nhà văn hóa đạt chuẩn, các xã, thôn đang gặp nhiều vấn đề không dễ giải quyết, nhất là về mặt bằng và nguồn vốn. Điều này đòi hỏi các địa phương phải có sự tính toán hợp lý, giải pháp phù hợp để vừa hạn chế tình trạng lãng phí, vừa phát huy sức mạnh của nhân dân.

>> Nhà văn hóa thôn: Thừa mà... thiếu!

Bài toán về mặt bằng

Để quy hoạch, xây dựng các nhà văn hóa, khu thể thao thôn đạt chuẩn, mặt bằng là vấn đề hàng đầu. Theo Thông tư 05/2014 của Bộ VH-TT&DL về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 12/2010 và Thông tư số 06/2011 quy định mẫu về tổ chức, hoạt động và tiêu chí của nhà văn hóa - khu thể thao thôn trong xây dựng nông thôn mới (NTM) thì diện tích khu nhà văn hóa thôn phải đạt từ 300 m2 trở lên đối với khu vực đồng bằng và 200 m2 trở lên đối với khu vực miền núi; diện tích khu thể thao (chưa kể sân bóng đá đơn giản) từ 500 m2 trở lên đối với khu vực đồng bằng và 300 m2 trở lên đối với khu vực miền núi. Quy mô hội trường nhà văn hóa được quy định: từ 100 chỗ ngồi trở lên đối với khu vực đồng bằng và 80 chỗ ngồi trở lên đối với khu vực miền núi.

Nhà văn hóa quá nhỏ, không đủ chỗ cho người dân sinh hoạt

Nhà văn hóa quá nhỏ, không đủ chỗ cho người dân sinh hoạt

Theo các tiêu chuẩn của Bộ VH-TT&DL, hầu hết các thôn đều gặp khó khăn khi đối chiếu vào thực tiễn. Địa điểm quy hoạch xây dựng nhà văn hóa thôn đa phần được “nhắm” ở vị trí trung tâm để tạo thuận lợi cho các hộ dân trong sinh hoạt. Bà Phạm Thị Sen - Trưởng thôn 7, xã Cẩm Huy (Cẩm Xuyên) cho hay: “Thôn Nam Cát và Bắc Cát cách xa nhau, giờ sáp nhập nên tìm địa điểm xây dựng nhà văn hóa thuận tiện cho bà con sinh hoạt chung là việc khó khăn. Nếu làm nhà văn hóa tại một trong hai thôn thì bà con thôn còn lại không đồng tình vì phải đi họp xa”.

Thực tiễn tại thôn 7, xã Cẩm Huy cũng như nhiều nơi khác trong toàn tỉnh đòi hỏi công tác vận động quần chúng phải được đặt lên hàng đầu. Tại nhiều địa phương đã về đích NTM, nhiều gia đình tự nguyện hiến hàng trăm m2 đất để xây dựng hạ tầng giao thông, văn hóa mà không đòi hỏi điều gì. Bởi vậy, cấp ủy, chính quyền địa phương cùng cán bộ thôn phải tích cực vận động nhân dân, tổ chức đối thoại, xin ý kiến về quy hoạch để tạo sự thống nhất, đồng thuận. Khi người dân chọn được địa điểm hợp lý thì rõ ràng, lý do “đi họp xa” sẽ không thể là rào cản.

Chính sách về nguồn lực

Bên cạnh sự khó khăn về mặt bằng, việc huy động nguồn lực để xây dựng nhà văn hóa, khu thể thao thôn cũng gặp rất nhiều khó khăn. Để đầu tư xây dựng nhà văn hóa theo đúng quy định của Bộ VH-TT&DL, cần nguồn kinh phí không nhỏ, trong khi điều kiện ngân sách xã và khả năng huy động sức dân có hạn, nhất là những nơi người dân đã đóng góp khá nhiều vào việc xây dựng hạ tầng giao thông, thủy lợi.

Nhiều Nhà văn hóa thôn chưa đạt chuẩn theo quy định của Bộ VH-TT&DL nhưng do kinh phí quá lớn nên việc xây dựng đang gặp nhiều khó khăn.

Nhiều Nhà văn hóa thôn chưa đạt chuẩn theo quy định của Bộ VH-TT&DL nhưng do kinh phí quá lớn nên việc xây dựng đang gặp nhiều khó khăn.

Theo Chủ tịch UBND xã Thạch Mỹ (Lộc Hà) Võ Tá Bình: Hiện nay, kinh phí xây dựng một nhà văn hóa đạt chuẩn mất hơn 1 tỷ đồng, trong khi kinh tế địa phương còn nhiều khó khăn, kinh phí thực hiện xây dựng NTM hạn hẹp nên chủ yếu trông chờ vào sự đóng góp của nhân dân. Tuy nhiên, mỗi thôn chỉ có 150-200 hộ, bà con chủ yếu sản xuất nông nghiệp nên rất khó huy động.

Theo tổng hợp của HĐND tỉnh tại kỳ họp thứ 11 vừa qua, có 44 xã đề xuất nâng mức hỗ trợ đối với việc xây dựng nhà văn hóa, công trình thể thao thôn. HĐND tỉnh đã thống nhất ban hành Nghị quyết số 114/2014 về việc “Quy định sử dụng vốn ngân sách nhà nước thuộc chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2015-2020”. Theo đó, ngân sách trung ương, tỉnh hỗ trợ tất cả các xã xây dựng nhà văn hóa thôn không dưới 65% (trừ các xã khó khăn) và không dưới 80% đối với các xã thuộc chương trình 30b, 106, 135. Đây được xem là nguồn lực lớn, giúp chính quyền cơ sở tháo gỡ khó khăn trong việc huy động kinh phí xây dựng.

Lộc Hà là địa phương có cách làm riêng trong xây dựng nhà văn hóa thôn đạt chuẩn. Huyện đã sớm hoàn thiện đề án “Tăng cường xây dựng và nâng cao chất lượng hệ thống thiết chế văn hóa thể thao cơ sở 2014-2015, định hướng 2020”. Theo đó, huyện sẽ hỗ trợ 20% kinh phí (không quá 200 triệu đồng) cho các thôn xây dựng nhà văn hóa ở các xã về đích NTM năm 2014-2015 và 10% cho các xã còn lại. Ngoài ra, đối với những thôn đã có quy hoạch, huyện cho chủ trương bán nhà văn hóa cũ để lấy kinh phí làm nhà văn hóa mới.

Tuy nhiên, theo khảo sát của chúng tôi, ngoài Lộc Hà, các địa phương khác trên địa bàn tỉnh vẫn bỏ ngỏ giải pháp xử lý đối với nhà văn hóa thôn cũ. Chính vì thế, việc xây dựng nhà văn hóa đạt chuẩn vẫn đang trông chờ vào sự đóng góp của nhân dân. Thiết nghĩ, các huyện cần đề ra chủ trương phù hợp, có căn cứ nguồn lực để hỗ trợ nhân dân xây dựng nhà văn hóa, khu thể thao thôn đạt chuẩn. Cùng với đó, cần tính đến giải pháp xử lý đối với nhà văn hóa cũ; hoặc cho chủ trương bán để tạo nguồn phục vụ lợi ích chung hay chuyển mục đích sử dụng một cách hợp lý.

Tại Nghi Xuân, nhiều thôn sau khi xây dựng nhà văn hóa đạt chuẩn đã sử dụng nhà văn hóa cũ để sinh hoạt tổ liên gia, tổ chức hội. Nếu chủ trương từ tỉnh đến huyện và cơ sở đồng bộ, sức dân sẽ được kích cầu. Từ đó, bài toán về xây dựng nhà văn hóa, khu thể thao thôn đạt chuẩn sẽ được giải quyết thấu tình, đạt lý.

Chủ đề Xây dựng nông thôn mới

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast