Nàng Mona Lisa trở nên nổi tiếng nhờ một... vụ trộm?

Nhìn lại quá khứ, không ít người đã khẳng định, bức tranh nàng Mona Lisa trở nên nổi tiếng đến vậy có lẽ chính nhờ một... vụ trộm "kinh điển".

Tại thời điểm bức tranh Mona Lisa bị đánh cắp năm 1911, nó vẫn chưa được công chúng quan tâm nhiều.
Tại thời điểm bức tranh Mona Lisa bị đánh cắp năm 1911, nó vẫn chưa được công chúng quan tâm nhiều.

Vào một buổi sáng thứ hai yên tĩnh và ẩm ướt ở Paris, thoáng có ba người đàn ông nhanh chóng rời khỏi bảo tàng Louvre. Hôm đó chính xác là ngày 21/9/1911 và sự xuất hiện của ba người này là khá bất thường bởi bảo tàng đóng cửa vào các ngày thứ hai. Điều bất thường hơn nữa chính là thứ được một người trong số họ giấu trong lớp áo khoác ngoài.

Kẻ lạ mặt đó chính là Vincenzo Perugia và anh em nhà Lancelotti. Họ tới bảo tàng Louvre vào chiều chủ nhật và bí mật trốn qua đêm trong một nhà kho nhỏ ở khu vực Salon Carré, nơi lưu giữ các bức tranh thời Phục Hưng.

Vào buổi sáng, họ cải trang thành các công nhân và đánh cắp một bức tranh nhỏ trên tường. Họ tháo bỏ vỏ kính bảo vệ cùng khung tranh và Perugia đã giấu bức tranh dưới áo của mình. Sau đó họ rời khỏi phòng tranh, thoát ra ngoài qua lối cửa sau và biến mất vào những con phố của Paris. Bức tranh bị đánh cắp là tác phẩm nổi tiếng Mona Lisa.

Phải mất tới 26 giờ sau người ta mới phát hiện ra việc bức tranh đã biến mất. Điều này tương đối dễ hiểu vì khi đó bảo tàng Louvre là tòa nhà lớn nhất thế giới, với hơn 1000 phòng trên diên tích 18 hecta. Công tác an ninh lúc bấy giờ cũng rất kém, chưa tới 150 nhân viên bảo vệ và họ phải trông coi hơn 250 nghìn hiện vật. Trước đó đã xảy ra không ít các vụ mất trộm tượng cũng như việc tác phẩm tranh bị hủy hoại.

Chân dung kẻ đã trực tiếp lấy trộm bức tranh quý của họa sĩ Leonardo da Vinci.
Chân dung kẻ đã trực tiếp lấy trộm bức tranh quý của họa sĩ Leonardo da Vinci.

Vào thời điểm xảy ra vụ mất trộm bức Mona Lisa, kiệt tác này không nằm trong số các hiện vật được nhiều người xem nhất. Leonardo da Vinci vẽ bức tranh vào khoảng năm 1507, nhưng phải tới những năm 1860 các nhà phê bình nghệ thuật mới cho rằng nó là một trong những tác phẩm nổi bật nhất thời Phục Hưng. Tuy vậy, kết luận này vẫn chưa trở nên phổ biến, và sự chú ý của công chúng tới bức tranh vẫn còn ở mức tối thiểu. Trong cuốn sách hướng dẫn du lịch tới Paris năm 1878, tác giả Karl Baedeker có viết một đoạn miêu tả về bức tranh. Năm 1907, ông chỉ viết được 2 câu giới thiệu duy nhất về bức tranh này, ngắn hơn nhiều so với các hiện vật khác trong bảo tàng.

Vào năm 1910, sau khi có một bức thư được gửi từ Vienna (Áo) tới bảo tàng mang theo nội dung đe dọa bức Mona Lisa, các quan chức bảo tàng đã thuê công ty chế tạo kính Cobier tới để lắp một loạt kính bảo vệ cho các bức tranh quý. Công việc này tiến hành mất 3 tháng và một trong những người tham gia thực hiện chính là Vincenzo Perugia. Là con của một thợ gạch, Perugia lớn lên ở làng Dumenza, phía Bắc Milan. Năm 1907, ở tuổi 25, Vincenzo rời quê hương và trải qua cuộc sống ở Paris, Milan và sau đó là Lyon. Sau một năm, anh ta định cư ở Paris với 2 người anh em của mình.

Hình minh họa tái hiện lại hành động đánh cắp bức Mona Lisa của Perugia.
Hình minh họa tái hiện lại hành động đánh cắp bức Mona Lisa của Perugia.

Perugia khá thấp bé, chỉ cao 1.6m và là kẻ nóng tính, sẵn sàng thách thức mọi lời xúc phạm tới bản thân hoặc đất nước của mình. Các anh em gọi anh ta là "passoide o megloi", nghĩa là một kẻ điên. Sau này khi khai trước tòa, Perugia cho biết những thợ xây dựng Pháp luôn có lời lẽ chế nhạo y cũng như trộm cắp và phá hỏng đồ dùng. Y cũng từng bị cảnh sát Pháp bắt giam 2 lần vào năm 1908 và 1909 vì hành vi trộm cắp và tàng trữ vũ khí.

Sau khi thực hiện trót lọt vụ trộm tranh tại bảo tàng Louvre vào buổi sáng thứ 2 ngày 21/9/1911, Perugia giấu bức Mona Lisa trong một ngăn đáy giả của chiếc thùng gỗ trong phòng mình. Ban đầu, các báo buổi chiều của Paris không nhắc gì tới vụ trộm, cũng như các báo buổi sáng ngày hôm sau. Nhưng tới tối ngày thứ 3, giới truyền thông bùng nổ khi bảo tàng Louvre đưa ra thông báo về vụ trộm.

Các tòa báo khắp thế giới đưa tin này lên trang nhất. Các thông báo truy tìm bức tranh được dán khắp nơi ở Paris. Hàng nghìn khách tham quan, bao gồm cả nhà văn Franz Kafka, đổ về khu Salon Carré khi nó được mở cửa trở lại để nhìn vào bức tường trống trơn nơi Mona Lisa từng được treo. Các tấm bưu thiếp châm biếm, một bộ phim ngắn và các bài hát nối tiếp sau đó - cả thế giới dõi theo vụ trộm và biến nghệ thuật cao cấp thành nghệ thuật phổ thông.

Perugia nhận ra rằng thứ mình trộm không phải là một bức tranh Italia cũ kĩ ở cung điện cổ. Anh ta đã vô tình ăn trộm thứ mà chỉ trong vài ngày ngắn ngủi đã trở thành bức tranh nổi tiếng nhất thế giới. Khi cảnh sát Paris thẩm vấn anh ta vào tháng 11/1911 (một phần của quá trình tra hỏi các nhân viên bảo tàng), anh ta nói rằng mình chỉ biết tới vụ cướp qua báo chí và lí do mình đi làm muộn là do quá say xỉn ngày hôm trước và ngủ quên, như ông chủ của mình đã khai với cảnh sát.

Cảnh sát đã tin câu chuyện đó. Họ bỏ qua Perugia và bắt giữ họa sĩ Pablo Picasso và nhà phê bình Guillaume Apollinaire vốn là bạn của kẻ trộm bức tượng trước đó nhưng 2 người đã sớm được thả sau đó. Vào tháng 12/1913, sau 28 tháng, Perugia rời bỏ nơi ở của mình tại Paris và tới Florence. Ở đó, anh ta đã cố bán bức tranh cho một nhà môi giới tuy nhiên người này đã báo cảnh sát và Perugia bị bắt ngay sau đó. Sau khi bị xét xử ở Florence, anh ta bị tuyên có tội và chỉ phải ở tù 8 tháng.

Đại diện chính quyền Ý trao trả lại bức tranh Mona Lisa cho Pháp.
Đại diện chính quyền Ý trao trả lại bức tranh Mona Lisa cho Pháp.

Nhờ vụ trộm ầm ĩ này mà bức Mona Lisa đã trở nên nổi tiếng khắp thế giới. Người ta đưa bức tranh trở lại bảo tàng Louvre sau khi nó được trưng bày ở Florence, Milan và Rome. Trong 2 ngày đầu sau khi được trưng bày lại ở Salon Carré, có hơn 100 nghìn người đã tới xem bức tranh. Ngày nay, hơn 8 triệu người tới xem Mona Lisa mỗi năm và có thể chính Perugia là người đã vô tình làm bức tranh này trở nên nổi tiếng đến vậy.

Phan Hạnh - Theo S. Sonianmag

Nguồn: dantri.com.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast