Nhà thờ Lê Viết Vinh - Ích Hậu (Lộc Hà) được xếp hạng Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp tỉnh

Sáng ngày 25 tháng 8 năm 2011, tại xã Ích Hậu, huyện Lộc Hà, Đảng ủy, Ủy ban Nhân dân xã Ích Hậu cùng với dòng họ Lê Viết và đông đảo người dân Ích Hậu đã tổ chức trọng thể Lễ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp tỉnh Nhà thờ Lê Viết Vinh.

Nhà thờ dòng họ Lê Viết được xây dựng vào những năm đầu thời nhà Nguyễn, thờ Lê Triệu Sỹ Vọng khoa Tiến sĩ Hiến cung Đại phu tán trị Sơn Nam các xứ, thừa Chánh sử ty Tham nghị Triều chính Lê Tướng công húy Mông, tên là Viết Vinh hay Viết Cao, Viết Hạo tự Trung Thuần đặc phong tặng Thụy Cung Ý.

Bà Phan Thư Hiền - Phó Giám đốc Sở VHTT và DL trao Bằng xếp hạng cấp tỉnh cho đại diện lãnh đạo xã Ích Hậu và dòng họ Lê Viết
Bà Phan Thư Hiền - Phó Giám đốc Sở VHTT và DL trao Bằng xếp hạng cấp tỉnh cho đại diện lãnh đạo xã Ích Hậu và dòng họ Lê Viết

Ông sinh ngày 16/12/1649 (Kỷ Sửu), quê quán tại làng Bảo Ngột Đoài, xã Ích Hậu, tổng Phù Lưu; nay là xóm Lương Trung, xã Ích Hậu, huyện Lộc Hà. Sinh thời, Lê Viết Vinh là người có tư chất thông minh, khả năng văn chương thiên phú. Năm 20 tuổi, ở khoa thi Hương (Năm Ất Mão), ông đỗ Tứ trường (Tương tự Cử nhân). Năm 30 tuổi, tại khoa thi năm Giáp Tý, ông tham dự khoa thi "Thiên hạ sỹ vọng" và trúng tuyển hạng ưu (Ngang hàng Tiến sỹ). Lần trúng tuyển này ông được bổ vào làm việc ở Thị nội Văn chức (Là cơ quan làm việc văn thư trong phủ Chúa Trịnh). Nhờ có tài học rộng, tài cao, lại có chí lớn, là người yêu nước thương nòi, hết lòng phò Vua giúp nước, ông được triều đình nhà Lê nhiều lần phong tặng và bổ nhiệm chức tước, đặc trách các chức vụ quan trọng trong các Bộ Hộ, Bộ Lại, Bộ Hình và Bộ Binh tại triều chính nhà Lê và đời Vua Chánh Hòa trở về sau.

Trong cuộc đời làm quan của mình, Lê Viết Vinh đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển chung của đất nước, đặc biệt, trong giai đoạn cuối thế kỷ 17, xã hội phong kiến Việt Nam đang phát triển thịnh trị cả về kinh tế lẫn văn hóa. Sự phát triển kinh tế lẫn biểu hiện ở khâu sản xuất hàng hóa, giao lưu sản xuất hàng hóa, buôn bán ngày càng thịnh vượng, phố phường đông đúc, mạng lưới phố - chợ ngày càng được mở rộng... Đời sống văn hóa - giáo dục trong thời kỳ này cũng phát triển và có nhiều thành tựu hơn trước. Các trường học được mở rộng nhiều hơn. Trong đó, có các trường tư do danh nho, danh sỹ đương thời lập nên. Việc thi cử vẫn được duy trì, các chính sách chiêu mộ nhân tài được chú trọng hơn.

Đối với quê hương, một trong những công lao, đóng góp to lớn của ông được nhân dân ghi nhận, biết ơn và lưu truyền đến tận ngày nay, đó là: Trong thời gian đặc trách nhiệm vụ, ông đã tổ chức nhân dân quê hương ở vùng Nam Thiên Lộc đắp đập, đắp đê ngăn mặn, đào kênh, sông dẫn nước ngọt tưới cho ruộng đồng, tăng năng suất sản xuất nông nghiệp, giúp dân cải thiện cuộc sống. Sông Làng Lê chảy từ Hồng Lộc về Tùng Lộc, Ích Hậu, Phù Lưu. Hiện nay, trong nhân dân trong vùng vẫn còn lưu truyền tên sông Làng Lê, đập Làng Lê, bến Làng Lê (Bến đò qua sông).

Lê Viết Vinh mất ngày 06 tháng 12 năm 1703. Sau khi ông mất đã hiện rõ linh ứng. Vì vậy, triều Vua Khải Định đã 02 lần ban sắc phong Thần cho ông, cho phép phụng thờ, phò trợ đất nước, che chở cho nhân dân.

Lễ rước Bằng xếp hạng về nhà thờ
Lễ rước Bằng xếp hạng về nhà thờ

Hiện nay, tại nhà thờ, dòng họ Lê Viết còn giữ lại và bảo quản được nhiều hiện vật quý như: Ghế 9 bậc dành cho giám khảo tại Quốc Tử giám, 01 bức hoành phi "Khoa bảng lưu phương", đôi câu đối bằng gỗ quý có nội dung "Lộc Trời ơn Tổ, công danh lừng lẫy rạng mai sau" và "Cửa đức Tiền nhân khoa bảng lưu truyền muôn thưở trước", 01 bia đá granit khắc ghi tóm tắt tiểu sử Sỹ vọng Tướng công Lê Viết Vinh, 01 lọng của Thần tổ Lê Viết Vinh, 10 cái kiếm gỗ, 03 bộ Long ngai bằng gỗ, 03 bài vị bằng gỗ, 10 cái cọc nến bằng gỗ, 03 cái lư hương bằng đồng cổ, 01 cái hòm sắc bằng gỗ, 04 cái mâm cỗ bồng bằng gỗ, 02 hạc gỗ và 07 sắc phong bằng giấy; đặc biệt là còn lưu giữ nguyên vẹn 07 sắc phong của Lê Viết Vinh, trong đó: 05 sắc phong (Phong chức) của Vua Chánh Hòa và 02 sắc phong truy tặng phong Thần của vua Khải Định.

Tại buổi lễ bà Phan Thư Hiền - Phó Giám đốc Sở VHTT&DL Hà Tĩnh đã trao Bằng xếp hạng di tích cấp tỉnh, thành phố cho Uỷ ban nhân dân xã Ích Hậu và dòng họ Lê Viết (Theo Quyết định số 2209/QĐ-UBND ngày 05/7/2011 của UBND tỉnh về việc công nhận nhà thờ Lê Viết Vinh (Xóm Lương Trung) là di tích Lịch sử - Văn hóa cấp tỉnh).

Sau khi bế bạc buổi lễ, con cháu dòng họ Lê Viết đã tổ chức nghi thức rước Bằng xếp hạng về nhà thờ và tế lễ, đồng thời ôn lại lịch sử dòng họ, công trạng của Sỹ vọng Tướng công Lê Viết Vinh để con cháu phát huy niềm tự hào, noi theo, tích cực phấn đấu học tập, rèn luyện, cống hiến trên mọi lĩnh vực.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast