Một lòng với dân ca

(Baohatinh.vn) - Hơn 40 năm gắn bó với ngành Văn hóa, với dân ca ví, giặm, tên tuổi của Hoàng Vinh đã được giới chuyên môn biết đến qua những đóng góp của ông trong việc sưu tầm, nghiên cứu, bảo tồn các làn điệu dân ca lời cổ. Trân trọng, đam mê, Hoàng Vinh đã sáng tác rất nhiều lời mới cho các làn điệu dân ca...

Soạn giả Hoàng Vinh tên thật là Vương Ngọc Vinh. Sinh ra trên vùng quê giàu truyền thống văn hóa Khánh Lộc (Can Lộc), niềm say mê những câu hò, điệu ví quê hương được nhen nhóm trong ông từ những buổi sinh hoạt văn nghệ quần chúng.

Một lòng với dân ca ảnh 1
Soạn giả Hoàng Vinh trò chuyện với PV

Với nền tảng kiến thức bài bản được đào tạo qua trường lớp chuyên nghiệp, cùng với sự truyền thụ trực tiếp của những người thầy là các nghệ sĩ ưu tú Xuân Năm, Đức Duy, Đình Bảo, nhà nghiên cứu văn hóa Ninh Viết Giao, Thái Kim Đỉnh… đã cho ông hiểu thêm về giá trị của kho tàng dân ca ví, giặm, thôi thúc, nhắc nhở ông về nhiệm vụ bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể ấy.

Hơn 40 năm hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, gắn bó với dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh, ông đã có công rất lớn trong việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa phi vật thể. Đó là sự thành công của các đề tài nghiên cứu được tích lũy từ thực tiễn của những chuyến đi về các vùng văn hóa như: Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Can Lộc, Nghi Xuân, Đức Thọ… để điều tra, sưu tầm trong dân gian, ghi lại những làn điệu dân ca hò, ví, giặm, sắc bùa, hò chèo cạn, ca trù, trò Kiều…

Cũng trên nền chất liệu âm nhạc dân ca truyền thống, ông đã biên soạn hàng trăm tổ khúc, ca cảnh, hoạt cảnh, tiểu phẩm, màn chào hỏi dân ca Nghệ Tĩnh lời mới; biên soạn 20 kịch bản dàn dựng cho các đội nghệ thuật quần chúng, câu lạc bộ dân ca ở các địa phương; phục hồi 50 không gian diễn xướng dân ca Nghệ Tĩnh phục vụ các nhiệm vụ chính trị của các cấp, ngành; biên soạn và phục dựng, bảo tồn 20 không gian diễn xướng dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh phục vụ công tác điều tra, sưu tầm, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa…

Thành công của Hoàng Vinh là đã vận dụng một cách khéo léo ngôn ngữ, thổ âm địa phương trong các sáng tác, qua đó, vẽ nên bức tranh quê hương đằm thắm, yên bình, nghĩa tình sâu nặng giữa con người với con người. Những câu hò, điệu ví ấy không mang chút hoa mỹ, bóng bẩy mà gần gũi với lối sống hàng ngày của người dân. Hoàng Vinh còn đưa vào làn điệu dân ca ví, giặm những chủ trương, chính sách đổi mới của quê hương, đất nước một cách nhuần nhuyễn. Chính sự tài tình, điêu luyện trong cách thể hiện từ ngữ địa phương của ông đã giúp các ca sĩ dễ thuộc, dễ diễn đạt cái hồn, cái thần của các làn điệu một cách thành công.

Chia sẻ về công việc của mình, soạn giả Hoàng Vinh cho biết: “Trong quá trình nghiên cứu, biên soạn, điều quan trọng nhất là phải tôn trọng và xem giá trị văn hóa cha ông để lại là bất hủ trong đời sống. Thực tế, dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh là loại dân ca mở, độc đáo. Bởi mỗi làn điệu có hàng trăm, ngàn lời ca với những chủ đề khác nhau. Chính vì thế, dân ca ví, giặm đã vượt qua tất cả những thể loại, làn điệu để đi vào đời sống một cách tự nhiên và tồn tại song hành vnhu cầu của con người. Đơn giản như: ví đò đưa không chỉ được thực hiện trong việc chèo đò trên sông nước mà có thể đưa vào sân khấu, hội nghị, hội diễn…”.

Hơn 40 năm tìm hiểu, nghiên cứu, soạn giả Hoàng Vinh đang nắm giữ một kho tư liệu quý về dân ca ví, giặm, gồm 3 đề tài nghiên cứu, điều tra, sưu tầm, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể các thể hát dân ca Nghệ Tĩnh ví, giặm, hò; 3 bản ghi chép tổng hợp danh sách, lời ca, làn điệu và hình thức trình diễn của 30 nghệ nhân từ các địa phương trong tỉnh về hát ví, giặm, hò; cùng với đó là 50 đĩa hình về không gian diễn xướng, hình thức diễn xướng của 50 nghệ nhân, diễn viên trình diễn ví, giặm, hò…

Cùng với việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, niềm đam mê cháy bỏng với dân ca của soạn giả Hoàng Vinh còn được thể hiện qua việc thắp lửa tình yêu dân ca trong lòng thế hệ trẻ. Tâm huyết của người thầy cùng giai điệu thiết tha, sâu lắng của quê hương là hành trang để các thế hệ học trò của ông như Nho Quý, Trang Nhung, Thu Hiền, Trung Đức, Thái Bảo… vững bước trên con đường nghệ thuật.

Một đời say với câu hò, điệu ví nên dù đã nghỉ hưu, ông vẫn tiếp tục sáng tác và tham gia tích cực phong trào văn hóa - văn nghệ ở cơ sở. Đó cũng là cách để Hoàng Vinh làm cho dân ca thực sự sống trong đời sống, trở thành máu thịt, thành món ăn tinh thần, thành phương tiện giãi bày tâm tư, tình cảm của người dân địa phương.

Chủ đề Đất và người Hà Tĩnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast