Khi bưu điện văn hóa xã không còn “một vai hai gánh”

Đã có thời gian dài trong vai trò “một vai hai gánh” - vừa bưu điện vừa văn hoá, Bưu điện văn hóa xã thực sự là địa chỉ gắn bó với người dân vùng nông thôn. Nhưng đến nay, hơn 10 năm sau đó, chính các bưu điện văn hoá xã lại đang có nguy cơ đối diện với tình trạng có cũng như không. Điều này là lực cản không nhỏ khi việc phát huy tính hiệu quả của BĐVHX cũng là tiêu chí quan trọng để xây dựng nông thôn mới hiện nay.

Câu chuyện của bưu điện văn hoá xã...

Công việc của chị Lệ giờ đây chỉ lèo tèo với vài tờ báo, bưu phẩm.
Công việc của chị Lệ giờ đây chỉ lèo tèo với vài tờ báo, bưu phẩm.

Đây là năm thứ 13, chị Nguyễn Thị Lệ làm việc tại bưu điện văn hoá xã Kỳ Lợi - huyện Kỳ Anh. So với mươi năm về trước, bây giờ đã qua rồi những năm tháng huy hoàng của ngành bưu điện. Kể từ khi chia tách Bưu điện và viễn thông, với sự bùng nổ của các loại hình dịch vụ thông tin, đời sống việc làm của đội ngũ nhân viên như chị Lệ thực sự rơi vào bế tắc và vất vả. Công việc chủ yếu của chị trong thời gian này là lên mở cửa, làm vài việc vặt, chờ giao thông viên đưa báo, bưu phẩm đến để chuyển tận tay người nhận. Chị tâm sự: với một địa bàn rộng, ngoài các đơn vị hành chính thôn xã, Kỳ Lợi còn có trên 40 cơ quan đóng trong vùng dự án, hành trình thư báo một ngày của chị là quá vất vả so với đồng thu nhập thực tế.

Còn tại vùng rừng núi Kỳ Thượng, trao đổi với chị Lê Thị Giang – nhân viên bưu điện văn hóa xã càng nhớ như in cái cảm giác bận rộn, tấp nập của dăm năm về trước. Ngày ấy, khi mới vào làm, điện thoại bàn hầu như không lúc nào ngơi nghỉ, người nghe, người gọi rồi cả người chờ... xã vùng Thượng của Kỳ Anh này xem đây là cầu nối thông tin, nối mọi vui buồn của người ở nhà và người đi xa... Vậy mà giờ đây, bốt điện thoại trống trơn, có khi đến 5 tháng chẳng có nổi một cuộc gọi. Ngồi cho lấy lấy lệ, có mở cửa đúng thời gian đi chăng nữa thì cũng lâu lâu mới có một vài khách vào mua sim các điện thoại mà thôi.

Không chỉ riêng Kỳ Anh phải chịu số phận này mà đây chính là thực trạng chung của hệ thống bưu điện văn hoá xã ở tỉnh ta hiện nay. Hơn 10 năm trước, chủ trương xây dựng và tổ chức hoạt động các điểm Bưu điện văn hoá ở xã, phường là một động lực lớn góp phần nâng cao đời sống văn hoá tinh thần cho người dân. Các điểm BĐVHX được đầu tư khá đồng bộ, bao gồm nhà làm việc, tổng giá trị xây lắp trung bình cho mỗi điểm từ 70-120 triệu đồng, cùng các thiết bị viễn thông như điện thoại, internet, các loại sách, báo, văn hóa phẩm, bàn ghế.. Sự ra đời của các điểm BĐVHX đã giúp người dân, nhất là ở vùng xa... được tiếp cận với các loại hình dịch vụ viễn thông một cách thuận lợi. Các hoạt động điểm BĐVHX dưới sự quản lý, kiểm tra, giám sát của ngành Bưu điện, đảm bảo an ninh, an toàn, không để mất mát tài sản, thư tín hay gián đoạn thông tin. Song, những năm gần đây, khi mà xu hướng xã hội hóa thông tin và các loại dịch vụ bưu chính, viễn thông đã “gõ cửa” đến từng khách hàng với nhiều tiện ích hấp dẫn, thì các điểm BĐVH chỉ còn mang tính phục vụ công ích mà thôi. Theo bà Trần Thị Hiền - GĐ bưu điện huyện Kỳ Anh thì: Tại Kỳ Anh, trong 30 điểm BĐVHX thì đã có hơn nửa số này rơi vào tình trạng khó khăn, gần như ngành phải bù lỗ hoàn toàn. Điểm năng động, kinh doanh hiệu quả nhất thì doanh thu tính lương cũng chưa nổi trên triệu đồng mỗi tháng.

Dịch vụ chính của BĐVHX giờ đây là bán sim, cạc điện thoại
Dịch vụ chính của BĐVHX giờ đây là bán sim, cạc điện thoại

Để tìm giải pháp tiếp tục duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động của các điểm BĐVHX nhằm giảm bớt "gánh nặng" chi phí cho ngành, bưu điện cũng đã tìm mọi cách, chuyển đổi các hình thức kinh doanh. Thạch Hà, Can Lộc, Kỳ Anh... là những địa phương chịu khó đi đầu, mạnh dạn phát triển đa dạng hóa các dịch vụ như: thư chuyển tiền, chuyển tiền nhanh, chuyển phát nhanh và Internet; bán bảo hiểm bưu điện; thu cước điện thoại…; tạo điều kiện cho các điểm BĐVHX mở thêm các dịch vụ phát hành báo chí, bán văn phòng phẩm, lịch…Bên cạnh đó, để tăng thêm thu nhập cho nhân viên, động viên họ yên tâm gắn bó với nghề, ngành bưu điện cũng nỗ lực thực hiện lồng ghép nhân viên điểm BĐVHX với bưu tá ở cơ sở. Theo đó, ngoài giờ trực tại điểm, các nhân viên sẽ phát hành thư, bưu kiện, sách báo đến cho người dân. Tuy nhiên, nỗ lực này cũng chĩ mang tính chất duy trì trước mắt, chưa thể là mô hình điểm lâu dài cho hoạt động của hệ thống các bưu điển văn hoá xã.

Bưu điện văn hoá xã trong lộ trình xây dựng Nông thôn mới.

Từ thực tế hoạt động của hệ thống bưu điện văn hoá xã hiện nay, đối chiếu với tiêu chí bưu điện văn hoá theo bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới, thực sự còn là một câu chuyện dài và còn sẽ có không ít khó khăn. Tại nhiều địa phương, khi hoạt động của bưu điện văn hoá thực sự không phát huy hiệu quả, đồng lương ít ỏi khiến nhân viên bưu điện không còn mặn mà với nghề... việc này càng có nhiều khó khăn. Theo ông Nguyễn Văn Dương - Chủ tịch UBND xã Cẩm Nam - Cẩm Xuyên: Điều này đặt ra không chỉ cho ngành mà cả với chính quyền một gánh nặng không nhỏ để khôi phục và phát huy hiệu quả những giá trị lợi ích cộng đồng vốn có của các điểm bưu điện văn hoá xã. Theo xu hướng hiện đại, nhu cầu của nông thôn ngày càng cao, việc đảm bảo các yêu cầu của một điểm bưu điện chuẩn là không hề đơn giản.

Đã có thời Internet về tận các xã nhưng vẫn không được khai thác hiệu quả
Đã có thời Internet về tận các xã nhưng vẫn không được khai thác hiệu quả

Theo tiêu chí quốc gia về bưu điện, một xã đạt nông thôn mới phải có ít nhất một trong các cơ sở phục vụ bưu chính, viễn thông như đại lý bưu điện, kiốt, bưu cục, điểm bưu điện - văn hoá xã, thùng thư công cộng và các điểm truy cập dịch vụ bưu chính, viễn thông công cộng khác; phải có Internet về đến thôn, phải có điểm cung cấp dịch vụ Internet. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, tại 220 điểm bưu điện văn hoá trên toàn tỉnh, vẫn chưa có một điểm nào đạt yêu cầu của nông thôn mới về cả con người và cơ sở vật chất. Đấy là chưa nói, từ 2008 nến nay, năm nào ngành cũng phải dành một khoản không nhỏ để chi phí bù lỗ cho các điểm bưu điện văn hoá xã. Ông Hoàn Liên Sơn - Giám đốc bưu điện huyện Cẩm Xuyên cho biết them: đã có một thời gian ngành bưu điện đầu tư tại mỗi huyện 3 đến 5 điểm có internet về đến thôn, tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn chính nó đã bộc lộ nhiều hạn chế, khai thác không hiệu quả, buộc phải đi đến dẹp bỏ. Vì vậy, noíu như bà Phạm Thị Thanh Xuân - GĐ bưu điện huyện Thạch Hà: thực chất Internet là câu chuyện của “bức tường lửa”, lộ trình đưa internet về đến thôn sẽ cần sự vào cuộc không riêng ngành bưu điện.

Không ít bưu điện đã phải đóng cửa vì cả tuần không có lấy một khách hàng
Không ít bưu điện đã phải đóng cửa vì cả tuần không có lấy một khách hàng

Trao đổi thêm với chúng tôi về vấn đề này, Ông Nguyễn Hữu Nguyên - PGĐ bưu điện tỉnh cho biết them: Có thể nói, khi bắt tay thực hiện tiêu chí này, ngành bưu điện cũng xác định rõ đây là vấn đề mang tính cộng đồng, có giá trị nhân văn. Vì vậy, xác định rõ mục đích kinh doanh sẽ hầu như không có lãi, nhưng trong lộ trình xây dựng nông thôn mới, ngành bưu điện vẫn mạnh dạn đầu tư vì những lợi ích vững bền cho các vùng nông thôn. Tuy nhiên, trong điều kiện khó khăn chung của ngành Bưu điện, để duy trì một thiết chế văn hóa tại cơ sở, đảm bảo một trong những tiêu chí trong quá trình xây dựng nông thôn mới, thì cần có sự quan tâm của các cấp, ngành nhiều hơn nữa. Sự chung tay góp sức duy trì có hiệu quả hoạt động của điểm BĐVHX để tìm ra một mô hình hợp lý chính là hướng đi trong quá trình xây dựng nông thôn mới hiện nay.

Chủ đề Xây dựng nông thôn mới

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast