Người Brazil đang mơ về một cuộc cách mạng

Brazil sẽ không lãng phí thảm bại 1-7 trước người Đức. Họ sẽ tận dụng nó để thực hiện cuộc cách mạng mà có lẽ là toàn diện nhất, mạnh bạo nhất và sốc nhất trong lịch sử bóng đá Brazil.

Tôi đã tận mắt chứng kiến những giọt nước mắt lăn trên má người Brazil. Nỗi đau là có thực. Trong hoàn cảnh ấy, ai mà chẳng đau. Nhưng rồi họ nhanh chóng xua tan nỗi đau, dù chỉ là tạm thời, qua âm nhạc. Samba nổi lên, tất cả đứng dậy nhảy. Nụ cười trở lại. Đa số du khách đến từ khắp thế giới đều thừa nhận, nụ cười của người Brazil là rạng ngời nhất, hạnh phúc nhất.

Ở người Brazil tồn tại những mâu thuẫn kỳ lạ. Họ sống hướng ngoại, nhưng lại rất dễ rơi lệ. Nhìn họ khóc, trông thương lắm. Nhưng họ cười lại cũng nhanh. Họ không có thói quen chìm đắm trong tuyệt vọng. Đội tuyển Brazil cũng không phải là ngoại lệ.

Giải pháp HLV ngoại

Giới truyền thông Brazil chỉ mất 1, 2 ngày để “tổng sỉ vả” đội bóng của họ sau thảm bại. Giờ là hướng đến các giải pháp. Tất cả đều thống nhất: Bóng đá Brazil cần một cuộc cách mạng toàn diện.

Sau mỗi thảm bại, đội bóng nào cũng phải thay đổi, cách mạng. Chính báo chí Brazil đã viện dẫn tấm gương từ tuyển Đức, sau thất bại ở EURO 2004, giải đấu mà họ không thắng nổi trận nào, dù đối thủ có là Latvia. Cuộc cách mạng của người Đức bắt đầu từ chính vị trí HLV, với việc bổ nhiệm Juergen Klinsmann.

Người Brazil đã bắt đầu tìm kiếm Klinsmann của họ. Felipe Scolari chắc chắn ra đi sau khi dẫn dắt nốt trận tranh giải ba với Hà Lan. Scolari là nhà vô địch thế giới năm 2002 còn trợ lý của ông, Carlos Alberto Parreira đã đưa Brazil lên đỉnh cao năm 1994. Ở Brazil, còn ai xuất sắc hơn họ?

Huyền thoại Zico vừa giới thiệu Muricy Ramalho, HLV cá tính của Sao Paulo. Nhưng xét về mọi khía cạnh, Ramalho chẳng hơn gì Mano Menezes, người đã thay thế Dunga sau World Cup 2010 và bị sa thải vào năm 2012. Rất khó chờ đợi cuộc cách mạng từ các HLV ở giải quốc nội khi họ đã quá quen... bị sa thải và chỉ thích hợp làm việc trong ngắn hạn. Trong khi đó, ở các giải lớn của châu Âu, HLV Brazil không có đất dụng võ.

Trên truyền hình, Ronaldo “béo” đã đề xuất thuê HLV ngoại. Một ý tưởng cực kỳ táo bạo. Nếu đề xuất này được đưa ra trước World Cup 2014, người Brazil sẽ bảo rằng Ronaldo bị “điên”. Trong suy nghĩ của người Brazil chưa bao giờ tồn tại khái niệm cầu cứu nước khác giúp đỡ ở lĩnh vực mà họ luôn cho rằng mình là số 1 thế giới.

Nhưng giờ thì khác. Đề xuất của Ronaldo được bàn luận một cách nghiêm túc. Nhiều chuyên gia bảo rằng Pep Guardiola là người thích hợp nhất, vì đội tuyển Brazil cần chú trọng khâu chuyền bóng hơn thay vì chỉ tôn thờ những cầu thủ rê bóng giỏi. Thuyết phục Guardiola rời khỏi cương vị HLV Bayern không phải dễ. Thuyết phục được rồi, phải bồi thường hợp đồng cho Bayern. Lương thì sẽ cực cao. Nhưng đối với một đất nước mạnh về kinh tế và quyết cách mạng bằng mọi giá, đó không phải là vấn đề quá lớn.

Một số chuyên gia muốn HLV người Italy khi mối quan hệ giữa Brazil và Italy là rất khăng khít (30 triệu người Brazil có gốc Italy). Brazil của Scolari đã đá quá ngây thơ trước Đức và họ tin rằng đội bóng cần một bậc thầy về chiến thuật.

Giải pháp HLV Đức cũng đã được báo chí Brazil nhắc đến, không chỉ vì người Đức đã đánh bại họ. Brazil cần cách làm việc khoa học của người Đức, chứ không thể ngẫu hứng như “truyền thống”. Klinsmann, tại sao không?

Hạn chế xuất khẩu cầu thủ

Đề xuất này đến từ Dilma Rousseff, nữ Tổng thống của Brazil. Bà đang chịu sức ép nặng nề từ thất bại của đội tuyển và yêu cầu thực hiện một cuộc cách mạng.

Bao thập kỷ qua, Brazil luôn tự hào là nước xuất khẩu cầu thủ số 1 thế giới. Những siêu sao của họ như Ronaldo, Ronaldinho, Rivaldo... trưởng thành, gây dựng tên tuổi ở nước ngoài chứ không phải trong nước. Mặt trái là các CLB trong nước không có những ngôi sao lớn, dẫn đến tình trạng người hâm mộ không háo hức đến sân. Nguy hiểm hơn, các thế hệ trẻ gần đây dần đánh mất cảm hứng chơi bóng, để rồi bóng đá Brazil không còn sản sinh ra những thiên tài như trước.

Đề xuất của bà Dilma Rousseff chịu ảnh hưởng của yếu tố chính trị. Những người biểu tình cho rằng chính phủ đã hoang phí tiền bạc vào việc sân đấu World Cup. Bà Tổng thống Brazil cho rằng nếu các ngôi sao lớn ở lại trong nước, các sân đấu sẽ chật ních khán giả và sẽ chẳng lãng phí chút nào.

Trước đây, đề xuất này là bất khả thi. Giờ thì khác. Các CLB ở Brazil cũng giàu có, hoàn toàn đủ tiềm lực tài chính để giữ chân những ngôi sao lớn nhất. Santos từng thành công giữ chân Neymar cho đến khi anh quyết đến Barca để nâng cấp chuyên môn chứ không phải để được tăng lương.

Đề xuất của Ronaldo hay của bà Dilma Rousseff không biết có đi vào thực tế được hay không, nhưng ít nhất đã cho thấy người Brazil đã sẵn sàng thực hiện cuộc cách mạng bằng cách đi ngược với truyền thống.

Khi Brazil sẵn sàng cách mạng mạnh bạo, cả thế giới cần phải dè chừng. Điều tương tự đã xảy ra trong lĩnh vực kinh tế vào năm 1994, với Plano Real (Kế hoạch Real - được đặt tên theo đồng tiền nước này). Từ sau đó, họ phát triển mạnh mẽ và trở thành nền kinh tế lớn của thế giới.

“Khóc ít thôi, Brazil!”

Trong bài viết dành cho Folha, tờ báo hàng đầu của Brazil, cây bút người Anh Simon Kuper mỉa mai rằng: “Felipe Scolari, các cầu thủ của ông và truyền thông Brazil đã tốn quá nhiều thời gian cho những giọt nước mắt trước trận gặp Đức. Nếu họ dành thời gian đó để bàn luận chiến thuật, tìm hiểu đối thủ thì tình hình có lẽ đã khá hơn”.

Neymar khóc, vì anh dính chấn thương và không thể cùng đội bóng đá trận bán kết. David Luiz cũng khóc. Quá nhiều cầu thủ Brazil tỏ ra yếu đuối “như phụ nữ” trước và sau trận gặp Đức. Người ta thường bảo rằng, sân cỏ là nơi đàn ông khóc nhiều nhất. Nhưng đây là lúc các cầu thủ Brazil cần mạnh mẽ và cứng rắn hơn. Người hâm mộ Brazil khó có thể tin tưởng vào tương lai tươi sáng hơn nếu các cầu thủ của họ cứ tiếp tục thể hiện sự ủy mị.

Đức Lộc (từ Rio de Janeiro)

Nguồn: Thể thao & Văn hóa

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast