Nhiếp ảnh gia chiến trường Art Greenspon: Bức ảnh 'định nghĩa' chiến tranh Việt Nam

Bức ảnh mô tả một người lính hướng dẫn trực thăng hạ cánh trong rừng rậm ở khu vực gần Huế vào tháng 4/1968. Nhưng nó đã trở thành minh chứng cho sự tuyệt vọng của nước Mỹ trong cuộc chiến tranh tàn khốc.

Bức ảnh là đứa con tinh thần của nhiếp ảnh gia chiến trường Art Greenspon và nó sẽ được xuất hiện trên trang bìa cuốn sách mới Vietnam: The Real War (Việt Nam: Cuộc chiến thực sự) do hãng tin AP biên soạn, dự kiến ra mắt vào tháng 10 tới. Tác phẩm được phóng viên ảnh chiến trường nổi tiếng của tạp chí Life, David Douglas Duncan, ca ngợi là "bức ảnh đẹp nhất về chiến tranh Việt Nam".

Nhân sự kiện cuốn sách mới ra mắt, phóng viên tờ Time đã có cuộc trò chuyện với Greenspon về bức ảnh đặc biệt này.

Bức ảnh biểu tượng của Art Greenspon
Bức ảnh biểu tượng của Art Greenspon

* Tại sao ông tới Việt Nam?

- Câu chuyện tin tức lớn nhất trong những năm 60 thế kỷ trước là Việt Nam. Trong những ngày cuối tuần, tôi thường ra phố chụp các cuộc biểu tình của lực lượng phản chiến và ủng hộ binh lính. Tôi không ngả về phe nào và biết rằng mình sẽ không bao giờ tìm thấy "sự thật" nếu ở nhà. Sự thật nằm ở ngoài kia, tại Việt Nam.

Và Tim Page (phóng viên ảnh chiến tranh Việt Nam nổi tiếng) phi vào đời tôi như một cơn bão. Hút thuốc như điên, nhậu khỏe, cá tính điên loạn. Sex, ma túy, nhạc rock and roll - đó là Page. Và anh ấy thích các bức ảnh của tôi. Anh ấy nói rằng tôi nên tới Sài Gòn.

Tôi mua vé một chiều tới Sài Gòn, được cấp visa du lịch 10 ngày và bước đi với ý định cho thế giới biết "sự thật" về Việt Nam. Tôi tới nơi vào Giáng sinh 1967, quá khờ dại để biết sợ.

* Ông chụp bức ảnh nổi tiếng dưới hoàn cảnh nào?

- Tháng 4/1968, tôi cảm thấy mình phải trở thành nhiếp ảnh gia chiến trường có thành tích. Tôi thích nói chuyện về chiến tranh, nhiếp ảnh với Fass, Eddie Adams và Larry Burrows. Anh cần biết rằng trong 600 phóng viên chính thức có mặt tại Việt Nam khi đó, chỉ khoảng 50 người như chúng tôi thường xuyên ra chiến trường. Thời điểm đó, quân đội Mỹ đang bẽ mặt vì cuộc phản công Tết Mậu Thân và các đơn vị quân đội đối phương được báo cáo đang hoạt động tự do bên trong biên giới Lào, ở các ngọn đồi vây quanh thung lũng A Shau. Giữa tháng 4, Bộ Tư lệnh quyết định dùng trực thăng vận đưa toàn bộ Sư đoàn Không kỵ số 1 vào các ngọn đồi để đầy lùi đối phương.

Tại Phòng Thông tin chiến dịch, tôi biết các đơn vị lính dù 101 và 173 đang đóng vai trò lực lượng đánh cản ở Huế. Họ đã gặp hỏa lực chống cự mạnh, nhưng quan trọng là không có phóng viên nào ở đó. Tôi bèn đi nhờ tới nơi này.

Tôi tham gia một cuộc tuần tra vào sáng sớm, trong điều kiện sương mù dày. Chúng tôi tiến vào vùng cỏ voi, tới tầm nhìn rất tệ. Viên thượng sĩ đi cùng (người giơ tay lên trời trong ảnh của Greenspon) nói rằng anh biết toán tuần tra sẽ bị phục kích và anh thấy mừng vì không đi đầu.

Art Greenspon thời gian tác nghiệp báo chí ở Sài Gòn
Art Greenspon thời gian tác nghiệp báo chí ở Sài Gòn

Đột nhiên tiếng súng nổ và sự hỗn loạn xuất hiện. Có ai đó kéo tôi xuống đất, giữ chặt. Đạn xuyên chiu chíu qua cỏ và tôi đã bắn khoảng 8 viên. Không ai gần tôi dám bắn trả. Chúng tôi chẳng nhìn thấy gì cách xa mình quá 1 mét. Đối phương chỉ nổ súng chừng 1 đến 2 phút. Rồi mọi chuyện lại rơi vào tĩnh lặng.

Người đi đầu nhóm đã bị bắn chết. Tinh thần cả đội tuần tra giảm tới 10 phần. Sau vài phút đi bộ về phía trước, tôi đã tới chỗ những người bị thương đang được điều trị. Tôi giơ chiếc Leica của mình lên, nhưng viên bác sĩ quân y giơ tay ngăn và lắc đầu. Tình hình quá tệ, rất nhiều người thương vong khi chuyện chỉ mới bắt đầu.

Buổi sáng tiếp theo, người bị thương được chuyển tới bãi đáp trực thăng mới. Khi chiếc trực thăng đầu tiên đang bay là là trên đầu, tôi thấy viên thượng sĩ với đôi tay của anh vươn lên trên không. Tôi thấy bác sĩ quân y cõng người bị thương và một cậu lính trẻ đang nằm trên cỏ. Tôi nghĩ mình phải ghi lại tất cả những thứ này trong một bức hình. Tim tôi đập mạnh. Liệu tốc độ 1/60 có đủ nhanh không? Quên nó đi. Chụp ảnh. Tôi chụp được 3 tấm và khoảnh khắc biến mất.

Tôi gói những chiếc máy ảnh trong một chiếc khăn ẩm, để vào ba lô và canh chừng chúng như gà mái mẹ. Tôi bay khỏi vùng chiến sự trên một chiếc trực thăng đầy túi xác. Chiến tranh thật tệ hại.

* Ông bị thương sau đó một tuần. Khi hồi phục, ông có tiếp tục làm việc ở Việt Nam?

- Trong ngày 5/5/1968, khi đang chụp ảnh cho tạp chí Life, tôi đã bị bắn vào mặt, do đạn của một nhiếp ảnh gia khác bay tới. Sau khi điều trị và ra viện, tôi thử chụp ảnh lại, nhưng tay tôi rung quá tệ. Tôi biết đã tới lúc để ra về. Life trả chi phí điều trị và mua vé cho tôi về nhà.

Tường Linh (Theo Time)
Thể thao & Văn hóa

Biểu trưng cho sự tuyệt vọng của lính Mỹ

Bức ảnh của Arthur Greenspon có tiêu đề “Số 13", chỉ thứ tự của nó trong hàng trăm bức ảnh mà Greenspon chụp ngày hôm đó tại cuộc chiến dữ dội.

Mặc dù ảnh chỉ mô tả một người lính giơ tay lên trời hướng dẫn trực thăng y tế hạ cánh an toàn, nó lại mang tính biểu trưng về sự tuyệt vọng khi đặt trong bối cảnh lớn hơn của cuộc can thiệp do Mỹ tiến hành nhằm vào Việt Nam, cũng như những chia rẽ chính trị, văn hóa mà cuộc chiến gây ra tại quê nhà. Tư thế của người lính còn phản ánh tâm trạng thất vọng và rối bời của công chúng Mỹ (và có vẻ như của thế giới) về cuộc tàn sát diễn ra trong chiến tranh Việt Nam. Bức ảnh này từng được tái hiện trong phim Platoon của đạo diễn Oliver Stone.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast