Nhạc sĩ Lê Hàm - Ngọn nguồn chảy mãi

Tuy không sinh ra và lớn lên trên vùng quê núi Hồng sông La nhưng với nhạc sĩ Lê Hàm, mảnh đất từng nuôi dưỡng ông những ngày niên thiếu với câu hò điệu ví và những đêm trăng gió đưa khúc nhạc trũ tình trên dòng Ngàn Phố thơ mộng đã bồi đắp cho tâm hồn ông nguồn phù sa màu mỡ của âm nhạc dân gian. Theo năm tháng, tình yêu với dân ca ví, giặm ngày càng dào dạt, đến hôm nay vẫn còn chảy mãi trong trái tim của người nghệ sĩ.

Nhạc sĩ Lê Hàm tại nhà riêng
Nhạc sĩ Lê Hàm tại nhà riêng

Một ngày cuối đông, tôi tìm đến ngôi nhà xinh xắn ở khối 7, phường Trường Thi (Thành phố Vinh - Nghệ An) gặp người nhạc sĩ già. Trên căn gác nhỏ ấm cúng, nhạc sĩ Lê Hàm đón chúng tôi bằng nụ cười rạng rỡ và dáng đi nhanh nhẹn. Trông ông không có vẻ của một người già, dù mái tóc đã bạc trắng. Ông khoe với tôi tấm bằng chứng nhận giải Nhì (không có giải Nhất) về đề tài an toàn giao thông của Ban ATGT quốc gia. Căn phòng nhỏ giăng kín các bức ảnh, bằng khen, bản nhac, sách báo... Tôi chú ý đến bìa của bài hát “Gái sông La” do ông sáng tác những năm chống Mỹ và bức ảnh của Đoàn văn công nhân dân Hà Tĩnh biểu diễn trên trận địa núi Nài, trong đó có vợ ông, diễn viên múa Minh Khiêm và cố diễn viên Mạnh Tường. Mạch nguồn ký ức được dịp tuôn chảy trong ông.

“Từ năm 1949-1951, tôi là học sinh Trường Thiếu sinh quân Liên khu 4. Những ngày thơ ấu tôi đã được các mẹ chiến sĩ đùm bọc nuôi nấng. Đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ bát nước chè xanh, miếng kẹo Cu-đơ Phố Châu, Mỹ Hòa. Tôi đã được uống nước dòng La, đắm mình trên dòng Ngàn Phố những ngày hè nóng nực. Lớn lên tôi vào quân ngũ, năm 1955 về Ty văn hóa Hà Tĩnh, sau đó đi học ở Trường Âm nhạc Việt Nam. Mang nặng ân tình với mảnh đất và con người Hà Tĩnh, năm 1956, vừa đi học, tôi vừa sưu tầm và sáng tác dân ca ở đây.”

Tốt nghiệp Trường Âm nhạc Việt Nam, nhạc sĩ Lê Hàm vào giới tuyến Vĩnh Linh phục vụ cuộc chiến đấu của các chiến sĩ bên bờ bắc sông Bến Hải. Năm 1963, anh trở lại Hà Tĩnh và ngay từ những ngày đầu trở về mảnh đất thân thương ghi dấu bao ký ức ngọt ngào, anh đã viết bài hát: “Gái sông La”. Đặc biệt, trận đầu thắng Mỹ trên đất Hà Tĩnh đã phả vào tâm hồn ông âm hưởng hào hùng, cảm xúc tin tưởng và tự hào về sức mạnh của quân dân Hà Tĩnh. Liên tiếp 3 bài hát: “Hà Tĩnh, quê hương ta”, “Chiến công Hà Tĩnh vẻ vang”, “Em yêu Hà Tĩnh”... đã ra đời trong thời điểm này. Sau đó là nhạc phẩm: "Ta lại về Nghi Xuân", "Nhớ tiếng em ca", "Tiếng hát Hương Sơn". Các nhạc phẩm đó lên sóng Đài TNVN đã được rất nhiều người đón nhận. Ngôn ngữ âm nhạc Lê Hàm ngọt ngào, giàu chất dân ca, gần gũi với quê hương xứ Nghệ, kết hợp hài hòa chất liệu dân gian và kỹ thuật sáng tác. Giai điệu của các ca khúc đó đến nay còn ngân vang trong lòng nhiều thế hệ.

Vợ chồng nhạc sĩ Lê Hàm thời trẻ
Vợ chồng nhạc sĩ Lê Hàm thời trẻ

Nhưng, ân tình với Hà Tĩnh không chỉ có thế. Thời kỳ sống và làm việc tại Hà Tĩnh (Nhạc sĩ Lê Hàm là Trưởng đoàn văn công Hà Tĩnh từ năm 1970-1976), nhạc sĩ đã dành khá nhiều thời gian về các vùng quê Đức Thọ, Kỳ Anh, Hương Sơn, Hồng Lĩnh, Nghi Xuân... sưu tầm các làn điệu dân ca ví, giặm cổ. Ông đã sưu tầm được hàng trăm làn điệu dân ca hò, vè, ví..trong đó có những điệu hò rất lạ mà đến nay không còn ai nhớ nữa như: “Hò xưa gỗ”, “Hò khoan đi đường”, "Hò kéo lưới”, “Hò lơ”... Theo ông, điệu “Hò bơi thuyền” là xuất phát từ một điệu hò trên một con sông ở Kỳ Anh. Cùng với đó là hàng loạt các điệu ví, sắc bùa... Ông là người có lẽ duy nhất ở Nghệ Tĩnh hiện còn lưu giữ cuốn sách: “Dân ca Hà Tĩnh” của cố Nhạc sĩ Văn Cao, tác giả “Tiến quân ca”.

Hiện nay, ngoài sáng tác dân ca, ông còn cho ra đời nhiều công trình nghiên cứu về Dân ca Xứ Nghệ. Dân ca ví, giặm là hồn cốt của quê hương, là bản sắc của vùng văn hóa sông Lam. Năm 2011, ông đạt giải B tác phẩm “Nghệ An non nước hữu tình” của Hội NSVN. Năm 2012, ông tiếp tục nhận được nhận giải Nhì (cũng không có giải A) tại Liên hoan dân ca ví, dặm Nghệ Tĩnh. Ông là Hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội VNDGVN. Nhiều phần thưởng, giải thưởng cao quý ông đã được nhận, nhưng với Nhạc sĩ “giải thưởng lớn nhất của đời là đến nay lưng chưa còng, mắt còn tỏ, óc còn minh mẫn và trái tim còn tràn trền tình yêu với âm nhạc, với quê hương xứ sở’.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast