Mực nháy Vũng Áng

(Baohatinh.vn) - Vũng Áng hôm nay không chỉ là khu kinh tế năng động với sự hiện diện của hàng trăm nhà đầu tư trong nước, quốc tế với số vốn đăng ký lên đến hàng chục tỷ USD mà nơi đây còn có món mực nháy (còn gọi là mực nhảy) nổi tiếng. Theo đánh giá của nhiều thực khách gần xa, mực Vũng Áng ngon không nơi đâu sánh bằng…

Các bè nổi chuyên kinh doanh mực nháy và các loại hải sản tươi sống khác tại khu vực Cảng Vũng Áng.
Các bè nổi chuyên kinh doanh mực nháy và các loại hải sản tươi sống khác tại khu vực Cảng Vũng Áng.

Có mặt ở Vũng Áng những ngày này, điều dễ nhận thấy là trên các nhà bè có rất đông du khách trong nước và quốc tế đến thưởng thức món ăn độc đáo này. Qua phân tích của các chuyên gia ngành thủy sản, mực là loại hải sản không thể nuôi hay nhân giống theo hình thức công nghiệp. Mặt khác, thường thì con mực sau khi đánh bắt vài chục phút là bị chết, kể cả cho vào lồng nuôi. Thế nhưng, mực ở Vũng Áng lại được ngư dân nuôi sống khá lâu sau khi đánh bắt (mực Vũng Áng có thể nuôi được vài chục tiếng đồng hồ trong môi trường tự nhiên - PV). Có lẽ vì vậy mà thực khách gần, xa tìm đến Vũng Áng ngày một đông hơn, ngoài để thưởng thức thứ đặc sản này, còn có sự tò mò bởi không tin mực lại có thể nuôi được sau khi đánh bắt.

Hiện, ở khu vực cảng Vũng Áng có khoảng 20 bè nổi chuyên kinh doanh mực nháy và các loại hải sản tươi sống khác. Theo một chủ nhà hàng nổi nơi đây, hàng ngày có khoảng 300-400 lượt khách (ngày nghỉ lượng khách có thể tăng gấp đôi) đến thưởng thức hải sản tươi sống của Vũng Áng.

Mực nháy Vũng Áng không mất nhiều công chế biến. Sau khi vớt lên từ lồng nuôi, rửa sạch, cho vào nồi luộc mươi mười hai phút là chín. Những gia vị ăn kèm mực nhảy không thể thiếu là lá lốt, rau thơm các loại, xì dầu mù tạt, bánh đa. Những ai không hợp với xì dầu mù tạt, có thể dùng nước mắm nguyên chất với gừng và ớt. Bên cạnh đó, mực nháy còn có thể dùng làm gỏi. Cách làm gỏi là mực được làm sạch, cắt thành miếng, để ráo nước rồi ngâm qua nước chanh chấm với xì dầu mù tạt. Món này không tanh, vị ngọt, ăn rất mát. Ngoài ra, người dân địa phương còn chế biến đơn giản nhưng cực ngon là xào, nấu với mì ăn liền.

Chị Trần Thị Hà, du khách đến từ Hà Nội chia sẻ: “Tôi đã từng có mặt ở nhiều bãi biển của Việt Nam, từ trong Nam ra ngoài Bắc, được thưởng thức khá nhiều loại mực của các vùng biển. Tuy vậy, mực nháy Vũng Áng là tuyệt nhất, ăn vừa giòn, vừa ngọt, kẹp lá lốt chấm với mù tạt thì ngon đáo để. Ăn xong, miệng đen nhẻm màu mực, phảng phất một nét văn hóa ẩm thực đặc sắc của vùng biển Vũng Áng - Hà Tĩnh".

Theo người dân địa phương, mùa mực nháy thường bắt đầu từ tháng 3 âm lịch và kéo dài đến hết tháng 7. Để có được những mẻ mực tươi sống, phải dậy từ 3-4 h sáng đón dân câu mực và đưa (dân địa phương gọi là dong) mực từ ngoài biển vào bờ. Việc dong mực vào bờ hết sức cẩn thận, thuyền đi nhẹ nhàng, không nhanh quá cũng không chậm quá và đặc biệt là phải hạn chế tối đa thuyền lắc lư. “Nếu mua xong cứ phăng phăng phóng vào bờ thì mực chết cả” - anh Hậu, chủ nhà hàng Hậu Thìn ở Vũng Áng chia sẻ.

Mực nháy được ngư dân thả vào khoang thuyền trữ nước biển rồi đem về bán cho các chủ nhà hàng nuôi trong những chiếc lồng bằng lưới dưới lòng cảng. Trước khi mang lên chế biến, con mực còn sống, bơi lội tung tăng, có lẽ vì vậy mà có tên là mực nháy.

Về Vũng Áng hôm nay, chắc hẳn không ai không nghĩ ngay đến mực nháy, đặc sản nổi tiếng của vùng đất này. Và, dường như mực nháy là thứ đặc sản để tiếp đãi khách, bạn bè phương xa. Chính điều này như một nét hấp dẫn riêng níu chân du khách mỗi khi có dịp ghé thăm mảnh đất thân thương này.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast