Mùa xuân ngẫm chuyện cuộc đời

(Baohatinh.vn) - Cuộc sống là ngày tiếp ngày. Con người đi hết ngày này sang ngày khác. Ấy vậy mà, sau mỗi thời điểm khép lại năm cũ, mở sang năm mới, người ta lại cầu mong năm này sung túc, an vui hơn. Điều đó phản ánh khát vọng thường hằng trong cuộc sống của mỗi cá nhân, hay đúng hơn, phản ánh sự đặc biệt của một thời khắc - thời khắc tết.

Nói vậy để thấy rằng, cuộc sống không bao giờ là một sự thỏa mãn hiểu theo nghĩa đầy đủ của nó. Mỗi năm đi qua, mỗi ngày lùi lại, chúng ta lại cảm giác như mình đang đi qua những niềm vui và nỗi buồn nhân thế, những bất khả tri và nhiều điều ngộ nhận. Để rồi, còn lại sự chiêm nghiệm đầy đủ nhất chính là chẳng có gì thuần khiết, đơn nhất và… chẳng có gì đầy đủ. Và, quan trọng hơn, gần như chẳng ai hoàn toàn hài lòng với tất cả những lựa chọn, những sản phẩm mình đã làm ra, chỉ trừ những cái đầu bảo thủ. Điều này chẳng có gì là khó hiểu khi mỗi người luôn mang trong mình sự phong phú về tính cách, sự đa dạng về phẩm tính và biểu lộ sự hiểu biết một cách chưa đầy đủ. Mỗi mùa tết đến, người ta lại cầu mong, sự cầu mong ấy phản ánh sự bất toàn trong mỗi cuộc hiện sinh của mỗi người. Hẳn nhiên, điều đó làm nên nét đẹp tinh thần của thời khắc, làm nên một dịp tổ chức thành lễ, thành hội.

Nhà nghiên cứu văn hóa Thái Kim Đỉnh.

Nhà nghiên cứu văn hóa Thái Kim Đỉnh.

Thái Kim Đỉnh là người đã 90 tuổi, từng nhập cuộc sôi nổi với cuộc sống thời trai trẻ. Từ cán bộ Phòng Tuyên truyền huyện Đức Thọ đến Ban Liên lạc Bắc Trung Bộ, Bưu điện Liên khu 4, Công đoàn huyện, Hội đồng cung cấp Trung Lào, công trường đê La Giang, cán bộ Ty Tuyên truyền… rồi đặt chân một cách sâu sắc, đầy trách nhiệm vào lĩnh vực văn hóa, văn nghệ. Tuy nhiên, với những chặng đường đã đi qua theo từng thời cuộc, ông vẫn luôn trăn trở vì một cái gì đó khó cắt nghĩa ở cuộc sống. Ông bảo, ông từng trải qua một thời gian không phải là ngắn trong trạng thái như người lang thang, lang thang để kiếm tìm chân bản của mình. Ông lại bảo, cái còn lại sâu sắc nhất trong ông ấy là những con chữ đồng hành từ những tháng ngày khốn khó. Ở đó, bao gồm cả những lời hát sau những cuộc điền dã, những ghi chép sau những khảo cứu công phu, sự tìm tòi vào những bản Hán ngữ cổ, những thành tựu của nhiều thế hệ nhà nho… Kỷ niệm trong ông đầy ắp và sâu thăm thẳm. Ông dằn vặt, trăn trở cũng vậy.

Tôi chất vấn ông về những tên cổ, những địa danh làng xã mà số nhiều đã vùi vào đâu đó trong đất cát phủ dày qua nhiều cuộc biến tiến, ông bảo, chẳng ai có thể làm nổi, mất mát nhiều lắm rồi. Ông lại nói thêm, để quên tiếng Hán, bỏ mặc tiếng Pháp là một lỗ hổng lớn trong nỗ lực nối mạch nguồn một cách chắc chắn, một cách chân thành, một cách tự nhiên với quá khứ. Những điều ông làm là nỗ lực để một phần nào đó đem lại, lột tả những gì cha ông đã làm trước nay, giúp thế hệ sau này hiểu hơn và có thể đồng cảm chút nào đó cho những cuộc nhân sinh của ông cha mình ngày trước. Ông ngốn ngáo và tham lam với thời gian. Ông giữ mình yên lặng, sâu thăm thẳm bên bàn viết giản dị. Những chồng bản thảo vẫn nối dài hơn, dày hơn, những trăn trở về mạch nguồn văn hóa của ông cha vẫn thôi thúc ông bất chấp sức khỏe. Cách đây ít tháng, sức khỏe ông yếu hẳn, ông bảo, ông lo lắng chẳng phải vì sợ không được ở lại với nhân gian mà vì những dự định dang dở.

90 năm sống giữa nhân gian, gom nhặt kiến thức dân gian và chuyển tải mạch nguồn của quá khứ, ông luôn đáu đáu vì sự đảo lộn của các giá trị văn hóa, giá trị nhân cách con người. Trong chiều sâu của ông, tôi hiểu, đó là nỗi đau, nỗi buồn khi người ta đã rút hết ruột gan dồn vào các trang nhân văn - trang viết. 90 năm, hơn 80 tác phẩm, ông mong muốn trong lặng lẽ, một ngày sản phẩm của ông được in thành tuyển. Tôi hiểu, ông muốn giữ lại trần gian những gì tâm huyết nhất, chẳng phải cho ông mà cho tất thảy mọi người. Nói đoạn, ông lại ngồi vào bàn viết như một người không cảm nhận được mùa xuân, dẫu rằng, trước đó, ông bảo với tôi, “cậu đến tôi mới nghỉ ngơi được”.

Thuộc thế hệ nhà văn chống Mỹ, nhà văn Đức Ban mượn hình tượng văn chương để giữ những mảnh hồn văn hóa. Dường như hiểu được văn hóa là sự mênh mông, những giải pháp giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống vẫn luôn là những nỗ lực, ông dồn vốn sống phong phú vào các trang văn. Viết một cách vất vả, không ngại làm mới mình, nhập cuộc vào những vấn đề nóng bỏng của thời cuộc, Đức Ban đã mang đến cho bạn đọc nhiều trải nghiệm thú vị, sâu sắc và có khi đau xót. Đó cũng là đặc điểm nổi bật trong văn chương của ông. Nó đi qua thời gian, hằn in một vết đậm trong những con chữ đồng hiện, dày thêm theo năm tháng.

Trò chuyện với ông trước ngưỡng cửa mùa xuân, tôi thấy mình được mở mang nhiều thứ. Ông bảo, cái khó nhất trong cuộc sống hiện nay là mỗi người luôn bị chi phối bởi nhiều thứ, bởi thế, thật khó để có thể sống tử tế nếu mỗi người không dám chấp nhận và không có nhận thức đầy đủ, không dám dấn thân. Nhiều điều tôi muốn khai thác từ ông về cuộc nhân sinh, về trải nghiệm trong từng năm tháng nhưng ông lặng im. Tôi hiểu, là nhà văn, ông sống thực với tác phẩm. Ông sẽ đưa tất cả vào đó, ném ra nhân gian những lý giải của mình, cả những niềm vui, nỗi buồn, đớn đau, vui sướng...

Mùa xuân về đánh dấu sự kết thúc một chặng thời gian, một năm miệt mài và nỗ lực. Đó cũng là thời khắc, người ta nhìn lại quá khứ, rút ra những bài học nhân sinh, những chiêm nghiệm về cuộc đời, thế sự. Đó là chuyện riêng nhưng cũng là chuyện chung cho tất cả mọi người, bởi cuộc sống đích thực phải là cuộc sống của những suy ngẫm, những thể nghiệm nhân sinh để có cách ứng xử phù hợp và đẹp.

Chủ đề Đất và người Hà Tĩnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast