Hát sắc bùa Kỳ Thư - Tục xông đất năm mới độc đáo và ý nghĩa

Đến Kỳ Thư vào một ngày đầu xuân, được chứng kiến lễ khai bút đầu năm của các thành viên trong Hội thơ Đường Hoành Sơn, được nghe các cụ ngâm thơ, bình thơ, kể những tích truyện xa xưa mới thấy hết cái phong phú, nhiều màu sắc của văn hoá dân gian được lưu truyền trong những vùng thôn quê.

Hội thơ Đường Hoành Sơn khai bút đầu xuân
Hội thơ Đường Hoành Sơn khai bút đầu xuân

Một trong những nét văn hoá dân gian lưu truyền đến ngày nay là tục sắc bùa có từ xa xưa của xã Kỳ Thư (Kỳ Anh). Tôi gặp ông Nguyễn Thái Khứ, ở thôn Trung Giang, xã Kỳ Thư, 74 tuổi, là nhà giáo về hưu và cũng là chủ trì buổi lễ khai xuân, là người hay chữ, thích văn thơ và lưu giữ những giá trị văn hoá.

Theo ông kể lại hát sắc bùa xuất xứ từ làng Đan Du, vốn từ tích của người xưa truyền lại: ngày trước, khi ma và người còn lẫn lộn, đến những dịp lễ tết ma thường ăn cỗ trước người nên người mới lên thiên đình kiện. Thiên đình mới cho người một đạo bùa thế này: mỗi dịp tết đến, mỗi nhà chặt một cây nêu (thường là cây tre), cột lên đó 4,5 cây roi, nhà nào có cây nêu là của người, nếu quỷ vào sẽ bị roi đánh và một sắc bùa đi rao từng nhà để đuổi quỷ ma đi. Đội sắc bùa có hình thức hẳn hoi, bao gồm một đội gồm 6-7 người và một bộ nhạc gồm 2 xinh tiền, 1 trống, 1 cồng và 1 tầm vông. Mỗi thành viên trong đội trên đầu buộc khăn đỏ, thắt đai đỏ ngang hông tượng trưng cho sự may mắn đầu năm.

Trước đây những người được chọn vào trong đội sắc bùa phải là những đàn ông khoảng 50-60 tuổi, khoẻ mạnh (thời trước quan niệm đàn bà là yếu đuối, bẩn thỉu nên không cho đi). Tục sắc bùa mang ý nghĩa rất lớn trong đời sống tâm linh của người dân nơi đây, mỗi khi giao thừa đến, nhà nào có đội sắc bùa vào nhà thì nhà đó cả năm may mắn, sau đó ai đến nhà xông đất vào ngày mồng 1 đều vô sự, không phải lo người xông đất đầu năm “nặng vía” hay không.

Nội dung của những bài sắc bùa tuỳ theo người đặt, theo từng thời kỳ lịch sử của đất nước, thường bao gồm các bài: Mở cổng, Mở cửa, Giao đất, Chúc mừng tổ tiên, Chầu văn, Sắc bùa.

Cũng theo ông Khứ, tục sắc bùa thay đổi theo thời đại. Trước năm 1945, mỗi làng có 1 đội sắc bùa, thường viết lời bằng chữ Nho và chỉ đến nhà các quan lại, phú hào trong thôn vì chỉ những nhà này mới có tiền gạo để cho. Sau cách mạng tháng 8, lời sắc bùa được thay đổi ca ngợi độc lập tự do, đổi mới đất nước. Ngày nay, sắc bựa ca ngợi cuộc sống tốt đẹp, và lời hát cũng mang tính dân dã hơn, được viết bằng chữ quốc ngữ.

Hiện nay, tục sắc bùa tuy không còn nguyên vẹn như ngày xưa nhưng vẫn được duy trì ở xã Kỳ Thư. Ở thôn Thanh Bình có ông Tăng tổ chức một đội sắc bùa gồm 6 em học sinh học sinh lớp 9; xóm 2 (Kỳ Thư) có ông Nguyễn Din, nguyên Bí thư huyện uỷ Kỳ Anh cũng sắm một bộ sắc bùa và một đội hình sắc bùa gồm những người có tuổi trong thôn. Những đội sắc bùa này cứ ngày 27-7 và chiều 30 tết sẽ đến đài tưởng niệm trong xã hát sắc bùa và khi giao thừa thì đi các nhà thờ trong thôn trước rồi mới đi đến từng nhà. Mỗi gia chủ được đội sắc bùa đến chúc phúc tuỳ theo gia cảnh mà “mừng tuổi” cho đội.

Hát sắc bùa có ý nghĩa trong đời sống tâm linh của người dân Kỳ Thư. Ngày nay, tục lệ đó đã không còn nguyên vẹn và đầy đủ như ngày trước nhưng giá trị của nó thì vẫn còn đó. Hy vọng với tâm huyết của những bậc cao niên như ông Din, ông Tăng, ông Khứ, hát sắc bùa sẽ được lưu giữ và truyền lại cho thế hệ con cháu về sau như lưu giữ những giá trị văn hoá tinh thần vô giá cho đời.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast