Hương Sơn - Ngàn Phố và dòng họ Nguyễn Khắc trứ danh

Tôi trở lại Sơn Hòa (Hương Sơn) một chiều trở gió. Những mái ngói như thâm nghiêm hơn trong tiếng gió xào xạc từ những lũy tre bao quanh làng mạc, xóm thôn. Ngoài kia sông Phố vẫn êm đềm ôm ấp, vỗ về làng quê… Con đường dẫn vào làng của dòng họ trứ danh Nguyễn Khắc khá khiêm nhường nhưng ai cũng ý thức được rằng chính những con ngõ nhỏ bé, giản dị ấy cũng như hạt lúa củ khoai trên mảnh đất này đã sinh ra và dâng hiến cho Tổ quốc biết bao bậc hiền tài, để những người ở lại và người ra đi đều tự hào về nơi địa linh đã sinh ra những bậc tuấn kiệt…

Hương Sơn với nghĩa tự là núi thơm, từ bao đời nay đã là nơi kết tinh và hội tụ những giá trị văn hóa đặc sắc. Chẳng những thế mà phong thủy thổ nhưỡng nơi đây đã tích tụ, dâng hiến cho đất nước nhiều người con lỗi lạc… Những dấu tích quá khứ còn lưu lại đến ngày nay cùng một số dòng họ hiếu học nổi danh dọc theo hữu ngạn, tả ngạn sông Ngàn Phố và trùng trùng Thiên Nhẫn là minh chứng hùng hồn nhất… Vẫn còn đó sừng sững trong lòng hậu thế một Lê Hữu Trác – đại danh y của dân tộc, một Nguyễn Tuấn Thiện, Cao Thắng thông minh, tiết tháo, quả cảm chống giặc ngoại xâm… Vẫn còn đó thành Lục Niên in dấu nghĩa quân Lê Lợi và bóng dáng La sơn Phu tử Nguyễn Thiếp qua những bài thơ yêu nước, thương đời được viết trong những năm ông ở ẩn trên núi Thiên Nhẫn…

Trên sông Ngàn Phố

Trên sông Ngàn Phố

Chẳng hiểu do đâu mà từ vùng trung đến vùng hạ Hương Sơn, dọc theo 2 bên hữu ngạn và tả ngạn sông Phố hiền hòa đều hình thành những dòng họ nổi tiếng hiếu học. Hữu ngạn có các dòng họ Nguyễn, Đào ở sơn Bằng, họ Lương, Hồ, Tống Trần (Sơn Mỹ), họ Đinh (Sơn Tân). Tả ngạn có họ Hà Huy (Sơn Thịnh), họ Nguyễn Khắc, Đinh Nho ( Sơn Hòa)… Các dòng họ này đều cống hiến cho Tổ quốc nhiều bậc hiền tài trong các thời kỳ lịch sử của dân tộc. Trong đó, đặc biệt nhất phải kể đến dòng họ Nguyễn Khắc ở Sơn Hòa bởi theo Giáo sư Nguyễn Khắc Phi (hậu duệ đời thứ 14) thì thần tổ của dòng họ là cụ Nguyễn Khắc Văn chánh quán ở làng Thanh Liệt (Thanh Trì – Hà Nội) chứ không phải là người xứ Nghệ. Sau khi nghỉ hưu, thần tổ Nguyễn Khắc Văn đưa con cháu vào lập cư ở Nam Đàn (Nghệ An), một người cháu của cụ là Nguyễn Khắc Kính đã sang lập nghiệp ở làng Thịnh Xá (Hương Sơn) và dựng nên chi phái Hương An của dòng họ nổi danh này. Chẳng hiểu địa linh sinh tuấn kiệt hay tuấn kiệt hợp phong thổ mà tại đây, dòng họ Nguyễn Khắc đã phát huy được truyền thống học hành, khoa bảng của mình. Đặc biệt nhất là đến đời thứ 13, Hoàng Giáp Nguyễn Khắc Niêm với tài danh của mình đã góp phần làm rạng danh thêm cho chi phái Nguyễn Khắc ở Hương An cũng như miền quê Sơn Hòa.

Từ ngã 3 “cây đa bổ” – cây đa mà từ thuở bé chúng tôi đã được biết đến trong sách giáo khoa qua bài viết “Cây đa làng tôi” của Nguyễn Khắc Viện, tôi tìm đến nhà ông Nguyễn Khắc Lanh (tộc trưởng họ Nguyễn Khắc) để được hiểu rõ hơn về dòng họ cũng như Hoàng giáp Nguyễn Khắc Niêm. Ông Lanh được giao nhiệm vụ coi sóc nhà thờ họ Nguyễn Khắc đã mấy năm nay. Nằm im lìm giữa không gian khá khoáng đạt, nhà thờ là nơi thờ tự tổ tiên và những người con xuất chúng của dòng họ. Hàng năm, đến ngày tế họ, con cháu ở khắp nơi đều tìm về tế tổ và ôn lại truyền thống hiếu học đồng thời nhắc nhở nhau kế tục truyền thống. Không những thế, lễ tế họ còn là dịp để con cháu cùng nhau làm nghĩa vụ khuyến học dòng họ. Cho đến nay họ Nguyễn Khắc là một trong những dòng họ làm công tác khuyến học tốt nhất huyện Hương Sơn. Không chỉ con cháu họ nội mà họ ngoại cũng được quan tâm. “Chính điều đó đã tạo động lực cho các cháu phấn đấu nhiều hơn nữa” – ông Lanh nói. Truyền thống và những đóng góp quan trọng của các thế hệ họ Nguyễn Khắc cho quê hương đất nước đã tạo nên những giá trị văn hóa bền vững và ngày 24/3 tới đây, nhà thờ cũng sẽ chính thức đón bằng chứng nhận di tích văn hóa cấp tỉnh.

Nhà thờ họ Nguyễn Khắc yên bình giữa không gian tịch lặng

Nhà thờ họ Nguyễn Khắc yên bình giữa không gian tịch lặng

Gần nhà thờ đại tôn là công trình Nhà tưởng niệm Hoàng giáp Nguyễn Khắc Niêm do con cháu xây dựng. Đây là một công trình văn hóa nhằm lưu giữ những kỷ vật ít ỏi còn lại và tưởng nhớ một hậu duệ kiệt xuất của dòng họ Nguyễn Khắc chi phái Hương An. Hoàng giáp Nguyễn Khắc Niêm sinh năm 1889, từ nhỏ đã thông minh tuấn tú hơn người. Năm 1906, ông thi đậu cử nhân, trường thi Nghệ An khi mới 17 tuổi và năm sau, ở tuổi 18, ông thi đậu đệ nhị giáp tiến sĩ (Hoàng giáp), khoa thi đình Đinh Mùi, tại Huế. Ông là một đại thần triều Nguyễn, nguyên Thượng thư Bộ Lễ, Phủ doãn Thừa Thiên, Tổng đốc Thanh Hóa. Các con của Hoàng giáp Nguyễn Khắc Niêm cũng đã được thừa hưởng trí thông minh của cha mình mà viết tiếp truyền thống hiếu học khoa bảng của dòng họ, góp công xây dựng đất nước trên nhiều lĩnh vực như: Nguyễn Thị Vàng - Nguyên cán bộ Bệnh Viện Y học cổ truyền Trung Ương; Nguyễn Khắc Viện là Bác sĩ y khoa, một nhà văn hóa lớn của Việt Nam; Nguyễn Thị Thiếu Anh - Nguyên cán bộ Bệnh viện Bạch Mai đồng thời cũng là một thi sỹ với nhiều bài thơ nổi tiếng, Nguyễn Khắc Dương - Trưởng khoa Văn - Triết Viện Đại học Đà Lạt, Nhà văn Nguyễn Khắc Phê là Chủ tịch Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Thừa Thiên-Huế, Giáo sư văn học Nguyễn Khắc Phi là giảng viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội và Đại học Vinh, nguyên Phó Giám đốc kiêm Tổng biên tập Nhà xuất bản giáo dục, Nguyễn Thị Phương Thảo từng là Ủy viên BCHTW Hội LHPNViệt Nam khóa V & khóa VI… Trong những người con ưu tú của cụ Niêm, Nguyễn Khắc Viện là người xuất sắc nhất. Nghề chính của ông là bác sỹ nhưng với tài trí của mình, ông còn có nhiều đóng góp quan trong trên các lĩnh vực chính trị – xã hội, văn hóa, thể thao và tâm lý, giáo dục. Với những cống hiến có giá trị, ông được trao Giải thưởng Nhà nước Việt Nam và giải thưởng "Grand prix de la Francophonie" của Viện Hàn lâm Khoa học Pháp. Sau nhiều năm chiến đấu với bệnh tật, không ngừng nghiên cứu và cống hiến, bác sỹ Nguyễn Khắc Viện đã qua đời ở tuổi 83. Hiện ông đã được hợp tự thờ cúng tại nhà thờ đại tôn Nguyễn Khắc chi phái Hương An (ở Sơn Hòa).

Ngoài ra, hậu duệ dòng họ Nguyễn Khắc ở Sơn Hòa còn có rất nhiều người thuộc các thế hệ đỗ đạt và giữ nhiều trọng trách trên nhiều lĩnh vực như các tú tài Nguyễn Khắc Phan (em ruột Cụ Niêm), Nguyễn Văn Trứ, Nguyễn Khắc Thiều, Nguyễn Khắc Mừng, trước 1975 là chuyên gia Nông học đầu ngành của Đại học Nông - Lâm - Súc Sài Gòn, Nguyễn Khắc Chiên, nguyên Trưởng ty Nông nghiệp Hà Tĩnh, Nguyễn Khắc Cẩn - Giám đốc Nhà máy tính của Ngân hàng Quốc gia, Huân chương Độc lập hạng Ba. Sau Cách mạng tháng Tám, ngoài các con của cụ Niêm còn có TS Nguyễn Khắc Sính - Hiệu trưởng Trường Đại học Đà Nẵng,TS. Nguyễn Thị Ngọc Hải. giảng viên Trường Đại học Strasbourg (Pháp), Nguyễn Thị Ngọc Huyền, Phó Giáo sư, Chủ nhiệm Khoa Quản lí Kinh tế, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân v.v…

Rời quê hương Sơn Hòa khi màn đêm bắt đầu buông phủ, ngoái nhìn ra phía Ngàn Phố đang âm thầm đổ xuôi Tam Soa, tôi bắt gặp hình ảnh núi Thiên Nhẫn nằm vững chãi, trầm mặc giữa tĩnh lặng đất trời, chợt liên tưởng đến những thế hệ cháu con dòng họ Nguyễn Khắc ở đây - Những gì mà họ đã và đang cống hiến cho đất nước cũng thầm lặng mà quý báu, mà vững chắc như con sông, như dãy ngọn núi chốn quê nhà…

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast