“Kình ngư”... không chân!

(Baohatinh.vn) - Từng là cậu bé ngoan ngoãn, hiền lành, giỏi bơi lội... rồi một tai nạn xảy đến, khiến anh mất đi đôi chân. Không đầu hàng số phận, anh từng bước vượt qua những mất mát, mặc cảm, trở thành VĐV bơi lội xuất sắc, một huấn luyện viên hết lòng vì công việc và đóng góp không nhỏ trong thành tích thể thao của quê hương, đất nước. Đó là câu chuyện về “người cá” Đặng Văn Công...

Cậu bé không chân và khát khao bơi lội

Sinh ra và lớn lên bên dòng sông La, những đứa trẻ xã Liên Minh (Đức Thọ) đều được người lớn dạy bơi từ nhỏ. Cũng như các bạn, lên 4 tuổi, Đặng Văn Công đã được bố dạy bơi và trở thành “chú cá nhỏ” tự do vẫy vùng.

Tuổi thơ trôi qua êm đềm cho đến năm lên 7 tuổi, trong lần đi chơi với các bạn tại nhà máy gạch, một tai nạn đã cướp đi đôi chân của Công. Bao niềm vui tuổi thơ, bao ước mơ tưởng như dừng lại. Phải mất gần 4 năm, Công mới quen được với việc di chuyển bằng 2 tay.

Kình ngư không chân Đặng Văn Công

Kình ngư không chân Đặng Văn Công

Đặng Văn Công kể: “Sau tai nạn, mọi sinh hoạt cá nhân đều nhờ vào bố mẹ. Trở về sau những ngày dài điều trị tại bệnh viện, tôi không theo kịp bạn bè cùng trang lứa. Cú sốc tinh thần quá lớn khiến tôi 4 năm lặng lẽ vào ra trên chiếc đòn gỗ. Nhìn bạn bè đi học, tôi buồn và càng thêm chán nản…, thấy mình như người vô dụng”.

Rồi Công quyết tâm đi học trở lại. Được bố mẹ ủng hộ, thầy cô động viên, các bạn giúp đỡ, Công bắt đầu học lại lớp 1 (khi đó, Đặng Văn Công đã 11 tuổi). Những buổi đến trường, các bạn lần lượt thay nhau đến cõng càng tiếp thêm động lực cho Công. Những lúc các bạn chơi bóng, Công làm thủ môn; về nhà, Công phụ giúp bố mẹ nấu nướng, quét dọn.

Bắt nhịp được với cuộc sống thường nhật, Đặng Văn Công lại nhớ đến những ngày tháng vùng vẫy dưới nước và nài nỉ bố cõng ra sông tập bơi. Bố nhìn anh, ứa nước mắt: “Có chân còn tập chưa nổi, con như vậy bơi làm sao?”. Nhiều lần can ngăn không được, chiều con, bố cõng Công ra sông. “Lần đầu tiên xuống nước sau tai nạn, vừa rời tay bố, Công chìm nghỉm trong làn nước, chới với. Đưa con lên bờ, bố con ôm nhau khóc” – ông Đặng Đình Chiến (bố anh Công) nhớ lại.

Một ngày, hai ngày, ba ngày… kết quả cũng chẳng khá hơn. Nhưng chính những lần như thế lại càng khiến Công thêm “tức chí”. Ròng rã nhiều ngày trời, cuối cùng, Công cũng lấy được thăng bằng cơ thể và rồi có thể bơi lội thành thạo.

Mất cả hai chân trong một tai nạn, Đặng Văn Công vẫn như con rái cá mỗi lần xuống nước

Mất cả hai chân trong một tai nạn, Đặng Văn Công vẫn như con rái cá mỗi lần xuống nước

“Cảm giác đó, đến bây giờ tôi vẫn không thể quên. Thực sự rất hạnh phúc, như mình vừa thoát ra khỏi chốn tăm tối, được trở lại là chính mình” – Công hào hứng khi nhớ lại những ngày đầu làm quen với nước sau tai nạn.

Kể từ đó, thông tin về cậu bé không chân bơi giỏi ở xã Liên Minh lan truyền, trở thành tấm gương cho rất nhiều người. Phát hiện ra tài năng của anh, năm 1997, Phòng Văn hóa - Thể thao huyện Đức Thọ đã vận động gia đình cho anh tham gia đội tuyển bơi lội dành cho người khuyết tật của tỉnh. Thương con dáng người nhỏ thó, sức khỏe yếu, bố mẹ không đồng ý. Nhưng để thuyết phục cũng như chứng minh cho bố mẹ thấy mình có thể làm được, ngày ngày, Công một mình kiên nhẫn ra sông tập bơi, rèn luyện thể lực.

Sau gần 5 năm vượt lên chính mình, cuối cùng, Đặng Văn Công cũng thuyết phục được bố mẹ cho tham gia các giải đấu. Năm 2002, lần đầu tiên tham gia giải thể thao người khuyết tật toàn quốc tại Huế, Công mang về huy chương bạc cho đoàn Hà Tĩnh ở thành tích bơi 200m tự do. Đây cũng là lần đầu tiên Hà Tĩnh có VĐV tham gia và đạt thành tích cao ở nội dung này.

“Kình ngư Para Games” bên dòng sông La

Kể từ lần thi đấu đầu tiên đó, khả năng bơi lội của Đặng Văn Công càng được phát huy. Năm 2003, ngay sau kỳ thi tốt nghiệp THPT, Công được gọi về đội tuyển quốc gia tập luyện cho giải đấu dành cho người khuyết tật khu vực Đông Nam Á (ASEAN Para Games). Liên tiếp từ năm 2003 đến nay là các cuộc thi từ cấp tỉnh, quốc gia và khu vực Đông Nam Á, nơi nào, tên anh cũng được xướng lên là người đạt giải cao. Với 79 huy chương các loại (67 huy chương vàng, 9 huy chương bạc, 3 huy chương đồng) là thành tích đáng tự hào, anh cũng đã phá 3 kỷ lục tại Đại hội Thể thao người khuyết tật Đông Nam Á ở các nội dung bơi 50m ngửa, 100m, 200m.

Đặng Văn Công tham gia giải Para Games tại Myanmar vào năm 2014

Đặng Văn Công tham gia giải Para Games tại Myanmar vào năm 2014

Nhìn anh vẫy vùng dưới nước một cách điêu luyện, thuần thục, không ai nghĩ rằng, người thanh niên này đã mất cả 2 chân. Và càng không thể ngờ, anh là VĐV, huấn luyện viên dạy bơi. Hiện, Đặng Văn Công là giáo viên dạy bơi thuộc Trung tâm TDTT tỉnh. Với anh, giờ đây, bơi là một phần không thể thiếu của cuộc sống - “khi ở dưới nước, tôi càng thấy cuộc sống thú vị”. Và anh đang ngày ngày truyền dạy đam mê bơi lội cho hàng trăm em nhỏ trên địa bàn thành phố Hà Tĩnh.

Chưa từng lỡ hẹn với một giải thưởng nào khi tham gia thi đấu, nhận vô số bằng khen, giấy khen, danh hiệu, Đặng Văn Công còn vinh dự được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba, 3 lần nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Thành tích đạt được là thế, nhưng khi tâm sự về cuộc sống của bản thân, Đặng Văn Công thành thật chia sẻ: “Là con trai cả trong gia đình, giờ là bố của 2 đứa con, nhưng tôi vẫn chưa làm tốt vai trò của mình. Đồng lương ít ỏi không đủ trang trải cuộc sống, trong khi bố mẹ, vợ con, người thân đã hy sinh vì tôi quá nhiều. Hiện, tôi vẫn ở trong khu tập thể của cơ quan, tranh thủ lúc rảnh rỗi hay cuối tuần về với gia đình. Thế nhưng, không vì thế làm tôi từ bỏ đam mê mà luôn phấn đấu để đưa vinh quang về cho quê hương, đất nước. Đi ra mới biết, còn rất nhiều hoàn cảnh khó khăn, nhưng họ làm được nhiều điều phi thường hơn mình thì không cớ gì mình không vượt qua được”.

Đầu tháng 8 vừa qua, Đặng Văn Công tham gia giải thể thao người khuyết tật toàn quốc tại Đồng Nai và xuất sắc giành 3 huy chương vàng. Anh cũng là người đang được ban huấn luyện đề cử là VĐV tham gia giải thể thao khuyết tật Đông Nam Á được tổ chức tại Singapore vào tháng 12 tới.

Nhìn ánh mắt đầy hy vọng và ý chí sắt đá nơi Đặng Văn Công, tin rằng, anh sẽ tiếp tục gặt hái thêm nhiều thành tích cao, làm rạng danh quê hương và giữ trọn biệt hiệu đầy trân quý mà mọi người dành cho - “Kình ngư không chân của sông La”.

Giữa những đường bơi dài và sâu, “người cá” không chân vẫn thoăn thoắt tiến về phía trước. “Thước phim” cuộc đời anh rồi sẽ được viết thêm những trang mới. Tràn trề nhiệt huyết và lấp lánh niềm tin…

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast