Khả năng Nga bị tước quyền đăng cai World Cup 2018: Một âm mưu chống lại... Putin?

Không lâu sau khi quả bom tham nhũng nổ tại trụ sở FIFA, giới truyền thông phương Tây đã đưa tin Nga và Qatar sẽ bị tước quyền đăng cai World Cup 2018 và 2022.

Khả năng Nga bị tước quyền đăng cai World Cup 2018
Khả năng Nga bị tước quyền đăng cai World Cup 2018

Và tuần trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã khẳng định nước Nga không làm gì sai trong cuộc chạy đua đăng cai World Cup 2018 và nói những động thái vừa qua của nhà chức trách Mỹ với LĐBĐ thế giới (FIFA) là một âm mưu chống lại nước Nga.

CÓ HAY KHÔNG THUYẾT ÂM MƯU?

Trong những phát biểu qua truyền hình từ điện Kremlin, ông Putin nói “thật kỳ lạ” khi Mỹ lại điều tra và truy tố 14 quan chức bóng đá với các tội danh nhận hối lộ và tham nhũng khi các sự kiện xảy ra bên ngoài nước Mỹ và chủ yếu liên quan tới các công dân nước ngoài. Nga “không liên quan gì tới chuyện này”, ông Putin nói.

Tổng thống Nga cho rằng những động thái vừa qua là để hạ bệ ông Sepp Blatter, chủ tịch FIFA nay đã từ chức, cũng như gây khó dễ cho việc Nga đăng cai World Cup 2018. “Như chúng ta đều biết, hôm thứ Sáu vừa rồi, FIFA đã bầu chủ tịch và ông Blatter có cơ hội lớn tái đắc cử”, ông Putin nói. “Chúng ta đều biết áp lực với ông là rất lớn nhằm ngăn ông không trao quyền đăng cai World Cup 2018 cho Nga”.

Theo ông, âm mưu trừng phạt Blatter cũng giống như những gì Mỹ định làm với Edward Snowden, cựu nhân viên làm việc cho nhà thầu của Cơ quan an ninh quốc gia Mỹ (NSA) đã tiết lộ các bí mật của chính phủ Mỹ, cũng như nhà sáng lập trang mạng chuyên tiết lộ bí mật của Mỹ WikiLeaks, Julian Assange. “Thật không may là những đồng sự Mỹ của chúng tôi đang sử dụng cùng một biện pháp để đạt được mục đích và truy tố người khác một cách bất hợp pháp”, ông Putin nói.

Năm 2010, FIFA đã chọn Nga là nước đăng cai World Cup 2018 trong cuộc chạy đua còn có 3 ứng viên nữa, liên danh TBN-BĐN, Bỉ-Hà Lan và Anh. Cũng trong cuộc gặp đó, FIFA trao quyền đăng cai World Cup 2022 cho Qatar. Một trong những ứng viên thua cuộc là Mỹ. Tổng thống Putin đã tham gia rất tích cực vào cuộc vận động đăng cai World Cup cho Nga và có mối quan hệ khá gần gũi với ông Blatter.

HÀNG CHỤC TỶ USD ĐỔ SÔNG ĐỔ BIỂN?

World Cup 2018 có ý nghĩa với ông Putin và nước Nga còn hơn Olympic mùa Đông Sochi 2014, giải đấu mà Nga đã bỏ ra 50 tỉ USD để tổ chức, tức nhiều hơn 25% so với chi phí tổ chức Olympic Bắc Kinh 2008, kỳ Olympic đắt giá nhất cho tới năm 2014.

Làm chủ nhà giải vô địch bóng đá thế giới có thể khiến Nga chi ra thêm ít nhất là 40 tỉ USD, đồng nghĩa với rất nhiều công ăn việc làm, thu hút đầu tư và uy tín quốc gia. Trong tình hình khó khăn của nền kinh tế Nga hiện giờ, cả ba điều đó là rất cần thiết.

Chuyên gia tài chính Vladimir Osakovskiy của ngân hàng Mỹ Merrill Lynch ước tính một kỳ World Cup sẽ mang tới cho nền kinh tế Nga 50 tỉ USD. “Sự sa sút của nền kinh tế trong thời gian qua đã ảnh hưởng tới các tham vọng của Nga”, Chris Weafer của công ty tư vấn Macro Advisory nhận định. “Ngay cả trước vụ bê bối ở FIFA, họ cũng đã phải giảm bớt quy mô của các dự án”.

Nga hy vọng World Cup 2018 sẽ là dịp để nước này cải tổ toàn bộ hệ thống giao thông, phát triển những cơ sở hạ tầng thể thao hiện đại và thu hút du lịch tới 11 thành phố lớn. Trong thời gian qua, chính quyền Nga đã bỏ ra 660 tỉ rúp (12 tỉ USD) vào công tác chuẩn bị, bao gồm 6 sân bóng mới, các khách sạn, sân tập và cơ sở y tế. Nếu giải đấu bị hủy bỏ, số tiền đó sẽ mất trắng.

Việc cải tạo các sân bay và xây đường xe lửa cao tốc cũng rất tốn kém, nhất là ở một quốc gia rộng lớn như Nga. Thành phố xa nhất dự kiến sẽ tổ chức World Cup 2018, Yekaterinburg, nằm cách thủ đô Moscow tới gần 2.000 km. Đồng rúp sụt giá nghiêm trọng trong thời gian qua cũng ảnh hưởng tới các tính toán của chính phủ Nga. Tuần trước, ban tổ chức đã hạ bớt kinh phí tổ chức World Cup 3,5 tỉ rúp, 25 dự án khách sạn và một số sân tập cũng đã bị gác lại, vừa là giảm chi phí, vừa như một biện pháp phòng hờ.

Sân Luzhniki ở Moscow, dự kiến sẽ tổ chức trận khai mạc và chung kết, sẽ chỉ có sức chứa 81.000 chỗ, so với 89.000 như ban đầu. Michal Karas, tổng biên tập của trang web về các sân vận động Stadium Database, nói rằng nhiều yếu tố công nghệ cao trong các thiết kế mới đã không được triển khai vì đồng rúp rớt giá khiến nhập khẩu đắt đỏ hơn.

“Vấn đề lớn nhất là nguyên vật liệu nhập khẩu từ nước ngoài”, Karas nói. “Hầu hết các sân bóng do những công ty phương Tây thiết kế, cần nguyên vật liệu từ châu Âu”. Bộ trưởng thể thao Nga Vitaly Mutko nói nếu xây dựng hoàn toàn bằng nguyên vật liệu nhập khẩu, chi phí xây dựng có thể tăng 30-40% so với dự kiến.

TẨY CHAY WORLD CUP 2018?

Những lời kêu gọi tẩy chay World Cup 2018 ở Nga không chỉ diễn ra sau khi ông Blatter đã từ chức. Trước đó, nhiều nước phương Tây cũng đã đặt câu hỏi về việc một kỳ World Cup diễn ra ở Nga.

Tuy nhiên, cả ông Putin và ông Blatter đều giữ thái độ cứng rắn. “Nếu một số chính trị gia không hài lòng với việc tổ chức World Cup ở Nga, thì tôi luôn nói rằng vậy họ nên ở nhà”, ông Blatter nói sau một cuộc gặp với ông Putin ở Sochi hồi tháng 5/2015.

“Mạnh vì gạo, bạo vì tiền”, Nga và FIFA cũng không quá lo ngại ngay cả trong vấn đề tài chính World Cup. Các nhà tài trợ hàng đầu của giải đấu Visa, Adidas, Coca-Cola và McDonalds đều đã bày tỏ lo ngại về những sự kiện vừa qua, nhưng khả năng lớn là họ sẽ không rút lui khỏi World Cup, dù giải đấu có tổ chức ở đâu. Thêm vào đó, Gazprom, tập đoàn năng lượng khổng lồ thuộc sở hữu nhà nước ở Nga và là một nhà tài trợ lớn khác của FIFA, đã nói họ không bận tâm tới những vụ bắt giữ ở Zurich.

“Nga vẫn sẽ tiếp tục các công tác chuẩn bị cho World Cup 2018”, người phát ngôn của Tổng thống Putin, Dmitry Peskov, nói sau khi ông Blatter từ chức. “Mọi kế hoạch đã được triển khai, mọi việc đang đúng tiến độ”. Khi được hỏi liệu Nga có lo ngại về quyền đăng cai World Cup, ông Peskov đáp: “Chúng tôi chưa biết ai sẽ là người đứng đầu FIFA, nhưng không có gì phải hấp tấp”.

“Họ tấn công FIFA nhưng đích nhắm cuối cùng là Nga” - trang bìa của tờ nhật báo Nga Argumenty I Fakty giật tít. “Quan hệ xấu đi giữa Nga và phương tây mới là lý do chính”, tờ báo dẫn lời Chủ tịch Hạ viện Nga Igor Lebedev. Tờ báo của nhà nước Rossiiskaya Gazeta cũng cáo buộc Mỹ đứng đằng sau việc ông Blatter từ chức: “Mỹ chưa bao giờ từ bỏ những nỗ lực lật đổ những người mà họ không thích. Và lần này cũng thế”.

Theo Bongda+

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast