Hình ảnh Xô viết Nghệ Tĩnh trong âm nhạc

Xô viết Nghệ Tĩnh từ khi khởi phát đến bây giờ luôn là niềm tự hào của quê hương Hà Tĩnh. Cao trào Xô viết vừa khẳng định truyền thống đấu tranh cách mạng kiên cường, bất khuất của nhân dân Hà Tĩnh, vừa là bài học lịch sử có giá trị giáo dục sâu sắc đối với thế hệ trẻ. Tinh thần của cao trào Xô viết 1930-1931 đã trở thành chất liệu sáng tác trong nhiều tác phẩm nghệ thuật, nhất là âm nhạc.

Cùng với biểu tượng núi Hồng - sông La, nhiều nhạc sỹ đã gọi Hà Tĩnh bằng cái tên quê hương Xô viết. Đó hầu như đã trở thành cách gọi mặc định mà không cần giải thích gì thêm. Bằng những cảm xúc dào dạt, trong giai điệu đằm thắm mang âm hưởng dân ca ví, giặm, người con quê hương Bình Định - nhạc sỹ Vĩnh An đã viết về Hà Tĩnh đầy tự hào với hình ảnh Xô viết bất khuất.

Những câu hát cô đọng mà như khơi dậy khí thế đấu tranh trên khắp các vùng quê: Ta đã về đây trên quê hương Xô viết, tai lắng nghe say tiếng hát quê nhà. Nổi dậy sóng sông La, Hồng Lĩnh núi rung cây, đây quê hương Trần Phú, máu cách mạng sôi sục hàng vạn trái tim anh hùng…(Đường về Hà Tĩnh). Trong mạch cảm hứng ấy, bài thơ Gửi người bạn Nghệ Tĩnh của Huy Cận cũng đã nhắc đến truyền thống ấy một cách hào sảng: Đất này đất Xô viết/ Đảng mở hội cờ hồng/ Tự tuổi vàng đá biết/ Mặn mãi tình công nông. Về sau, nhạc sỹ Phạm Tuyên đã phổ nhạc bài thơ này thành ca khúc Ai vô Xứ Nghệ và những câu thơ đầy tự hào ấy vẫn được giữ lại gần như nguyên gốc: Đất này đất Xô viết, Đảng mở hội cờ hồng. Lửa thử vàng mới biết, mặn mà tình công nông.

Phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh 30-31 đã tạo động lực, khí thế cho nhân dân Hà Tĩnh, Nghệ An trong những cuộc đấu tranh chống giặc về sau. Âm nhạc cũng đã khai thác khía cạnh này khá thành công. Trong bài Cùng nhau đi hồng binh của nhạc sỹ Đinh Nhu tuy không gọi tên phong trào Xô viết nhưng những câu hát rộn ràng, thúc giục được viết trên nền thang âm ngũ cung (Do, Re, Fa, Sol, La, Do) ấy đã lấy cảm hứng từ phong trào này: Nào anh em nghèo đâu/ Liều thân cho đời sống/ Mong thế giới đại đồng/ Tiến lên quân Hồng/ Đời ta không cần lo/ Nhà ta không cần tiếc/ Làm sao cho toàn thắng/ Ta mới sống yên vui.

Tái hiện hình ảnh Xô Viết Nghệ Tĩnh. Ảnh: TL
Tái hiện hình ảnh Xô Viết Nghệ Tĩnh. Ảnh: TL

Sau này, trong ca khúc nổi tiếng Hà Tĩnh trên đường chiến thắng, nhạc sỹ Thái Quý cũng nhắc đến truyền thống cách mạng từ phong trào Xô viết trong những câu hát rộn ràng: Cờ truyền thống phấp phới lập công, ngời dòng máu Xô viết anh hùng. Nhớ ngày xưa ta sống đời cơ cực. Giờ đây quê hương lớn mạnh... Cảm hứng về truyền thống cách mạng ấy còn bùng lên mạnh mẽ, đầy tự hào trong Nhớ về Hà Tĩnh của tác giả Giang Minh Thực. Những câu hát cháy bỏng, thiết tha như gọi ta về với khí thế tiến công trong những ngày gian khó 30-31, đồng thời dệt nên trong lòng niềm tự hào sâu sắc về thế hệ ông cha. Có lẽ không có người Hà Tĩnh nào không biết đến những câu hát: Ba mươi năm xưa cách mạng bùng lên, bao gương hy sinh chúng ta đừng quên, vinh quang hôm nay thanh niên La Giang nhớ ngày Xô viết đi lên. Ai hỏi tôi về đâu thì tôi nói tôi về Hà Tĩnh, quê tôi nước sôi lửa bỏng, vẫn vững như Trường Sơn, rằng tôi càng mến quê tôi nhiều hơn.

Cảm hứng về phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh cũng được nhiều nhạc sỹ quê hương khai thác khi viết về Hà Tĩnh. Dựa trên chất liệu âm nhạc dân ca ví, giặm, nhạc sỹ Lê Hàm đã gọi Hà Tĩnh là quê hương Xô viết đầy tha thiết trong nhiều ca khúc của ông: Xô viết quê mình gái chẳng kém chi trai; đất Xô viết nở hoa (Gái sông La); Nhạc sỹ Trịnh Ngọc Châu khi viết về cố Tổng Bí thư Trần Phú cũng nhắc đến truyền thống Xô viết với niềm tự hào sâu sắc: Tuổi 20 cùng đồng bào đánh giặc. Theo tiếng trống giục Xô viết anh hùng (Trần Phú đẹp mãi tên anh).

Phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh 30-31 không chỉ được nhắc nhớ trong những bài học lịch sử mà còn được âm nhạc bắc nhịp cầu đến với trái tim của thế hệ trẻ, để từ niềm tự hào đó, thế hệ hôm nay và mai sau có động lực trên con đường vươn tới thành công.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast