Nguồn gốc tục té nước ở Lào

Mỗi quốc gia trên thế giới đều có ngày tết truyền thống với những những phong tục, nghi lễ độc đáo. Phong tục tết là nơi lưu giữ đậm nét bản sắc văn hóa, là sự kết nối thiêng liêng quá khứ - hiện tại - tương lai trong dòng chảy của mỗi dân tộc.

Hiện nay, tết Lào được tổ chức từ ngày 13 - 16/4 dương lịch hàng năm với nét độc đáo là tục té nước
Hiện nay, tết Lào được tổ chức từ ngày 13 - 16/4 dương lịch hàng năm với nét độc đáo là tục té nước

Theo truyền thống, Tết Lào (Bun-pi-may) diễn ra trong suốt tháng thứ 5 Phật lịch, bắt đầu từ ngày thứ 6 của tháng thứ 5 và kết thúc vào ngày thứ 5 của tháng thứ 6. Hiện nay, tết Lào được tổ chức từ ngày 13 - 16/4 dương lịch hàng năm.

Nét độc đáo của tết Lào là tục té nước, vì thế, Bun-pi-may còn được gọi là Bun-hốt-nậm (lễ hội té nước). Điều này bắt nguồn từ quan niệm của người Lào là chỉ có nước mới đem lại sự sống, gột rửa hết mọi ưu phiền, xấu xa, đem đến sự sạch sẽ, thanh khiết, hồi sinh. Bởi vậy, vào ngày đầu tiên của tết năm mới, người Lào thường quét dọn nhà cửa sạch sẽ, chuẩn bị nước thơm và hoa, sau đó, rước tượng Phật ra một gian riêng và mở cửa để mọi người có thể vào tắm Phật.

Mọi người còn té nước vào các nhà sư, chùa và cây cối xung quanh chùa. Để tỏ lòng tôn kính, người trẻ tuổi té nước những người lớn tuổi để chúc sống lâu và thịnh vượng; bạn bè té nước vào nhau. Không chỉ té nước vào người, người ta còn té nước vào nhà cửa, đồ thờ cúng, súc vật và công cụ sản xuất.

Theo quan niệm của cư dân nông nghiệp, lễ hội té nước xưa kia nhằm đưa tiễn mùa khô và cầu mưa xuống
Theo quan niệm của cư dân nông nghiệp, lễ hội té nước xưa kia nhằm đưa tiễn mùa khô và cầu mưa xuống

Có nhiều cách giải thích về nguồn gốc lễ hội té nước, song có thể hiểu sự ra đời của lễ hội gắn với đời sống sản xuất nông nghiệp trồng lúa nước. Theo quan niệm của cư dân nông nghiệp, lễ hội té nước xưa kia nhằm đưa tiễn mùa khô và cầu mưa xuống; là một phần của nghi lễ phồn thực nhằm cầu mong mưa thuận gió hòa, đem lại tươi mát cho vạn vật, ấm no và hạnh phúc cho con người.

Phong tục té nước của người Lào còn gắn với một truyền thuyết đậm tinh thần nhân văn, rằng: Thời xa xưa, từ trước khi Phật giáo ra đời, có một chàng trai con nhà phú nông tên là Thammabane rất nhanh trí và hiểu được tiếng chim. Thammabane thường đi khắp nơi để truyền dạy kiến thức. Thời gian đó, người dân vẫn coi Kabinlaphom - thần của bầu trời, là người thông thái nhất. Khi biết tin dưới trần gian có Thammabane là một người rất hiểu biết, Kabinlaphom muốn thi tài với Thammabane. Ông ta đặt ra 3 câu hỏi để Thammabane trả lời, nếu Thammabane trả lời được thì Kabinlaphom sẽ phải dâng đầu mình và ngược lại. Ba câu hỏi đó là: Thần sắc con người tập trung ở đâu vào buổi sáng? Thần sắc con người tập trung ở đâu vào buổi chiều? Thần sắc con người tập trung ở đâu vào buổi tối?

Mọi người còn té nước vào các nhà sư
Mọi người còn té nước vào các nhà sư

Thammabane không thể trả lời ngay, nhưng anh xin Kabinlaphom thêm 9 ngày nữa. Thammabane ra sức suy nghĩ nhưng vẫn không tìm được đáp án. Ba ngày trôi qua, đã quá mỏi mệt, anh ngủ gật dưới gốc cọ thì nghe hai vợ chồng đại bàng nói chuyện trên đầu mình. Đại bàng vợ hỏi: “Ngày mai chúng ta sẽ ăn gì đây?”. Đại bàng chồng trả lời: “Đừng lo, chúng ta sẽ ăn thịt Thammabane, vì anh ta sẽ không thể trả lời được 3 câu hỏi của Kabinlaphom và sẽ bị giết”. Khi đại bàng vợ hỏi về câu trả lời, đại bàng chồng đã nói: Thần sắc con người vào buổi sáng tập trung ở khuôn mặt, vì vậy, buổi sáng con người phải rửa mặt. Thần sắc con người vào buổi chiều tập trung ở ngực, vì vậy, con người thường tắm vào buổi chiều. Thần sắc con người vào buổi tối tập trung ở tay và chân, vì vậy, con người thường rửa chân tay trước khi đi ngủ.

Nhờ biết được tiếng chim, Thammabane nghe rõ 3 câu trả lời và sau đó trở lại gặp Kabinlaphom. Theo cam kết, Kabinlaphom phải chặt đầu mình. Tuy nhiên, trước khi chặt đầu, Kabinlaphom dặn 7 cô con gái của mình giữ gìn cái đầu cẩn thận, vì nếu đầu ông ta rơi xuống đất sẽ xảy ra hỏa hoạn, ném lên trời sẽ gây ra hạn hán còn ném xuống biển thì biển sẽ khô cạn. Hàng năm, các cô lần lượt đến đây rửa sạch đầu cha và đặt trở lại vào động... Đây là chi tiết đậm màu sắc hoang đường kì ảo - đặc điểm nổi bật trong thế giới thần thoại, truyền thuyết. Tuy nhiên, vén bức màn hoang đường kì ảo, thì truyền thuyết Kabinlaphom đã cắt nghĩa nguồn gốc tục té nước, thể hiện nhận thức của cư dân bản địa về tầm quan trọng của nước đối với đời sống sinh hoạt.

Dù tin vào thế giới đa thần và chưa thể lí giải nguồn gốc của nhiều hiện tượng tự nhiên, xã hội, song người xưa vẫn tin vào khả năng của con người. Khẳng định và ngợi ca con người, đó chính là tinh thần nhân văn cao cả của Thammabane. Vẻ đẹp nhân văn làm cho huyền thoại này cùng với tục té nước mãi trường tồn với thời gian.

Trường Đại học Hà Tĩnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast