Người miền Tây đón Tết

Không khí đón Tết Tân Mão 2011 của bà con Đất Mũi – mảnh đất cực Nam của Tổ quốc thật rộn ràng, nhà nào cũng gói bánh tét, làm dưa kiệu.

Ở miền Tây Nam bộ, nơi có các dân tộc Kinh, Hoa, Khmer và Chăm sinh sống vốn có truyền thống đoàn kết, gắn bó bên nhau. Tuy mỗi dân tộc có những hình thức đón Tết khác nhau, song vào thời điểm này, trước không khí rộn ràng của Tết Nguyên đán, nhà nhà, người người đều háo hức chờ đón mùa Xuân sang.

Không khí đón Tết Tân Mão 2011 của bà con Đất Mũi – mảnh đất cực Nam của Tổ quốc thật rộn ràng, nhà nào cũng gói bánh tét, làm dưa kiệu. Là xứ sở của tôm cá, nên mâm cơm cúng ông bà chiều cuối năm, nhà nào cũng có món mắm tép, mớ cá khô và tôm lụi để gia đình bên nhau hàn huyên, trò chuyện. Đất Mũi đang là một trong 5 địa chỉ ở tỉnh Cà Mau thu hút đông đảo du khách gần xa thăm quan. Vào dịp Tết hàng năm, bình quân mỗi ngày có từ 1.000 đến 1.500 du khách trong và ngoài tỉnh đến thăm quan mảnh đất cực Nam của Tổ quốc. Trước Tết, chính quyền vận động nhân dân dọn vệ sinh xóm ấp, sửa sang cầu, đường để nhân dân địa phương và bà con du khách đi lại thuận lợi. Bởi vậy, sắc xuân của Đất Mũi những ngày này dường như tươi tắn hẳn lên.

Anh Nguyên Trung Dân nhà ở ấp Rạch Tàu– một trong những thanh niên Tết này về quê cảm nhận: «Về quê đón Tết, tôi thấy quê mình năm nay đổi mới, nhiều ngôi nhà trị giá hàng tỷ đồng mọc lên».

Năm qua, thời tiết thuận hòa, người nuôi tôm, cũng như người làm nghề đánh bắt thủy sản ở Đất Mũi đều có lãi. Nhiều hộ nuôi tôm trúng mùa, có tiền sửa sang nhà ở, mua sắm tiện nghi trong gia đình. Theo thống kê của UBND xã Đất Mũi, trong năm có 80 hộ xây nhà mới, 30 hộ thoát nghèo, giảm tỷ lệ nghèo trong xã còn dưới 7%.

Còn tại xã Vị Thủy, huyện Vị Thủy – một trong 3 xã đầu tiên của tỉnh Hậu Giang được công nhận là xã đạt tiêu chí nông thôn mới. Trước Tết, chính quyền xã đã vận động bà con dọn vệ sinh xóm, ấp các tuyến giao thông được phát quang, nhà nhà đều có thùng chứa rác. Xã Vị Thủy có câu lạc bộ trồng hoa, cây cảnh, nên sân nhà ai cũng trồng nhiều hoa, cây cảnh. Những chậu hoa đang căng nụ, chờ phút xuân sang bừng sắc thắm.

Năm 2010, Vị Thủy có 200 hộ tiên phong trồng dưa hấu, hộ nào cũng trúng mùa, được giá, nên không khí đón Xuân càng thêm ấm cúng. Nơi đây, cũng là địa chỉ xuất hiện phong trào nuôi ba ba, nuôi cá rô đầu vuông đạt hiệu quả. Toàn xã hiện có 40 hộ nuôi ba ba thịt và ba ba giống; 20 hộ nuôi cá rô đầu vuông. Nhiều bà con đang đầu tư vốn xây dựng ao, vuông nuôi lươn, nuôi cá… Trong số những hộ nông dân năng động, sáng tạo trong lao động, sản xuất, có nhiều hộ là người dân tộc Khmer. Điển hình như ông Danh Quý, Danh Luân ở ấp 6, đang là chủ cơ sở nuôi hàng trăm con ba ba thịt, trị giá trị trên 200 triệu đồng. Tết này, gia đình ông Danh Quý cũng gói bánh tét, cũng làm dưa, kho thịt, làm bánh mứt để đón Tết.

Ông Danh Quý nói: «Tuy người dân tộc Khmer đón năm mới vào tháng 4 nhưng Tết Nguyên đán là Tết của dân tộc Việt Nam, bà con Khmer chúng tôi cũng tổ chức ăn Tết cùng bà con người Kinh».

Qua vận động, tuyên truyền của chính quyền và các tổ chức đoàn thể, ngày càng có nhiều bà con dân tộc Khmer sản xuất đạt hiệu quả, trở thành nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi. Trong năm, toàn vùng có 50 lượt nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, vinh dự được tham dự Hội nghị Nông dân tiêu biểu toàn quốc, được dự Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số toàn quốc tại Thủ đô Hà Nội.

Tại đồng bằng sông Cửu Long, trong tổng số hơn 17 triệu người dân đang sinh sống, trong đó có khoảng 1,3 triệu đồng bào Khmer; đồng bào Hoa, Chăm chiếm khoảng 18% trong tổng số dân cư trong vùng. Từ ngàn xưa, các dân tộc anh em trong vùng luôn đoàn kết, gắn bó, cùng chung chiến hào đánh đuổi kẻ thù xâm lược, đồng lòng, đồng sức xây dựng quê hương. Bà con gắn kết với nhau trong tình làng, nghĩa xóm, san sẻ cho nhau niềm vui, nỗi khó khăn. Ngày hội, ngày Tết của dân tộc này, là niềm vui, là dịp giải trí, nghỉ ngơi của dân tộc anh em khác.

Cộng đồng người Hoa cũng đón Tết như bà con người Kinh. Mọi người đều sơn sửa, trang hoàng cho ngôi nhà của mình mới hơn. Ngày 30 Tết, nhà nào cũng lo mâm cơm thịnh soạn để đón ông bà. Trên bàn thờ tổ tiên của bà con người Hoa cũng chưng mâm ngũ quả, hoa tươi và có cả đĩa bánh bò nướng. Theo quan niệm của người Hoa, bánh bò nướng tương trưng cho sự hưng thịnh, ăn nên làm ra.

Trong cuộc sống, bà con người Hoa có một nét văn hóa rất đáng quí. Đó là khi làm ăn có lãi, bà con đều cố gắng làm việc thiện, làm phước để lấy đức. Do đó, trong năm, nhất là vào dịp Tết, Hội Tương tế người Hoa ở các tỉnh: Sóc Trăng, Cà Mau, thành phố Cần Thơ, Vĩnh Long… đều tổ chức tặng quà cho các hộ có hoàn cảnh khó khăn. Điển hình như Hội Tương tế người Hoa ở thành phố Cần Thơ vận động các nhà hảo tâm ủng hộ 120 phần quà, gồm bánh mứt, tiền để tặng cho những hộ nghèo; Hội Tương tế thành phố Sóc Trăng mỗi năm vận động cộng đồng hàng trăm triệu đồng mua gạo tặng cho bà con nghèo. Tết Nguyên đán này, Hội vận động các nhà hảo tâm ủng hộ 150 suất quà, mỗi suất trị giá 300.000 đồng, gồm gạo, dầu ăn, bột ngọt, trà bánh tặng cho bà con nghèo, bà con dân tộc đang khó khăn.

Ông Huỳnh Phến, Chủ tịch Hội Tương tế người Hoa ở thành phố Sóc Trăng cho biết: «Năm 2009 có ảnh hưởng chung kinh tế toàn cầu, nên bà con người Hoa ở thành phố làm ăn có gặp khó khăn, nhưng năm 2010 bà con làm dịch vụ kinh doanh rất tốt. Cũng từ chỗ đó, mình thuận lợi cho việc vận động quỹ từ thiện».

Bà con dân tộc Chăm sinh sống tập trung tại tỉnh An Giang, những ngày qua, mọi người cũng đang nhanh tay trang hoàng nhà cửa để đón năm mới. Cùng với lương thực, rau xanh, trái cây, trong các ngày Tết, đối với bà con dân tộc Chăm không thể thiếu các loại bánh ngọt, có vị béo đậm đà, trong đó các loại bánh được chế biến từ nước cốt dừa là món ăn truyền thống của bà con. Bởi vậy, những ngày này, lượng dừa khô từ các nơi đưa về phục vụ bà con dân tộc Chăm khá nhiều.

Đêm 30, trước phút giao thừa, nhiều bà con dân tộc Chăm cao niên đọc Kinh Koran, cầu nguyện cho quốc thái, dân an. Những năm qua, được Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư vốn xây dựng cơ sở hạ tầng, giúp vốn bà con khôi phục nghề dệt, may, vay vốn nuôi bò… Vì thế, tỷ lệ hộ dân tộc Chăm chuyển đổi ngành nghề từ làm ruộng sang mua bán, kinh doanh, làm nghề tiểu thủ công nghiệp ngày càng tăng. Chỉ riêng huyện Tân Phú, năm qua có hơn 140 hộ sản xuất nông nghiệp mở thêm nghề phụ mua bán nhỏ và sản xuất hàng tiểu thủ công nghiệp.

Thực hiện chính sách bình đẳng giữa các tôn giáo, dân tộc, các thánh đường của bà con dân tộc Chăm ở tỉnh An Giang được trùng tu mới và trang nghiêm, tạo thuận lợi cho bà con sinh hoạt tôn giáo. Số thanh niên học đại học, có việc làm của bà con dân tộc Chăm cũng tăng hơn trước. Đây chính là niềm vui của bà con. Chị Ly Pha, quê ở thị trấn Tân Châu, huyện An Phú hiện đang là công nhân làm việc tại TP HCM, về quê ăn Tết: “Cứ vài tháng lại trở về thăm quê, tôi nhận thấy quê mình ngày càng thay đổi, đường phố, nhà cửa ngày càng khang trang. Bà con đã biết làm ăn và vươn lên thoát nghèo. Giờ này mọi người đã chuẩn bị thật đầy đủ để đón năm mới”.

Mùa Xuân đang đến gần. Mỗi người dân đất Việt lại hướng về năm mới với quyết tâm mới, sức phấn đấu mới./.

Theo VOVnews.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast