Hoàng hậu Bạch Ngọc

Bà là người tài sắc đoan trang, có nhiều công giúp vua trị vì đất nước và chống giặc ngoại xâm nên bà được phong Hoàng hậu Bạch Ngọc

Theo nhiều tài liệu đã công bố thì vua Trần Duệ Tông (1337-1377) có một bà phi là Trần Thị Ngọc Hào. Bà là con gái ông Trần Công Thiệu ở làng Tri Bản (nay là xã Hòa Hải huyện Hương Khê tỉnh Hà Tĩnh). Bà là người tài sắc đoan trang, có nhiều công giúp vua trị vì đất nước và chống giặc ngoại xâm nên bà được phong Hoàng hậu Bạch Ngọc.

Bà cùng vua Trần Duệ Tông sinh hạ công chúa tên húy là Trần Thị Ngọc Hiên, hiệu Huy Chân. Năm 1377, vua Trần Duệ Tông đem quân đi đánh Chiêm Thành bị tử trận.Thời bấy giờ Hồ Quý Ly cướp ngôi nhà Trần, nhà Minh mượn cớ “phù Trần diệt Hồ” để xâm lược nước ta. Trong hoàn cảnh đó, Hoàng hậu Bạch Ngọc đem theo 573 người rời bỏ Thăng Long về quê để sinh cơ lập nghiệp. Đến núi Trà Sơn (vùng giáp giới 3 huyện Can Lộc, Đức Thọ, Hương Khê ngày nay), bà đã cùng cung nhân tôi tớ ở ẩn lại đây (lúc này đoàn của bà chỉ còn lại 170 người), chiêu mộ nhân dân được 3.000 người, sau vài chục năm đã lập nên nhiều làng xóm, khai khẩn ruộng đất được 3.965 mẫu, xây dựng nhiều kho cất trữ lương thực, nhiều trại chăn nuôi với đàn gia súc lên tới hàng ngàn con...

Chùa Am ( Đức Thọ) – nơi tu hành và là nơi thờ tự Hoàng hậu Bạch Ngọc. Ảnh: Quang Đại
Chùa Am ( Đức Thọ) – nơi tu hành và là nơi thờ tự Hoàng hậu Bạch Ngọc. Ảnh: Quang Đại

Năm 1418, Lê Lợi phất cờ khởi nghĩa Lam Sơn. Năm 1424, từ căn cứ địa Thanh Hóa, Bình Định Vương Lê Lợi đã đưa quân vào Nghệ An chiếm được thành Trà Long (Tương Dương) và Đỗ Gia (Hương Sơn). Đầu năm Ất Tị (1425), Đỗ Gia trở thành căn cứ quân sự chủ yếu của nghĩa quân Lam Sơn, sở chỉ huy của Bình Định Vương Lê Lợi đóng tại thành Lục Niên trên núi Thiên Nhẫn.

Phụng mệnh của Lê Lợi, tướng Bùi Bị đem quân truy quyét giặc Minh ở vùng Hương Sơn, Hương Khê, Đức Thọ (ngày nay), trong quá trình làm nhiệm vụ, đã phát hiện ra trang trại Bạch Ngọc. Bùi Bị mời Hoàng hậu yết kiến Lê Lợi. Bà đã cùng Công chúa Huy Chân đến thành Lục niên gặp Lê lợi. Tại cuộc gặp mặt này, Hoàng hậu Bạch Ngọc đã xin hiến toàn bộ tiền, lương thực, thực phẩm đã tích trữ được cho cuộc kháng chiến chống giăc Minh; và đồng thuận gả Công chúa Huy Chân cho Lê Lợi.

Hoàng hậu Bạch Ngọc là một thi sĩ tài hoa. Mùa xuân năm 1426 bộ tham mưu của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn đóng quân tại động Tiên Soa (xã Sơn Phúc huyện Hương Sơn ngày nay). Tại đây bà đã có “đêm văn” cùng Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Đinh Liệt. Chuyện kể rằng: một hôm người dân châu Ngọc Ma ( huyện Hương Khê ngày nay) bẫy được con nai đem đến biếu Bình Định vương Lê Lợi, lại sẵn có vò rượu tăm do Tư không Đinh Lễ chiếm được khi đuổi tên tướng giặc Trương Hùng từ Diễn Châu ra Tây đô (Thanh Hóa) đem dâng tướng quân, Lê Lợi cho người giúp việc trải chiếu giữa sân, Quân sư Nguyễn Trãi, tướng Đinh Liệt cùng uống rượu với thịt nai nướng. Cuộc vui mới bắt đầu thì được lính canh báo tin Hoàng Hậu Bạch Ngọc xin vào yết kiến. Bà mang biếu Bình Định vương một giỏ nấm và vài thứ đặc sản địa phương, Bình Định vương miễn lễ mời Hoàng hậu vào cuộc vui. Bà nhẹ nhàng thưa: “Hôm qua tôi tự nhiên máy mắt nhiều lần, linh tính là chúng ta sắp phải xa nhau, nên tôi vội hái ít nấm, vài thứ đặc sản đến tiến dâng Vương và các vị”. “Tửu nhập ngôn xuất” là lẽ thường tình, Lê Lợi bảo Đinh Liệt làm một bài thơ. Đinh Liệt vừa chậm rãi rót rượu vừa suy nghĩ rồi đọc:

“ Hằng Nga bao tình nghĩa

Mắt say đắm nhìn Vương

Chả nai tình trăm họ

Rượu ngon dạ chiến trường

Nấm trắng lòng đỏ chói

Đêm thu ngào ngạt hương

Ý trời dường đã định

Chính nghĩa thắng bạo tàn

Kìa cờ vàng kiêu dũng

Phất phới trời Đông Quan”

Mọi người khen hay và chúc mừng kháng chiến thắng lợi. Tiếp đó Nguyễn Trãi cũng “ ứng khẩu” đọc bài thơ :

“Anh quân rực rỡ mặt trời

Hằng Nga tìm ánh sáng

Tướng võ giỏi văn tài

Đánh giặc nào cũng thắng

Để có nhiều nắng ấm

Để thêm đẹp vầng trăng

Thêm chả nai, thêm nấm

Thêm nhiều vò rượu tăm ”

Hoàng hậu Bạch Ngọc, vừa rót rượu dâng 3 vị, rồi cất giọng ngâm bài thơ mới nghĩ xong để tạ lòng Bình Định vương, Quân sư Nguyễn Trãi, tướng Đinh Liệt:

“Bình Định thành công bởi ý trời

Kế mưu cao giỏi sẵn bề tôi

Đinh Liệt lược thao trùm tướng khí

Trần Văn thi phú rạng văn đài

Quân đi thanh thế ngân hà động

Tướng xuất uy phong quốc tặc lùi

Lòng dân đã hướng theo cờ nghĩa

Thắng lợi cầm tay chín rõ mười”

(Trần Văn tức là Nguyễn Trãi )

Tuy là bài thơ “ứng khẩu”, nhưng xét về mọi phương diện nội dung cũng như nghệ thuật có thể nói rằng Hoàng hậu Bạch Ngọc là một nữ thi sỹ tài năng

Sau đại thắng của khởi nghĩa Lam Sơn, Lê Lợi lên làm vua (1428), nhớ công đức của bà và tướng Bùi Bị, vua Lê đã phong tước cho bà là Mậu Quận công, Bảo Chính công thần và gả Công chúa Trang Từ cho Bùi Ban là con của Bùi Bị. Bà đã xin Vua Lê xây dựng Chùa Am, rồi cùng con gái là Công chúa Huy Chân và cháu là công chúa Trang Từ (con của Công chúa Huy Chân và Lê Lợi) tu hành tại đó. Bà mất ngày 22 tháng 6 niên hiệu Hồng Đức. Chùa Am – Diên Quang Tự (Đức Thọ) là nơi thờ tự bà. Chùa Am đã được xếp hạng Di tích Lịch sử cấp Quốc gia.

Ra đi không có lệnh của triều đình, không có ngân khố quốc gia, không có quân lính giúp sức, nhưng Hoàng hậu Bạch Ngọc đã khai hoang mở đất làm nên sự nghiệp, góp sức lớn của mình vào cuộc kháng chiến cuộc đánh thắng giặc ngoại xâm, bà vừa là một nhà làm kinh tế giỏi, vừa là một thi sĩ tài hoa.

Hy vọng trên mảnh đất Hương Khê nơi chôn rau cắt rốn của bà sẽ có những công trình (trường học, trạm xá, con đường…) mang tên Hoàng hậu Bạch Ngọc, để vinh danh công đức của bà, đồng thời góp phần bồi dưỡng lòng tự hào về quê hương, giáo dục truyền thống tự lực, tự cường cho con cháu mai sau.

(Khối 2 Thị trấn Hương Khê)

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast