Hạnh phúc riêng không thể tách rời hạnh phúc chung

(Baohatinh.vn) - Hạnh phúc riêng hay còn gọi là hạnh phúc cá nhân là một khái niệm không còn mới. Biểu hiện của nó ở từng thời điểm lịch sử có những màu sắc khác nhau và quan niệm của từng thành phần, lứa tuổi trong xã hội theo thời gian cũng khác nhau.

Biểu hiện của hạnh phúc riêng nhiều khi thật đơn giản, có thể chỉ là một bộ cánh mới, một đôi giày mới ưng ý, một món khoái khẩu, một chiếc xe vừa sắm được, một lời khen của bạn bè, đồng nghiệp, một nụ cười của người thân…

Ảnh minh họa từ internet

Ảnh minh họa từ internet

Lớn lao hơn, đó là những thành quả lao động cực nhọc trong thời kỳ dài thu được như vụ mùa thóc lúa, cá tôm bội thu, danh hiệu học sinh giỏi, những tấm bằng khen, huân chương, phần thưởng, ngôi nhà mới đã hoàn thành, một công việc ổn định với thu nhập khá… Có những hạnh phúc tưởng như nhỏ nhoi nhưng lại rất lớn lao, mang ý nghĩa tinh thần giúp con người cảm nhận sâu sắc giá trị của cuộc sống như một lời tỏ tình được chấp nhận, gương mặt rạng rỡ của mẹ già ngày đón con xa trở về, bữa cơm gia đình ngày tất niên…

Biểu hiện của hạnh phúc cá nhân và quan niệm về hạnh phúc ở từng lứa tuổi, thành phần xã hội cũng khác nhau. Với trẻ con, được bú mớm, được nâng niu vỗ về, trò chuyện… gương mặt bé hả hê, tươi cười, chân tay khua khoắng, ánh mắt long lanh. Với thanh niên, là tình yêu, niềm vui và nỗi buồn, khát vọng sống và cống hiến.... Với những người có gia đình, nhất là phụ nữ, niềm vui sướng, hạnh phúc phần lớn đều bắt đầu từ một gia đình đầm ấm, no đủ, hòa thuận, con cái trưởng thành. Với người già là sự hiếu thuận của con cháu, thái độ coi trọng của người đời và được sống vui, sống khỏe…

Tuy nhiên, để có được những hạnh phúc trong cuộc sống riêng của mỗi con người, ngoài sự nỗ lực riêng của bản thân và sự hỗ trợ các thành viên trong gia đình thì rất cần một đất nước bình yên, một xã hội phồn thịnh và một môi trường an lành. Như một câu danh ngôn: Khi đại bác gầm thì họa mi dứt tiếng hát. Sẽ chẳng còn nụ cười của mẹ già và trẻ thơ, lời tỏ tình của lứa đôi, những cánh đồng bội thu, những trang vở tươi rói điểm 10 và những mái nhà bình yên… khi bom đạn, chiến tranh diễn ra. Thay vào đó là máu và nước mắt, chia ly loạn lạc, bóng đêm tang tóc…

Chính vì lẽ đó, theo quan điểm của tôi và với những gì tôi đã chứng kiến và trải nghiệm, hạnh phúc cá nhân không bao giờ có thể tách rời hạnh phúc của đất nước, của cộng đồng xã hội. Chính vì lẽ đó, những thế hệ cha anh đã lên đường ra trận bảo vệ Tổ quốc, quê hương và gia đình, bảo vệ hạnh phúc cho hàng triệu người, nhận về mình bao mất mát hy sinh.

Đại tá – Anh hùng Lê Mã Lương từng có câu nói nổi tiếng: “Cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh quân thù”. Anh Nguyễn Văn Trỗi từng trả lời dõng dạc trước mặt kẻ thù: “Còn thằng Mỹ thì không ai có hạnh phúc nổi cả” khi chúng đưa cuộc sống hạnh phúc của vợ chồng mới cưới ra để dụ dỗ, lung lạc anh. Nhà thơ Dương Hương Ly từng viết:

Anh nổ súng, hạnh phúc là gì? Bao lần ta lúng túng

Hỏi nhau hoài mà nghĩ mãi chưa ra

Cho đến ngày cất bước đi xa

Miền Nam gọi, hai chúng mình có mặt.

Nhà báo, liệt sĩ Dương Thị Xuân Quý, vợ của nhà thơ Dương Hương Ly trong những ngày dấn thân vào chiến trường lửa đạn đã trải qua bao đau đớn, gian lao và chị coi đó là hạnh phúc: Giữa hai cơn đau, em ngồi ghi chép. Con sóng Giàng gầm réo miên man, nước lũ về trang giấy nhỏ mưa chan. Em đã viết, lòng dạt dào cảm xúc và em gọi đó là hạnh phúc… Em ra đi chẳng để lại gì, ngoài ánh mắt cười lấp lánh sau hàng mi… Với thế hệ cha anh thời chống Pháp, chống Mỹ, hạnh phúc riêng hòa nhập làm một vào hạnh phúc chung, nghĩa vụ với Tổ quốc trở thành khát vọng cháy bỏng trong lồng ngực của nhiều chàng trai, cô gái.

Chiến tranh lùi xa, hòa bình về mang bao hạnh phúc cho đất nước, quê hương, bao gia đình sum họp, bao lứa đôi nên duyên vợ chồng, bao người được sống, học hành, công tác, vui chơi. Hạnh phúc cá nhân luôn tròn đầy trong hạnh phúc chung của dân tộc.

Kinh tế phát triển, xã hội ngày càng văn minh, hiện, đại, cái tôi cá nhân được đề cao, nhất là trong các lĩnh vực sáng tạo văn hóa nghệ thuật, KHKT, trong đời sống, sinh hoạt riêng tư. Tuy nhiên, như thế không có nghĩa là hạnh phúc riêng của mỗi người không cần đến hạnh phúc chung. Trong đời sống hàng ngày, có những lúc ai đó cảm nhận hạnh phúc trong sự đủ đầy và yên ấm của ngôi nhà tiện nghi sang trọng và tưởng như mình không cần đến ai.

Nhưng thực tế không phải vậy. Những đứa trẻ cần được đến trường để tiếp nhận sự giáo dục của nhà trường. Những ông bố, bà mẹ già lúc đau ốm cần được đến bệnh viện để chăm sóc. Những bữa cơm ngon của mình có sự đóng góp của người làm ra hạt lúa, củ khoai... Cơ quan, láng giềng đến chia sẻ với chúng ta niềm vui, nỗi buồn của gia đình, hóa giải những tình huống “cơm không lành, canh chẳng ngọt”.

Đó là chưa nói đến bao biến cố do thiên tai, hỏa hoạn, cần sự cứu giúp, chia sẻ, chung tay của cả cộng đồng, cần những chủ trương, quyết sách của Đảng và Nhà nước. “Không ai nắm tay được tối ngày”. Khi chúng ta đưa tay ra, đã có cộng đồng họ mạc, xóm giềng, cơ quan nắm lấy, an ủi, động viên. Không thể có một ai đó chỉ đóng cửa suốt ngày không biết đến xung quanh buồn vui, sướng khổ ra sao. Và không nên, không thể, không được phép hạnh phúc riêng của người này có được là trên sự mất mát, khổ đau, nghèo đói của người khác, hạnh phúc của quốc gia này có được là nhờ sự thôn tính, đọa đày, gieo rắc chiến tranh cho người dân của quốc gia khác.

Hạnh phúc chung bao trùm lên hạnh phúc riêng, chính vì vậy, mỗi một cá nhân, mỗi một gia đình cần chung tay vun đắp xây dựng hạnh phúc chung bằng những việc làm thật hữu ích: sống, học tập, lao động, sáng tạo, cống hiến, xây dựng tế bào xã hội khỏe khoắn và lành mạnh, chung tay bảo vệ môi trường thiên nhiên, môi trường văn hóa, giữ gìn bản sắc dân tộc, lên án chiến tranh, bảo vệ hòa bình, phòng chống tai nạn, tệ nạn xã hội, bảo vệ trẻ em, chăm lo người già, thực hiện tốt các chính sách của Đảng và Chính phủ... Chỉ có như thế thì ngọn lửa hạnh phúc mới luôn được thắp sáng trong mỗi ngôi nhà, trong mỗi trái tim.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast