Ngày tiếng mẹ đẻ quốc tế 21/2: Hãy để tôi nói bằng ngôn ngữ của mình

21/2/1952 là sự kiện không thể quên trong lịch sử Bangladesh, đánh dấu thời điểm diễn ra một cuộc đấu tranh giành quyền được nói và sử dụng ngôn ngữ Bangla bản địa. Ngày này về sau đã trở thành biểu tượng cho tính nhân văn, cho nhu cầu sử dụng ngôn ngữ riêng của mỗi dân tộc để bảo tồn văn hóa và bản sắc riêng.

1. Ngày Tiếng mẹ đẻ Quốc tế đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hiệp Quốc (UNESCO) công nhận và công bố trong phiên họp toàn thể tháng 11/1999 (30C/62). Ngày 16/5/2007, Đại hội đồng Liên hiệp Quốc đã thông qua Nghị quyết số A/RES/61/266 cũng đã kêu gọi tất cả các quốc gia thành viên “thúc đẩy việc bảo tồn và gìn giữ tất cả các ngôn ngữ được sử dụng bởi các dân tộc ở bất kỳ nơi nào trên thế giới”.

Cũng trong cùng nghị quyết, Đại hội đồng Liên hiệp Quốc tuyên bố 2008 là Năm Quốc tế về ngôn ngữ với khẩu hiệu: thúc đẩy sự thống nhất trong tính đa dạng và hiểu biết quốc tế, thông qua đa ngôn ngữ và đa dạng văn hóa. Ngôn ngữ là công cụ mạnh mẽ nhất trong việc bảo tồn và phát triển các di sản vật thể cùng phi vật thể của bất kỳ cá nhân, xã hội hay bất kỳ quốc gia nào, đặc biệt là tại các nước đa sắc tộc. Tất cả các động thái để thúc đẩy việc phổ biến tiếng mẹ đẻ sẽ không chỉ để khuyến khích sự đa dạng về ngôn ngữ và văn hóa xã hội trên toàn thế giới và truyền cảm hứng cho tinh thần đoàn kết dựa trên sự hiểu biết, khoan dung và đối thoại.

Sau quyết định của Liên hiệp Quốc, Ngày Tiếng mẹ đẻ Quốc tế được kỷ niệm thường niên trên toàn thế giới, kể từ ngày 21/2/2000 để thúc đẩy sự đa dạng về ngôn ngữ và văn hóa trong tất cả các xã hội. Tuy nhiên, ngày này đã bắt đầu từ một sự kiện rất riêng có liên quan tới Bangladesh trong những năm 1950. Cụ thể vào năm 1952, khi các sinh viên ở Đông Bengal (sau này là Bangladesh) biểu tình đòi đưa ngôn ngữ Bangla (Bengali) của riêng mình trở thành quốc ngữ, họ đã bị cảnh sát nổ súng và giết chết tại Dhaka.

2. Cuộc đụng độ chết chóc kể trên có liên quan tới Phong trào ngôn ngữ Bengali, còn được gọi là Phong trào Ngôn ngữ (tiếng Bengali là Bhasha Andolon) sau này phát triển thành một phong trào chính trị ở Đông Bengal thời đó, đòi công nhận tiếng Bengali như ngôn ngữ chính thức của Pakistan.

Shaheed Minar, hay đài tưởng niệm những người ngã xuống vì ngôn ngữ Bengali ở Dhaka, Bangladesh
Shaheed Minar, hay đài tưởng niệm những người ngã xuống vì ngôn ngữ Bengali ở Dhaka, Bangladesh

Cần nói thêm một chút về đặc điểm lịch sử của giai đoạn diễn ra phong trào. Khi Pakistan được thành lập do tách ra khỏi Ấn Độ vào năm 1947, bao gồm các nhóm dân tộc và ngôn ngữ khác nhau, với một số tỉnh ở Đông Bengal tách rời hẳn về địa lý và dân số, chủ yếu là người Bengali.

Năm 1948, Chính phủ Pakistan quyết định rằng Urdu là quốc ngữ duy nhất, gây ra sự phản đối rộng rãi trong số đông người nói tiếng Bengali ở Đông Bengal. Từ đây đã hình thành Phong trào ngôn ngữ Bengali. Những người tham gia phong trào muốn tiếng Bengali được sử dụng khi giải quyết các vấn đề chính quyền ở Đông Bengal. họ cũng muốn ngôn ngữ được sử dụng trong giáo dục, truyền thông, trong in ấn tiền tệ và các con tem, bảo tồn lối viết của chữ Bengali trong các văn bản. Đối mặt với tình hình căng thẳng sắc tộc gia tăng, Chính phủ đã ra Điều luật 144 cấm tất cả các cuộc mít tinh và biểu tình.

Sinh viên biểu tình trong ngày 21/2/1952 tại Đại học Tổng hợp Dhaka
Sinh viên biểu tình trong ngày 21/2/1952 tại Đại học Tổng hợp Dhaka
3. Ngày 21/2/1952, sinh viên Đại học Tổng hợp Dhaka và các nhà hoạt động chính trị khác đã bất chấp luật cấm tụ tập và tổ chức nhiều cuộc biểu tình. Vào buổi sáng hôm đó, các sinh viên bắt đầu tập trung tại tòa nhà Đại học Tổng hợp Dhaka để phản đối Điều luật 144.

Hiệu phó và các lãnh đạo khác của trường đã có mặt khi cảnh sát vũ trang vây quanh khuôn viên trường. Vào giữa ngày, các sinh viên đã cố gắng phá vỡ hàng rào cảnh sát. Phía cảnh sát đã bắn đạn hơi cay để cảnh cáo sinh viên.

Một số sinh viên bèn chạy vào Đại học y khoa Dhaka trong khi những người khác tiến về phía tòa nhà của Trường Đại học tổng hợp, lúc này vẫn bị cảnh sát bao vây. Thầy hiệu phó đã yêu cầu cảnh sát ngừng bắn và ra lệnh cho sinh viên rời khỏi khuôn viên trường. Tuy nhiên, cảnh sát đã bắt giữ một số sinh viên vì vi phạm Điều luật 144.

Tức giận vì các vụ bắt giữ này, sinh viên đã tụ tập quanh Cơ quan lập pháp Đông Bengal và bao vây các nghị sĩ, yêu cầu được đưa vấn đề ra trước cơ quan lập pháp. Khi một số sinh viên tìm cách tiến vào tòa nhà của Cơ quan lập pháp, cảnh sát đã nổ súng bắn chết một số sinh viên, gồm Abdus Salam, Rafiq Uddin Ahmed, Abul Bakar và Abdul Jabbar. Khi tin tức về các vụ sát hại này lan rộng, bạo động đã nổ ra tại thành phố.

Có thể nói phong trào đã đạt tới đỉnh điểm khi cảnh sát nổ súng bắn chết sinh viên biểu tình. Vụ việc đã châm ngòi cho làn sóng bất ổn diễn ra khắp nơi, do Liên đoàn những người hồi giáo Awami khơi dậy. Sau nhiều năm xung đột, chính quyền trung ương Pakisstan đã phải công nhận vị trí ngôn ngữ chính thức của tiếng Bengali vào năm 1956. Kể từ năm 1952, ngày 21/2 đã được kỷ niệm ở Đông Bengal, sau đổi thành Đông Pakistan và tại Bangladesh khi đất nước giành được độc lập trong năm 1971.

Năm 1999, UNESCO đã tuyên bố 21/2 là Ngày Tiếng mẹ đẻ Quốc tế để tôn vinh phong trào ngôn ngữ và quyền duy trì ngôn ngữ dân tộc của mọi người dân trên toàn thế giới.

Supradip Chakma (Đại sứ Bangladesh tại Việt Nam)

Nguồn: Thể thao & Văn hóa

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast