Nghề ''bán giọng''

Có đạo diễn thật thà chia sẻ, nếu không nhờ những giọng đọc xuất thần, có thể, những thước phim tài liệu, những câu chuyện mà họ muốn sẻ chia với khán giả sẽ mất đi nhiều tầng ý nghĩa.

Với các nghệ sĩ thể hiện lời bình, họ chỉ cười vui, khiêm tốn gọi đây là nghề "bán giọng". Nhưng kỳ thực, không chỉ có những tháng ngày khổ công luyện tập, chỉnh khẩu hình sao cho tròn vành, rõ chữ, họ còn tích lũy cho mình những trải nghiệm, những rung động chân thực mà nếu thiếu đi, giọng sẽ mất "hồn".

"Rút ruột" cho giọng đọc

NSƯT Lê Chức, người có "giọng đọc vàng" thổ lộ: Khi thể hiện lời bình, ông không đọc, mà sống với nó và trải nghiệm cùng nó. Chính vì thế, đến bây giờ, ông không nhớ mình đã đọc lời bình cho không bao nhiêu bộ phim tài liệu, từ các phim lịch sử, văn hóa, chân dung... cho đến những phim truyền thống. Mỗi câu, chữ giống như ông rút ruột ra vậy. Các nhà làm phim từng nói với ông: "Hóa ra, ông còn hiểu phim của chúng tôi hơn cả chúng tôi".

Cách nhấn nhá, ngắt nghỉ, ém hơi, nhả chữ, khi thì chậm rãi buông lơi, lúc lại dồn dập, hào hùng... của nhạc sĩ – NSƯT Trần Đức khiến không ít người phải rơi lệ khi nghe những thước phim ông đọc. Đã ở vào tuổi ngoại thất tuần, nhưng ông vẫn giữ được cái hồn, cái lửa trong chất giọng. NSƯT Hoàng Yến, Kim Cúc, Việt Hùng... cũng nổi tiếng với giọng đọc sâu lắng, truyền cảm trong chương trình Đọc truyện đêm khuya của Đài tiếng nói Việt Nam. Không biết bao nhiêu câu chuyện đã được họ mang đến cho công chúng một cách cần mẫn, đều đặn và nhuốm một không khí riêng mà các giọng đọc trẻ hiện nay không thể thay thế nổi.

Dù công nghệ làm phim có hiện đại đến đâu, người đọc lời bình vẫn rất quan trọng trong phim tài liệu.

Dù công nghệ làm phim có hiện đại đến đâu, người đọc lời bình vẫn rất quan trọng trong phim tài liệu.

NSƯT Hoàng Yến mỗi lần đọc phim tài liệu là mỗi lần "nhập đồng". Giọng nói của bà vốn đã truyền cảm, nhưng để đạt đến độ "nổi da gà", thì những người từng xúm xít quanh phòng thu mới hiểu hơn cả. Dường như giọng nói kia không phải thoát ra từ cổ họng nữa, mà từ một nơi nào đó vọng lại. Bà giống như một nghệ sĩ đang biểu diễn, từ nét mặt, thần thái, đến những động tác tay, chứ không đơn thuần là một người đang đọc. Mạch văn, câu chữ cứ thế mà tuôn chảy, người trong nghề phải "ngả mũ".

Mỗi người một bí kíp

Ngoài chất giọng truyền cảm có sẵn, nghệ sĩ thể hiện lời bình còn phải có quá trình luyện tập vô cùng gian khổ, vất vả không kém một ca sĩ luyện thanh. Nhiều người ngạc nhiên, tại sao giữa thành phố Hải Phòng "nói ngọng" lại có một ông giọng hay nhất Việt Nam, nhưng ít ai biết, NSƯT Lê Chức phải rèn luyện và kiêng khem kỹ lưỡng. Ông không uống bia, rượu, lại có những bí kíp riêng giữ dây thanh "vàng mười".

Trong khi đó NSƯT Trần Đức vốn là một nhạc sĩ sở hữu giọng hát quyến rũ, cũng đồng thời là một nhà báo thâm niên, ông bảo, nghề này đòi hỏi thêm một tố chất quan trọng nữa, đó là tư duy ngôn ngữ, khả năng nắm bắt những điều phía sau con chữ, để không bị vấp, không bị ngắt nghỉ sai.

Trong số những giọng đọc phim tài liệu trẻ, Nguyễn Hữu Chiến Thắng là một trong số những gương mặt hiếm. Cái cách "chuốt" từ cầu kì, điệu đàng mà "tự nhiên như không" của anh khiến không ít người mê mẩn. Người ta nghe anh đọc mà không phải đọc, giống như đang tâm sự, thổ lộ những điều thầm kín riêng tư. Hiện nay, số người trẻ mà giọng đọc có "chất" như Thắng chưa nhiều, nếu không muốn nói là khan hiếm.

Chưa thể mất nghề

Dù hiện nay, công nghệ làm phim tài liệu có hiện đại, nhưng đọc lời bình cho phim tài liệu dường như không hề bị ảnh hưởng mà ngược lại, nó được trọng dụng hơn. Thu nhập từ nghề "bán giọng" cũng đa dạng, hầu như không có một ba-rem nào mà thường do đạo diễn tự trả.

NSƯT Lê Chức kể, tiền thù lao thường được để trong phong bì dán kín, khi về nhà ông mới mở, có lần cũng buồn vì người ta chưa hiểu mình, nhưng có lần lại "choáng". Lần cao điểm nhất, chỉ trong một ngày đọc phim, ông đủ tiền mua một chiếc xe máy Future. Tuy vậy, ông cũng sẵn sàng đọc mà không lấy thù lao vì tình, vì nghĩa.

Còn Nguyễn Hữu Chiến Thắng dù rất đắt sô, nhưng anh bảo mình làm theo cảm hứng và chủ yếu là phim tài liệu trên truyền hình, vì vậy, anh bảo mình không giàu, chỉ ở mức "đủ ăn".

Nhạc sĩ Trần Đức không đặt nặng vấn đề thù lao, mà đọc vì tâm huyết với nghề. Ông đã từng từ chối nhiều lời mời đọc phim quảng cáo để giữ chất nghệ thuật, dù biết sẽ được trả hậu hĩnh.

Theo Baodatviet.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast