Nhớ hương vị bánh ong ngày Tết

Trong cái không khí hối hả của ngày tết đang tràn ngập khắp mọi nơi, có lẽ trong những ngày này dù ở đâu, làm gì trong mỗi chúng ta đều nhớ về quê hương với những cái tết đầm ấm bên gia đình...

Tôi đã xa quê gần chục năm trời, chưa có dịp về thăm quê nhưng vẫn không thể nào quên được cái tết ấm cúng nơi quê nhà. Nỗi nhớ về ngày tết trong tôi không chỉ có trong cái không khí êm đềm, chân chất mộc mạc của làng quê, không chỉ là được sự đoàn viên, sum họp trong gia đình bên mâm cơm tất niên, đêm giao thừa.. .mà còn là dịp để tôi thưởng thức những món ăn đặc trưng, dân dã, bình dị mà chỉ ở được trong dịp tết nơi quê nhà. Tôi thích nhiều món ăn ngày tết nhưng món bánh ong luôn là món được tôi yêu thích nhất bởi sự hấp dẫn khó tả của nó.

Gạo nếp là nguyên liệu chính để chế biến bánh ong
Gạo nếp là nguyên liệu chính để chế biến bánh ong

Tôi đã được đón tết ở nhiều vùng quê khác nhau, được thưởng thức nhiều món ăn độc đáo ngày tết nhưng vẫn không thấy nơi đâu có được món ăn độc đáo như món bánh ong ở Nghệ An quê tôi. Không biết món ăn đó có từ bao giờ, ai đã sáng tạo ra nó chỉ biết rằng món ăn đó vẫn còn tồn tại cho đến hôm nay, đặc biệt vào mỗi dịp tết món ăn đó đựoc làm phổ biến ở mỗi gia đình.

Ở quê tôi trong những ngày này, cùng với sự hối hả, tất bật để chuẩn bị các vật phẩm cho một cái tết thật đầy đủ thì người dân không quên chuẩn bị nguyên liệu để chế biến bánh ong. Món bánh ong được người dân quê tôi làm vào đầu tháng chạp nhưng phổ biến từ 23 tháng chạp cho tới trước thời điểm giao thừa. Thông thường cứ vào đầu tháng chạp là người dân quê tôi đã chuẩn bị gạo nếp, mât mía (mật nước), gừng, lạc... là những nguyên liệu chính để làm nên món bánh ong đặc trưng.

Món bánh ong hầu như ai cũng làm được nhưng để có được món bánh ong ngon, màu sắc bắt mắt và mọi người yêu thích thì không hề đơn giản. Làm bánh ong đòi hởi sự kinh nghiệm, khéo léo và đôi tay chắc khoẻ. Thường thì làm bánh ong ít nhất cần có 2 người. Trước tiên phải chuẩn bị nguyên liệu gồm: gạo nếp rang nghiền thành bột, mật mía nước, thường thì bánh ong được làm theo tỉ lệ, 1kg bột với 2 chai mật mía, gừng thái chỉ cắt ngắn, lạc rang. Tiếp đến là đổ mật vào nấu sôi tới khi nào lấy đũa nhúng vào và giơ lên thấy mật không còn nhỏ thành giọt chảy xuống thì giảm nhỏ lửa; một người cho gừng, lạc vào, một người dùng đũa khuấy đều, rồi tiếp tục đổ từ từ từng ít bột gạo nếp vào rồi đánh mạnh, đều tay cho tới khi các nguyên liệu quyện vào nhau đặc quánh, có mùi thơm đặc trung của bánh ong thì nhắc nồi xuống, dùng thìa múc ra đổ vào khuân gỗ hình vuông, chờ cho bánh nguội là có thể dùng được.

Món bánh ong ngon phải có màu nâu nhạt, có mùi thơm đặc trưng của gừng, của lạc, vị ngọt đậm đà của mật mía… Món bánh ong chỉ đơn giản vậy thôi nhưng nó đã phổ biến ở quê tôi từ bao đời nay vào mỗi dịp tết và là một món ăn làm phong phú thêm hương vị tết cổ truyền ở quê tôi.

Món bánh ong được dùng để thắp hương trên bàn thờ ngày tết, tiếp đãi bạn bè trong dịp tết… đặc biệt món bánh ong có thể để được rất lâu, tới hàng tháng trời vì vậy có thể làm quà biếu cho người thân ở xa. Ngày tết với nhiều thúc ăn dầu mỡ thì món bánh ong được xem là món đặc biệt hấp dẫn với người dân quê tôi. Ăn bánh ong và thưởng thức bát nước chè xanh đậm đà thì không gì sung sướng cho bằng.

Với tôi, không thể quên được cái không khí ngày tết lạnh giá của mùa đông, ngồi quây quần bên gia đình trò chuyện, thưởng thức những lát bánh ong màu nâu đậm đà bên bếp lửa hồng, cảm giác đó thật đầm ấm và khó quên đối với tôi.

Tuy ngày nay đời sống ở quê tôi được nâng cao, kinh tế ổn định cùng với sự phong phú của nhiều loại bánh, người dân có điều kiện để thưởng thức nhiều loại bánh khác nhau nhưng món bánh ong không vì thế mà không được xem trọng. Vào mỗi dịp tết món bánh ong đặc biệt hấp dẫn này vẫn không thể thiếu ở mỗi gia đình.

102, Hùng Vương, Tam Kỳ, Quảng Nam

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast