Náo nức Bun-pi-mày ở xứ sở Triệu Voi

Dù không phải là lần đầu tiên đặt chân đến đất nước Triệu Voi bình yên và mến khách, song, trước chuyến đi này, chúng tôi cũng háo hức vì được hòa vào niềm vui đón Bun-pi-mày (Tết năm mới) của người dân các bộ tộc Lào anh em...

Dọc những con đường bình yên, trong nắng vàng rực như mật ong, những cánh ban hồng đã đơm hoa báo hiệu mùa Xuân đang về. Hương chăm-pa ngan ngát lan tỏa trong không gian trong lành. Những cây đọc-khôn buông những chùm hoa vàng như nắng làm rực sáng không gian đường Duannun, trung tâm quảng trường Thatluong, PatuXay và dọc sông Mekong.

Hoa chăm-pa, quốc hoa của xứ sở Triệu Voi và là thứ không thể thiếu trong các nghi lễ đón Bun-pi-mày của nhân dân Lào

Hoa chăm-pa, quốc hoa của xứ sở Triệu Voi và là thứ không thể thiếu trong các nghi lễ đón Bun-pi-mày của nhân dân Lào

Người Lào cho rằng, đọc-khôn nở vàng trước cửa nhà là mang lại may mắn, hạnh phúc và giàu sang. Ngay từ lúc mới đặt chân đến Viên-chăn, chúng tôi đã cảm nhận được những đổi thay trên từng con phố, từng ngôi chùa, từng căn nhà và trên gương mặt của mỗi người dân Lào

VatXiêng khuôn (Vườn Phật) hôm nay cũng khác vởi vẻ trầm mặc ngày thường vì những vòng hoa chăm-pa, hoa cúc được người dân đất nước Phật giáo đeo vào vòng tay các pho tượng. Những ngôi chùa khắp các thành phố được chăng đèn, kết hoa, treo cờ lộng lẫy đón chào năm mới.

Khác với Việt Nam, hoa cúng Phật không phải là hoa huệ mà là cúc và chăm-pa đươc kết thành những đài, lẵng lớn nhỏ bán cho người dân mang về dâng cúng trong chùa và trên bàn thờ các gia đình. Gia đình nào cũng cúng Phật trước khi cúng gia tiên và tuyệt nhiên không khói hương nghi ngút, mỗi người chỉ thắp vài cây. Các nhà hàng, cửa hiệu, siêu thị… đều có bàn thờ Phật nhưng cũng không nghi ngút khói hương.

Với người Lào, đọc-khôn là loài hoa luôn mang lại may mắn, hạnh phúc và giàu sang

Với người Lào, đọc-khôn là loài hoa luôn mang lại may mắn, hạnh phúc và giàu sang

Tết cổ truyền của người dân Lào diễn ra trong ba ngày chính là 14, 15 và 16/ 4, tức ngày 11,12 và 13/5 Âl (lịch Lào). Tuy vậy, những ngày này, Bun-pi-mày đã diễn ra trong các chùa bằng nghi thức tắm Phật. Tất cả người dân đều nấu xôi, mang hương hoa lên chùa tham gia làm lễ. Nước tắm Phật là nước sạch cùng các loại hoa, trong đó không thể thiếu hoa chăm - pa. Sau khi tắm Phật, người ta xin nước tắm ấy về để rảy cho những người trong gia đình lấy may. Mỗi người Lào đều cố gắng đi được càng nhiều chùa đầu năm mới càng tốt. Các gia đình có điều kiện mời sư về làm lễ và buộc chỉ cổ tay, té nước cầu chúc năm mới mưa thuận gió hòa, làm ăn thịnh vượng, cuộc sống hạnh phúc.

Khác với Tết Việt, người Lào ăn Tết khá đơn giản với các món ăn truyền thống như lạp (nộm thịt bò), khấu niêu (xôi), cá hấp chua, thịt nướng, chẻo, canh nấm… Cũng có những gia đình, cơ quan đông người quay cả những con bò, con dê. Với họ, sinh hoạt cộng đồng trong ngày Tết là điều không thể thiếu. Đó là lễ té nước, múa hát tập thể các điệu múa cổ truyền như lăm vông, lăm tơi trong chùa, dọc bờ sông, trong từng cụm dân cư và các gia đình, già trẻ trai gái đều tham gia.

Người dân Lào tổ chức đón tết dọc bờ sông...

Người dân Lào tổ chức đón tết dọc bờ sông...

Đúng chính lễ, nhà nào cũng chuẩn bị cho mình thật nhiều nước chở đi dọc đường phố hoặc dùng trong các bữa tiệc, sau màn múa hát để té cho người thân cũng như người qua đường. Ai được té nhiều nước là người đó may mắn, hạnh phúc. Với giới trẻ, cách té nước ồ ạt và vui nhộn hơn, còn với những người già và các gia đình trí thức, cách té nước nhẹ nhàng, ý vị cùng những lời chúc năm mới hạnh phúc. Thời tiết mùa Xuân chưa đến nỗi nóng bức nhưng nhiệt độ chừng 28 - 30 cũng đủ để người dân đổ ra sông Mê - kông tắm và té nước cho nhau.

Ngày Tết, các chợ, đặc biệt là chợ Tết các dân tộc ở Luông-pha-băng nhộn nhịp khác ngày thường. Người ta đi mua sắm các vật dụng trang hoàng cho căn nhà của mình. Cờ hoa, câu đối, tranh vui giăng kín các lối ra vào và đặc biệt là có rất nhiều lồng chim nhỏ. Người lớn trẻ em đều mua cho mình một con chim nhỏ để làm lễ phóng sinh.

Giá cả những ngày Tết, nhất là thực phẩm không tăng đột biến do người dân Lào mua sắm mâm cỗ cúng gia tiên và bữa tất niên không nhiều và thịnh soạn như người Việt. Với họ, bữa cơm ngày Tết sẽ rất vui khi có nhiều người khách, đặc biệt là người Việt Nam cùng đến dự và nhảy múa, cung chúc tân xuân.

... và té nước cầu cho một năm mới mưa thuận gió hoà, gặp nhiều may mắn

... và té nước cầu cho một năm mới mưa thuận gió hoà, gặp nhiều may mắn

Đón năm mới đầu tiên trên đất nước Lào, đoàn Báo Hà Tĩnh chúng tôi may mắn được dự bữa tiệc năm mới với gia đình anh chị Khăm Muộn, Bua khăm ở bản Thung Pum - Thủ đô Viên-chăn. Gia đình anh chị đều sinh sống và học tập ở Việt Nam nên rất vui mừng khi được đón người Việt đến cùng ăn Tết. Anh Khăm Muôn nguyên là Tùy viên quân sự của Lào tại Viêt Nam, chị Bua Khăm hiện là Vụ trưởng Vụ Đối nội - Bộ công thương Lào. Đã có 13 năm sinh sống và làm việc tại Việt Nam, chị có nhiều kỷ niệm sâu sắc với Hà Nội. Chị đã bảo vệ luận án tiến sĩ kinh tế tại Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Gia đình anh chị Khăm Muộn, Bua Khăm tổ chức bữa tiệc năm mới tuy đơn sơ mà sâu nặng tình cảm với xôi nếp, lạp, chẻo, thịt nướng. Sau bữa cơm, chúng tôi cùng hòa vào tiếng nhạc, lời ca, cùng múa các điệu múa cổ truyền và cùng nói những lời chúc mừng năm mới tốt lành với gia đình anh chị.

Cán bộ phóng viên Báo Hà Tĩnh đón Bun-pi-mày cùng gia đình anh chị Khăm Muộn - Bua Khăm ở Thủ đô Viên-chăn

Cán bộ phóng viên Báo Hà Tĩnh đón Bun-pi-mày cùng gia đình anh chị Khăm Muộn - Bua Khăm ở Thủ đô Viên-chăn

Lâu lắm mới được gặp lại những người bạn Việt Nam, chị Bua khăm đã hát rất nhiều bài hát về Hà Nội, Việt Nam. Dù đã ở tuổi 53, giọng của chị vẫn cao vút và trong trẻo, chan chứa tình cảm nồng ấm. Ánh mắt chị long lanh như được trở lại những ngày tháng tươi đẹp được sinh sống và học tập trên đất nước Việt Nam. Trước lúc ra về, lần lượt từng người trong gia đình anh chị làm nghi thức té nước cho chúng tôi để cầu chúc năm mới tốt lành hạnh phúc: “Năm nay gia đình tôi có một cái tết thật đặc biệt. Sự có mặt của đoàn là niềm vui, niềm phấn khởi với chúng tôi mà không phải gia đình Lào nào cũng có được. Mong sao mỗi năm một lần được đón các bạn Việt Nam cùng đến dự lễ pi mày với chúng tôi”. Tiễn chúng tôi ra về, anh chị cứ quyến luyến mãi.

Dọc đường về Việt Nam, đâu đâu chúng tôi cũng bắt gặp cảnh té nước, vui hội của người dân. Niềm vui năm mới đã khiến người dân các bộ tộc Lào gắn bó hơn với cộng đồng, đất nước, quê hương và yêu thêm bản mường, yêu điệu múa lăm-vông, cùng nhau xây dựng nước Lào vững mạnh, phát triển và giàu bản sắc văn hóa.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast