Lần cuối cùng gặp Bác

Ngày 3/9/1969, tôi đang công tác tại Hà Tĩnh thì được tin Bác mất. Bàng hoàng và xúc động, tôi không sao cầm được nước mắt. Tôi muốn ra ngay Hà Nội để được nhìn Bác lần cuối.

Ước muốn của tôi đã trở thành sự thật. Tôi và một số đồng chí khác được Quân khu gọi đi dự lễ tang Hồ Chủ Tịch. Đoàn Khu IV do Tư lệnh Đàm Quang Trung làm trưởng đoàn, lên đường ngay trong đêm mưa bão. Xe chúng tôi chạy suốt đêm, rạng sáng ngày hôm sau thì đến Hà Nội. Chúng tôi vừa tới Trạm 66A thì các đồng chí Trường Chinh, Phạm Văn Đồng và Đại tướng Võ Nguyên Giáp đều ra thăm và giao nhiệm vụ.

Những ngày sau đó, mỗi đoàn được cử 4 đồng chí thay nhau túc trực bên Người. Kíp trực của đoàn Khu IV gồm đồng chí: Đàm Quang Trung, Trần Lư, Trần Thị Lý và tôi. Giây phút đứng nhìn Người yên nghỉ, vẫn với bộ ka ki và đôi dép cao su quen thuộc ấy, vẫn chòm râu, mái tóc và khuôn dáng dịu dàng trong giấc ngủ bình yên, nước mắt tôi cứ trào ra và nhớ lại hình ảnh Người trong những lần gặp trước…

*

* *

Ngày Quốc khánh năm 1957, tôi cùng đồng đội dọc theo đại lộ Hùng Vương hùng dũng trên xe pháo, tiến vào quảng trường Ba Đình rực rỡ cờ hoa. Khi xe lăn bánh qua lễ đài, đã thấy Bác tươi cười, giơ tay vẫy chào đồng bào và chiến sĩ. Trước đó 2 ngày, đơn vị chúng tôi được Bác trực tiếp gặp gỡ và chỉ thị khẩn trương tập luyện để ra mắt trong ngày lễ lớn. Đó là sau chuyến đi thăm các nước trên thế giới, ngày 30/8/1957, Bác xuống sân bay Bạch Mai thăm và kiểm tra đoàn duyệt binh do đồng chí Dũng làm trưởng đoàn. Bác ân cần đến với chúng tôi trong câu chuyện tâm tình nhưng lại giao nhiệm vụ cho đoàn một cách tự nhiên và nghiêm khắc:

- Bây giờ các cô, các chú khỏi phải lo cho Bác không có bằng đại học nữa, vì trong chuyến đi thăm, Ấn Độ đã tặng cho Bác một bằng đại học cao nhất của nước họ. Cũng đừng lo Bác không có Huân chương, vì các nước đã tặng nhiều huân chương cho Bác rồi!... Bây giờ, Bác cháu ta bàn chuyện nội bộ. Quốc khánh năm nay ta sẽ tổ chức to hơn năm trước. Khách quốc tế đến không chỉ riêng các bạn mà còn có cả khách chưa phải là bạn. Bởi vậy, khối duyệt binh, diễu hành của các cô, các chú là một cuộc biểu dương lực lượng, có tác động chính trị rộng lớn, đòi hỏi quân phong phải chỉnh tề, động tác phải chuẩn mực, đội hình phải đều, đẹp. Vì lẽ ấy mà ta phải cố gắng và nghiêm túc tập luyện…

Đêm đó, cả đoàn phải thức đến 3h sáng để luyện động tác. Tối 1/9, cả đoàn duyệt binh ra sân Ba Đình duyệt thử. Đội hình điều hành bị vướng bởi cây xà cừ to cạnh lễ đài. Để tránh động tác khép và mở hàng quân, đoàn đề nghị lên Bác xin chặt cây, Bác bảo:

- Các cô, các chú chịu khó khắc phục, cây ấy là do ông cha ta trồng chứ có phải Bác cháu ta trồng đâu mà đòi chặt…

Khi đoàn diễu hành đã vượt xa khán đài, tôi bỏ tay xuống và lén quay lại để được nhìn Bác thêm chút nữa. Tôi nhìn hàng quân và sực nhớ lại cây xà cừ: nó vẫn tồn tại cạnh lễ đài như một trong muôn ngàn tấm thảm xanh trải dưới ngàn vạn bóng bay và cánh chim hòa bình giữa ngày vui độc lập!

Ngày 27 Tết Nguyên đán (1968), Đại hội Anh hùng chống Mỹ cứu nước khai mạc tại Thủ đô Hà Nội. Ở hội trường, Thái Văn A, tôi và Trần Thị Lý may mắn được ngồi ở hàng ghế phía trước. Đến giờ khai mạc thì Bác xuất hiện. Từ trên Đoàn chủ tịch, Bác cầm 2 bó hoa tươi thắm, bước xuống tặng cho mẹ Suốt chèo đò ở Bảo Ninh và mẹ Phấn ở Cao Bằng, có 6 người con gửi ra chiến trường, trong đó có một người con đã hy sinh.

Đoạn, Bác nhìn rồi đặt nhẹ bàn tay lên vai tôi và hỏi:

Chú là Dương Chí Uyển, chiến đấu trận 26/3/1965 ở núi Nài phải không?

Thưa Bác, phải ạ !

Thế vết thương của chú đã khỏi hẳn chưa?

Tôi thật không ngờ 2 năm đã trôi qua, Bác vẫn nhớ tên, nhớ ngày tháng chiến đấu và hỏi đến cả vết thương của mình. Tôi nghẹn ngào xúc động không nói nên lời. Suốt 4 ngày Bác với các đồng chí Đoàn Chủ tịch điều khiển đại hội, tôi tập trung theo dõi và thu nhận lời Người.

Cứ đến giờ nghỉ 10 phút, Bác lại tranh thủ đi gặp các đoàn, bắt tay, chụp ảnh và hỏi thăm sức khỏe từng người. Đại hội đã sang ngày bế mạc. Chúng tôi sắp hàng lên nhận huân chương rồi diễu hành qua khán đài để chào Bác trước khi về đơn vị cùng với Trần Hạnh, Phan Sĩ Sen và Thái Văn A. Nhưng sáng mồng 1 Tết 1968, chúng tôi còn có thêm diễm phúc là được vào dự lễ chiêu đãi tại Phủ Chủ tịch.

Hôm ấy, trông Bác hồng hào, khỏe mạnh và rất vui, vẫn bộ ka ki và đôi dép cao su giản dị, Bác ngồi giữa đoàn con cháu vây quanh.

Tôi vẫn chưa dám thưa với Bác về sự đổi đời của gia đình và sự trưởng thành của bản thân. Sau kháng chiến chống Pháp, tổ chức phân công tôi về trường học văn hóa bồi dưỡng kỹ thuật pháo cao xạ. Phải đánh vật với những bảng số, tọa độ, ô vuông tầm hướng và phần tử… thấy ngán quá, đang có ý định xin về đơn vị thì vừa lúc Bác đến. Đó là lần đầu tiên tôi được gặp Bác, niềm vui đến với cả lớp, cả trường nhưng vui sướng nhất vẫn là tôi, vì tôi được đứng cạnh Bác. Bác cầm lấy đôi tay tôi dịu dàng:

- Cháu bị thương ở mặt trận nào, bây giờ tay cháu còn đau lắm không? Rồi Bác nói với người chỉ huy:

- Ban phụ trách nhà trường cần tạo điều kiện thuận lợi cho các chú thương binh học tập, đồng thời các chú thương binh càng phải cố gắng.

Hơi ấm của Bác đã truyền qua tôi, nghe những lời căn dặn ưu ái, tôi lại càng ân hận.

Năm 1965, giặc Mỹ bắn phá tỉnh nhà. Với những kiến thức được học, tôi cùng đồng đội đứng lên đương đầu với máy bay Mỹ bên núi Nài. Với tinh thần “nhằm thẳng quân thù mà bắn”, trận 26/3, 12 máy bay giặc Mỹ đã phải đền tội trước quyết tâm chiến đấu của quân và dân ta. Trận đánh gần kết thúc thì tôi bị bom đập vỡ xương hông buộc phải rời trận địa và một lần nữa lại phải vật lộn với vết thương mấy tháng trời trên bàn mổ. Hôm khai mạc đại hội, Bác hỏi “đã khỏi hẳn chưa?...” đó là hỏi chuyện bị thương ở núi Nài trong ngày đầu đánh Mỹ...

Bây giờ, trước mặt Bác trong Phủ Chủ tịch, tôi cố chọn thời cơ mà không sao nói được. Chờ cho Trần Thị Lý nói xong, tôi chỉ dám đứng dậy chúc sức khỏe Bác và hứa với Bác thực hiện tốt những lời Bác dạy. Tôi vừa dứt lời thì Bác nhìn mọi người cười đôn hậu và nói:

- Các cô, các chú vừa chúc Bác mạnh khỏe. Nếu các cô, các chú làm việc tốt thì Bác càng khỏe hơn và chúng ta phải luôn đoàn kết, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ. Cố gắng học hỏi, sản xuất và chiến đấu giỏi, lập nhiều thành tích to lớn hơn nữa, góp phần cùng toàn dân đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam, tiến tới thống nhất nước nhà. Rồi Bác hỏi:

- Có làm được không?

- Thưa Bác, có ạ!

- Có quyết tâm không?

- Quyết tâm ạ!

Tiệc chiêu đãi xong, Bác đi bắt tay từng người một, đến lượt tôi đứng trong góc bàn, Bác đi qua rồi còn quay lại hỏi:

- Chú đã bắt tay chưa?

Tôi xúc động đáp:

- Thưa Bác, chưa ạ!

Bác cười nắm lấy tay tôi và nói:

- Bây giờ các cô, các chú cùng ra sân tập hợp biểu dương lực lượng đầu xuân. Quân sự, để chú Giáp tập hợp. Chúng tôi chưa kịp ra sân hết, cố ý chầm chậm để nán lại bên Bác thì đã nghe Bác dõng dạc hô:

Tất cả thành 3 hàng dọc, tập hợp!

Mọi người đã vào hàng, đồng chí Võ Nguyên Giáp chấn chỉnh lại đội hình xong lên báo cáo với Bác.

Chúng tôi đang hy vọng Bác chúc tết và đọc thơ Xuân 1968 rồi cùng ở lâu để được chụp ảnh đầu xuân, nhưng Bác đã nói :

- Duyệt binh xong giải tán, từng đoàn về chỗ nghỉ!

Chúng tôi nuối tiếc rời Phủ Chủ tịch rồi sau đó chia tay nhau lên đường về các chiến trường. Từ đó, cuộc đời tôi không bao giờ có một buổi sáng mồng 1 tết hạnh phúc và hồi hộp như thế nữa.

*

* *

Bây giờ đứng bên linh cữu Bác, mắt tôi không rời thi hài, tâm trí cứ hồi tưởng về những lần gặp Bác, ca trực 30 phút đã hết từ bao giờ!

Tôi theo Tư lệnh Đàm Quang Trung rời khỏi linh cữu của Người, lòng thầm hứa với Bác: “Thưa Bác, Bác đã đưa chúng con từ than bụi lầy bùn vùng đứng lên làm cách mạng. Bác đã dạy chúng con biết làm người và bất kỳ hoàn cảnh nào con cũng vươn lên hoàn thành nhiệm vụ. Lòng nhân ái bao dung của Bác đã xóa bớt cho mỗi chúng con sự cạn hẹp trong lòng. Trái tim Bác ôm ấp cả mối tình nhân loại nhưng Bác vẫn không quên từng số phận nhỏ bé của chúng con. Bác là vĩ nhân, lo nghĩ đến những việc làm vĩ đại hôm qua và không quên lo cả cho cuộc sống của mỗi người tồn tại hôm nay và mãi mãi mai sau. Con xin nguyện mãi mãi xứng đáng là anh bộ đội Cụ Hồ ”.

Nhân kỷ niệm 68 năm ngày Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập và 44 năm ngày mất của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tôi viết lại những dòng chữ này để tỏ lòng biết ơn và thương nhớ Bác khi mình đang được sống hòa bình và hạnh phúc trong sự nghiệp đổi mới của Đảng và nước nhà.

(Ghi theo lời kể của Anh hùng LLVT nhân dân Dương Chí Uyển)

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast