Làng biển Cồn Gò

Nhịp sóng từ đại dương xa xăm vỗ vào trảng cát hình thành tên làng, tên đất và những cụm dân cư sinh sống ven bờ. Trải bấy nhiêu năm, không ai còn nhớ rõ làng biển Cồn Gò ở xã Cẩm Nhượng huyện Cẩm Xuyên(Hà Tĩnh) có từ thuở nào. Với những ngư dân quanh năm hết ngược sóng gió trùng khơi, lại trở về neo thuyền nơi cửa lạch họ chỉ biết làng mình nằm mấp mé bên chân sóng. Vạn vật có thể đổi dời, biến cải theo thời gian, song với họ niềm tự hào về truyền thống làng nghề vẫn đang thắp sáng lên bao niềm tin, dự định mới.

Bình minh trên biển Cồn Gò

Bình minh trên biển Cồn Gò

Độc đáo chợ cá Cồn Gò.

Niềm vui mùa cá mới

Niềm vui mùa cá mới

Tôi là người may mắn được đi đến nhiều nơi và được khám phá những nét đặc trưng của nhiều phiên chợ. Tôi thường cảm nhận chợ là nơi hội tụ gần như khá trọn vẹn, đầy đủ về những nét đẹp văn hóa, phong tục tập quán và cả tính cách con người ở mỗi vùng quê. Lần này bước chân đến chợ Cồn Gò cũng vậy. Vẫn kẻ bán, người mua, vẫn tiếng nói cười rôm rả, nhưng phiên chợ để lại trong tôi nhiều ấn tượng khó phai với những nét đặc trưng rất riêng hiếm nơi nào có được.

Ngay từ lúc hơn 4h sáng cảnh mua bán tại Cồn Gò đã tấp nập rộn rã hẳn lên. Không hàng quán, ki ốt, không có điện thắp sáng cả khu chợ chỉ lấp loáng ánh đèn pin, đèn ắc quy và tiếng người hì hục khuân bê, trao đổi các mặt hàng hải sản. Từng đợt sóng biển ộp oạp vỗ vào mạn thuyền, những triền gió mát rượi từ biển khơi bao la đều đặn thổi về trên những rặng cây phi lao ngân vang bao cung thanh trầm bổng. Chợ bên mép sóng nên hương vị cũng hết sức đặc trưng. Không gian ở đây chỉ đậm đặc mùi cá, tôm, mực, ghẹ còn hầu như không hề có bất kỳ một mặt hàng nông sản nào xen lẫn. Mặc dù đã lặn lội dài ngày trên biển, song những ngư ông vẫn dầm mình dưới nước tay xô thuyền thúng đưa những mớ tôm cá tươi rói vào bờ, miệng thì í ới gọi bạn bè người thân, nói cười không dứt. Họ vui cũng đúng thôi, bởi nghiệp biển vốn lênh đênh, chỉ cố định ngày dong thuyền ra đi còn ngày trở về lại gần như phải tùy thuộc nhiều vào trời yên, biển lặng, hay những lúc tôm cá đầy ắp khoang thuyền.

Trời chuyển dần về sáng, vầng dương đỏ ngầu lấp ló đằng đông. Lúc này cả biển khơi như một tấm pha lê đa màu, đủ sắc. Bình minh nơi cửa biển vừa thuần khiết, trong lành vừa đẹp đến nao lòng cho bất cứ ai mỗi lần thả hồn bên chân sóng. Tàu thuyền chen chúc, những vệt sáng hiếm hoi vừa đủ soi tỏ mặt người, tôi mới thấy ở chợ Cồn Gò phần lớn là đấng nam nhi. Họ vừa đi thuyền vừa đóng vai trò là người chạy chợ. Hải sản sau khi đánh bắt được các thương lái đến tận thuyền đặt mua để kịp đem đến muôn nơi, nên việc khuân bê hay cân đong, đo đếm ngay từ đầu đều do người đàn ông đảm nhận. Còn các chị, các mẹ hội tụ về chợ Cồn Gò trưa hơn. Vì lúc này việc trao đổi, mua bán các mặt hàng cá, tôm không cần nhiều đến sức lực. Phiên chợ trên biển vãn dần, các ngư ông ngồi tụm năm, tụm bảy trên thuyền nói chuyện xả hơi. Còn chị em phụ nữ Cồn Gò lại xúm xít bắt tay vào mua bán.

Nhộn nhịp chợ cá Cồn Gò

Nhộn nhịp chợ cá Cồn Gò

Nhịp sống làng biển là vậy, đàn ông cáng đáng gần như tất cả mọi công việc nặng nhọc để rồi sức vóc của họ ngày một lớn lên. Người nào người nấy đều có làn da rắn rỏi, vòng ngực căng phồng, cánh tay cuồn cuộn như sóng vỗ. Ngư phủ Nguyễn Văn Nam- người có hơn 20 năm gắn bó với nghề đi biển, mặc cho áo quần ướt sũng nhưng anh vẫn tường tận kể cho tôi nghe về công cuộc chinh phục ngư trường. Anh cho biết nghề đi biển mỗi năm chỉ vẻn vẹn từ tháng ba âm lịch cho đến nửa cuối tháng bảy là phù hợp nhất. Bởi thời điểm này tiết trời khá thuận lợi đặc biệt lại là dịp tôm cá sinh sôi nhiều nên dễ dàng đánh bắt. Còn vào những tháng khác thì hết biển động lại đến mưa rét dầm dề nên có đánh bắt cũng chỉ ở tuyến lộng, tàu thuyền không dám ra khơi. Năm nay những con cá mùa như: Nục, mu, cá trích, cá lầm… về muộn hơn so với mọi năm, nhưng bù lại thì mực ống, ghẹ, cua càng tương đối dồi dào nên mỗi lần đi biển cũng mang một nguồn thu nhập khá. Mải mê câu chuyện với người đàn ông đầu đội trời, chân đạp sóng chốc lát phiên chợ Cồn Gò đã vãn dần. Dọc triền đê chắn sóng Cửa Nhượng từng dòng người tay xách, nách mang thong dong trở về nhà để lại khu chợ với bãi đất trống trơn nằm sõng soài bên chân sóng.

Khát vọng… “dài hơi”.

Biển rộng lớn bao la, ngư trường cá tôm đầy đắp. Niềm vui mùa cá mới đã bắt đầu hiện lên trên những gương mặt rạng ngời của nhiều ngư dân làng biển. Đã hơn 1 tuần lênh đênh trên sóng nước, thuyền của anh Trần Văn Thông người làng Cồn Gò đã về với nơi neo đậu. Anh Thông rất vui vì chỉ có mấy ngày mà cả 8 lao động trên thuyền đã đánh bắt được hơn 2 tấn cá tôm và anh dự tính nếu trừ các khoản chi phí xăng dầu, ăn uống thuyền của anh còn lãi ròng hơn 15 triệu đồng. Đó là cái được của chuyến đi, còn nỗi niềm bám biển thì không chỉ riêng anh mà rất nhiều ngư dân khác cũng đang còn nhiều khắc khoải. Bởi gần đây môi trường biển có nhiều biến động.

Lạch Cửa Nhượng đang dần vơi cạn

Lạch Cửa Nhượng đang dần vơi cạn

Ngoài khơi hiện tượng ngư dân dùng thuốc nổ đánh bắt theo kiểu tận diệt nguồn lợi thủy sản vẫn xẩy ra, còn trong bờ thì luồng lạch Cửa Nhượng, bãi Cồn Gò đang cạn dần khiến cho tàu thuyền không thể vào tận nơi neo đậu. Với ngư dân ở nhiều vùng biển khác mỗi khi đánh bắt được cá tôm đưa vào đến cảng là gần như đã an toàn. Còn ngư dân Cồn Gò thì do thuyền phải neo đậu cách bờ khá xa nên mỗi lần vận chuyển hải sản về làng chỉ có những chiếc thuyền thúng mong manh là phương tiện duy nhất. Lúc trời yên, biển lặng thì không sao, nhưng gặp phải khi biển dữ dằn nổi cơn dông tố thì không ít lần bao mồ hôi, công sức đổ ra rốt cuộc của biển trả về với biển. Mặc dù phải đối mặt với nhiều gian khó, hiểm nguy và việc đánh bắt chuyện được hay mất âu cũng là lẽ thường tình của ngư dân trên biển. Vậy nhưng qua ánh mắt, nụ cười và giọng nói hào sảng vang lên bên chân sóng, tôi cảm nhận anh Thông cùng những ngư dân Cồn Gò đang biểu thị một quyết tâm cao là bám biển dài ngày, giữ vững chủ quyền lãnh hải.

Làng biển Cồn Gò hiện có 178 hộ dân với hơn 500 nhân khẩu, đời sống chủ yếu dựa vào đánh bắt chế biến thủy hải sản. Trong những năm qua nền kinh tế có nhiều biến động, giá nhiên liệu tăng cao, song không vì thế mà nghiệp biển nơi đây phải chịu cảnh trầm lắng, nhạt dần. Ngược lại mỗi ngày hàng chục chiếc thuyền, hàng trăm ngư phủ vẫn đều đặn rẽ sóng ra khơi mang về cho đất liền một nguồn lợi thủy sản đáng kể.

Tàu thuyền của ngư dân Cồn Gò không thể vào bờ neo đậu.

Tàu thuyền của ngư dân Cồn Gò không thể vào bờ neo đậu.

Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Nhượng Nguyễn Văn Hùng cho biết: Làng biển Cồn Gò là nơi mà ngư dân duy trì khá tốt nghề đánh bắt truyền thống cha ông để lại. Phát triển kinh tế biển đã thực sự góp phần quan trọng trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt gần đây với những chủ trương, chính sách sát đúng của tỉnh, của huyện và địa phương về việc hỗ trợ lãi suất vay vốn để cải hoán, nâng cấp tàu thuyền lên 50, 60 thậm chí 90CV đã giúp nhiều ngư dân vững vàng bám biển. Trước đây nghề lưới vây, lưới rê, nghề chụp mực, cá…ở tuyến khơi khá xa lạ với ngư dân thì nay nhiều người đã bắt nhịp vươn ra biển lớn. Nghề đi biển đã có những tín hiệu vui, song để có được niềm vui trọn vẹn thì vẫn còn nhiều việc phải làm. Theo anh Hùng thì việc trước mắt nhưng cũng là cả một khát vọng dài hơi đó là huy động mọi nguồn lực để nạo vét lạch Cửa Nhượng, bãi Cồn Gò tạo thuận lợi cho tàu thuyền cập bến. Tiếp đến là quy hoạch đầu tư xây dựng cảng cá và các dịch vụ hậu cần nghề cá để ngư dân yên tâm lao động, sản xuất, buôn bán làm ăn một cách bền vững, lâu dài.

Biển Cồn Gò ngày lại qua ngày từng làn sóng vẫn đều đặn vỗ về lăn dài trên trảng cát. Bầu trời xanh màu ngọc bích, xa xa đảo Én, đảo Bơớc với muôn vàn cánh chim hải âu đang tung tăng chao lượn thầm báo hiệu một mùa biển bình yên. Dưới chân cầu Cửa Nhượng, rồi ven tuyến đường dọc bờ biển Thạch Khê- Vũng Áng đâu đâu cũng bắt gặp những chuyến tàu dương cờ Tổ quốc lên cao, chuẩn bị cho những chuyến ra khơi mới.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast