Khi EURO 2012 không chỉ là bóng đá

Dưới tài năng chỉ đạo của huấn luyện viên Vicente Del Bosque, tuyển Tây Ban Nha (TBN) tiếp tục xô đổ nhiều kỷ lục mới, với kỳ tích là đội bóng đầu tiên bảo vệ thành công ngôi vô địch. Tất cả thừa nhận triết lý bóng đá của TBN trở thành hình mẫu lý tưởng cho cả thế giới ngưỡng mộ và học hỏi. Các nhà quản lý của bóng đá Việt Nam thấy được gì từ sự kiện đỉnh cao của bóng đá thế giới này?

Một vở kịch hay

Là ngày hội lớn nhất của bóng đá châu Âu, EURO 2012 cũng mang trong mình không ít bất ổn. Ngoài vấn đề khủng hoảng về chính trị và kinh tế, nỗi lo tình trạng thiếu an ninh, nạn phân biệt chủng tộc... cũng đã tác động không nhỏ đến sự chuẩn bị của hai đồng chủ nhà Ba Lan và Ukraina. Nhưng qua bốn tuần trái bóng Tango 12 lăn tại Đông Âu, mọi thứ không quá ảm đạm như nhiều người lo lắng.

Thậm chí ông Phan Anh Tú, Chủ tịch Liên đoàn bóng đá thành phố Hà Nội, còn khen ngợi nước cờ đưa EURO đến Đông Âu của Liên đoàn bóng đá châu Âu (UEFA) là thượng sách: “Chủ tịch UEFA Michael Platini quả có lý khi đưa Euro đến Ba Lan - Ukraina vào mùa hè này. Bóng đá không chỉ đơn thuần là trò chơi giải trí. UEFA muốn qua giải đấu để giúp hai nửa Đông - Tây sát lại gần nhau. Không chỉ giúp Ba Lan, Ukraina tiệm cận trình độ các đội tuyển như TBN, Đức, Italia, Bồ Đào Nha, quan trọng hơn hình ảnh, con người, văn hóa của họ được quảng bá”.

TBN đăng quang tại EURO 2012 - Ảnh Getty
TBN đăng quang tại EURO 2012 - Ảnh Getty

Ông Tú cũng cho rằng EURO kịch tính, hấp dẫn và như vở kịch hay, khi mọi bất ngờ, xung đột được bộc lộ qua từng vòng đấu: “Tôi không ngờ EURO 2012 lại hấp dẫn như thế. Như vòng đấu bảng, dù có sự phân cấp nhất định giữa các đội bóng lớn - nhỏ, nhưng mọi thứ vẫn luôn tiềm ẩn sự đột biến cao. Điển hình tuyển Nga tưởng chắc suất đi tiếp lại mất vé vào tay Hy Lạp, hay cuộc chiến tay ba giữa TBN - Italia - Croatia ở bảng C chỉ được quyết định ở đúng phút cuối cùng”.

“Khi càng vào sâu, độ cạnh tranh, quyết liệt càng tăng. Nhìn lại, tôi tiếc nhất cho tuyển Pháp chứ không phải Hà Lan. Tuyển Pháp có huấn luyện viên Laurent Blanc tài năng, dàn hảo thủ đồng đều. Nếu Blanc mạnh mẽ, quyết liệt hơn, người Pháp đáng lý còn tiến sâu chứ không chỉ dừng lại ở tứ kết. Trước TBN, Pháp quá rụt rè và nhận thất bại cay đắng”.

Bàn về chiến thuật, ông Tú thừa nhận thứ bóng đá thận trọng đang len lỏi cả EURO: “Các trận đấu năm nay đều rất chặt chẽ. Các đội đều nhập cuộc với tư tưởng không để thua trước khi nghĩ đến chiến thắng. Chính vì vậy việc kiểm soát bóng, kiểm soát khu trung lộ cực kỳ quan trọng và các đội thường tăng tốc trong các pha phản công nhanh. Thất bại của tuyển Đức tại bán kết hay Italia trong trận chung kết cũng vì họ thiếu tập trung, nhập cuộc quá cởi mở. Có thể thấy các trận đấu EURO 2012 tăng dần kịch tính cho đến trận cuối cùng. Nó như bài học đắt giá về nghệ thuật dùng người, cầm quân, sự kỵ giơ, khắc chế giữa các nền bóng đá tạo nên bữa tiệc đặc sắc qua ánh mắt, đôi tai”.

Hoàn hảo về tổ chức

Trong tư cách Phó chủ tịch phụ trách chuyên môn của Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF), ông Phạm Ngọc Viễn, lại có cái nhìn sâu hơn về công tác tổ chức của giải đấu. Dù đang bận bịu chuẩn bị cho các trận đấu V-League trở lại, ông Viễn theo dõi sát sao diễn biến của giải đấu. Sự kỹ lưỡng, chu đáo của hai nước chủ phía chủ nhà khiến ông Viễn gật gù khen ngợi: “Tôi nghĩ năm nay giải đấu đạt sự thành công về mặt tổ chức, điều hành. Ngoại trừ trận Ukraina - Pháp phải tạm hoãn vài tiếng lý do thời tiết, không xảy ra vấn đề chuyên môn hay cổ động viên gây mất trật tự nào lớn. Việc 16 quốc gia xuất hiện trong thời gian ngắn khiến công tác an ninh trước và sau trận đấu không phải chuyện giản đơn, song hai nước đồng chủ nhà đã làm tròn bổn phận”.

Màn đồng diễn trước trận chung kết ở Kiev, khép lại một EURO rất thành công về mặt tổ chức - Ảnh Getty
Màn đồng diễn trước trận chung kết ở Kiev, khép lại một EURO rất thành công về mặt tổ chức - Ảnh Getty

Về công tác điều khiển của lực lượng trọng tài, ông Viễn liên tưởng đến bóng đá nước nhà: “Phải nhìn nhận trọng tài châu Âu làm việc chính xác, hết sức nghiêm túc. Đặc biệt kể từ vòng bán kết, các quyết định đưa ra đều có tính chính xác cao. Tất nhiên, có vài lỗi nhỏ như việc năm trọng tài trên sân vẫn không công nhận bàn thắng của cầu thủ Ukraina đã đi qua vạch vôi cầu môn (của Marko Devic trong trận gặp Anh ở vòng bảng). Ở EURO có việc trọng tài đến từ những quốc gia đã bị loại tiếp tục thổi ở những trận có đội loại chính nước mình. Tình huống này mà xuất hiện với bóng đá Việt Nam có thể gây ra cãi nhau to, gửi công văn rồi gây sức ép buộc ban tổ chức giải đổi người, thay trọng tài. Nhưng ở EURO 2012 không có chuyện ấy, mới thấy sự chuyên nghiệp của họ”.

Sau khi khen ngợi mặt tổ chức, ông Viễn thừa nhận EURO 2012 cũng thành công mặt chất lượng: “Bóng đá châu Âu vẫn ở ngôi vương bóng đá thế giới. Bốn đội bóng vào bán kết là TBN, Italia, BĐN, Đức đều xứng đáng và đại diện cho những trường phái tấn công. Việc TBN lập kỳ tích bảo vệ thành công ngôi vô địch là hoàn toàn hợp lý. Tôi nói vui là nên phong thánh cho triết lý tấn công tiki-taka của người TBN, khi họ làm điều kỳ diệu mà chưa một đối thủ nào làm được. Dù tiếc cho Italia hay Đức song giải đấu này TBN vẫn chơi ấn tượng, bản lĩnh nhất. Tôi nhớ câu thơ của nhà thơ tình Xuân Diệu: ''Ta là một, là riêng, là duy nhất'' và nó giống hình ảnh tuyển TBN vào lúc này''.

Bản sắc quyết định chiến thắng

Nhìn lại trận chung kết EURO 2012 giữa TBN và Italia, Tổng giám đốc Công ty cổ phần bóng đá SLNA, ông Nguyễn Hồng Thanh, cũng cho biết quan điểm của mình: “Kỳ tích thầy trò Vicente Del Bosque tạo ra không phải ăn may mà có. Muốn có được ngày vinh quang ấy, TBN đã xây dựng hệ thống đào tạo trẻ bài bản, thống nhất từ cấp câu lạc bộ để tạo nên bản sắc, cá tính chỉ riêng tuyển TBN có được. Đó thứ bóng đá đẳng cấp, hoàn mỹ nhất trong kỷ nguyên bóng đá hiện đại ở thời điểm hiện tại.

Ai cũng biết TBN sẽ đá như thế nào, song ngăn cản họ không phải chuyện dễ dàng. Bởi cầu thủ TBN đang ở trình độ cao nhất ở thời điểm này. Bóng đá TBN thống trị cấp câu lạc bộ với hai đại điện Barcenola và Real Madrid, nên sự thống trị ở tầm tuyển cũng là điều dễ hiểu. Hiện nay Italia hay Đức, Pháp cũng đang học hỏi phong cách kiểm soát bóng, lấy tấn công làm phòng ngự từ TBN, nhưng còn mất thời gian dài mới có thể đuổi kịp TBN”.

Ông Thanh cũng dự đoán TBN vẫn là ứng viên số một ở World Cup 2014 tại Brazil: “Với màn thể hiện tại EURO 2012, TBN nói riêng và bóng đá châu Âu nói chung vẫn sẽ thống trị sân chơi World Cup. Nhìn bình diện thế giới, chỉ có Brazil và Argentina ở Nam Mỹ là đủ sức ngăn cản những ông lớn bóng đá lục địa già. Nhưng tôi thấy TBN vẫn nhỉnh hơn các đối thủ còn lại ở giải đấu hai năm tới”.

Theo thethaovanhoa.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast