"Mắt cú” trình làng tại World Cup 2014

Những tranh cãi xem bóng đã đi qua vạch vôi hay chưa sẽ không còn, vì ở VCK World Cup 2014 đã có sự xuất hiện của công nghệ Goal-line có tên “Mắt cú”.

NGƯỜI ĐỨC… “CAY CÚ”

Chung kết World Cup 1966, cú sút của Geoff Hurst (ĐT Anh), bóng đã vào lưới CHLB Đức hay chưa? Người Anh bảo rằng “chắc chắn vào”, Hurst được phong Sir, Tam sư có danh hiệu quốc tế duy nhất tính đến lúc này. Trong khi đó, người Đức vẫn luôn một mực cho rằng bóng chưa vào lưới. Gần nửa thế kỷ sau vụ tranh cãi ấy, một công ty của Đức mang tên Goal Control (kiểm soát bàn thắng) đã cho ra đời thiết bị mang tên “Mắt cú” với tin tưởng sẽ chấm dứt mọi tranh cãi xem bóng đã qua vạch vôi khung thành hay chưa.

“Hoàng đế” bóng đá Đức Franz Beckenbauer vẫn chưa quên trận chung kết World Cup 1966. Phát biểu trên tờ Kicker, ông nói: “Tôi vẫn tin bóng chưa vào lưới”. Beckenbauer ủng hộ “Mắt cú” dù thiết bị này vẫn còn gây ra một số tranh cãi, vì có nhiều ý kiến cho rằng nó sẽ làm mất đi giá trị lớn của bóng đá là cảm xúc và tính “con người” (tước của trọng tài quyền quyết định tức thì sau một tình huống tranh cãi), đó là chưa kể còn làm gián đoạn nhịp điệu của trận đấu.

NGƯỜI THUA MÁY

Trọng tài sẽ bị ảnh hưởng bởi “Mắt cú”, vì nếu bóng vào lưới thì xung điện tử sẽ truyền từ hệ thống điều khiển đến chiếc đồng hồ do trọng tài đeo trong vòng chưa đến 1 giây. Khi đó, trọng tài dù có phán đoán rằng bóng chưa vào lưới cũng bắt buộc phải nghe theo “Mắt cú”. Theo Goal Control, tính chính xác của “Mắt cú” lên đến 98,8%.

Việc FIFA chọn Goal Control và “Mắt cú” cũng là một bất ngờ, vì đây không phải là hãng công nghệ lớn, nhưng những thử nghiệm của Goal Control đã thuyết phục được FIFA.

“MẮT CÚ” HOẠT ĐỘNG RA SAO?

“Mắt cú” sử dụng 14 máy quay giữ nhiệm vụ quan sát trái bóng khi tiếp cận khung thành, mỗi khung thành được trang bị 7 máy quay. Hệ thống điều khiển trung tâm sẽ được nối tín hiệu thông qua hệ thống phụ đặt ở mái của các SVĐ. Hình ảnh 3D cùng với những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới nhất ứng dụng trong “Mắt cú” được Goal Control tin tưởng sẽ đem lại hiệu quả tối ưu.

Giám đốc quản lý của Goal Control là Dirk Broichhausen nói: “Chúng tôi chờ đợi Mắt cú sẽ được đón nhận và ủng hộ. World Cup là sự kiện bóng đá lớn nhất thế giới, Mắt cú tự hào sẽ đem lại sự khác biệt lớn nếu có tình huống tranh cãi xảy ra, ngoài ra còn có thể dùng phân định các tình huống việt vị hay chưa”.

“MẮT CÚ” THẮNG “MẮT DIỀU HÂU”

Hội đồng luật của FIFA vào năm 2012 đã thông qua việc sử dụng thiết bị công nghệ để phân định tranh cãi trong bóng đá. Đáng ngạc nhiên khi “Mắt cú” đã thắng “Mắt diều hâu” (Hawk-Eye) là thiết bị có công dụng tương tự được sử dụng ở Premier League mùa 2013/14, ngoài ra còn được dùng trước đó ở các giải tennis.

“Mắt cú” đã được dùng thử nghiệm ở Confederations Cup 2013 và FIFA Club World Cup 2013. Chủ tịch FIFA, Sepp Blatter đón nhận với sự ủng hộ: “Tôi không chần chừ một giây đón nhận Mắt cú, sau khi nhớ lại sự cố ở VCK World Cup 2010”. Khi đó, ở trận Anh gặp… Đức tại vòng 1/8, khi Đức dẫn 2-1, Tam sư lẽ ra có bàn gỡ 2-2 nhưng pha ghi bàn rõ mười mươi của Frank Lampard không được trọng tài công nhận. Chung cuộc, Đức thắng 4-1 nhưng người Đức vẫn “cay cú” vụ World Cup 1966, nên Mắt cú đã ra đời.

“Mắt diều hâu” thành công ở Premier League

Hệ thống Hawk-eye (Mắt diều hâu) dùng ở Anh trị giá 250.000 bảng, mỗi đội bóng tại Premier League phải bỏ tiền túi tự trang bị cho SVĐ của mình. Ngày 18/1/2014, Hawk-eye lần đầu tiên phải “trổ tài” tại Premier League để công nhận bàn thắng do Dzeko (Man City) ghi vào lưới Cardiff là hợp lệ.

Theo Bongdaplus

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast