Những giá trị văn hóa nội sinh của cư dân Bãi Cọi

Nghi Xuân là một vùng đất địa linh nhân kiệt, non nước, sơn thủy hữu tình với những danh lam, thắng cảnh đã được tạo hóa ban tặng gắn liền với nhiều tên tuổi danh nhân hiền tài đã từng làm rạng danh quê hương, đất nước, lẫy lừng năm châu bốn bể. Đặc biệt, Nghi Xuân là một miền quê đang ẩn chứa trầm tích một kho tàng văn hóa vật thể và phi vật thể vô giá. Trong đó, Di tích khảo cổ học Bãi Cọi là một trong những địa chỉ văn hóa cổ được tích tụ bằng trí lực sáng tạo từ những lớp tiền nhân sơ sử để lại cho thế hệ hôm nay và mai sau thật đáng trân trọng, tự hào.

Các chuyên gia Hàn quốc và Bảo tàng Lịch sử VN tìm được khá nhiều di vật tùy táng tại các điểm khai quật

Các chuyên gia Hàn quốc và Bảo tàng Lịch sử VN tìm được khá nhiều di vật tùy táng tại các điểm khai quật

1. Bãi Cọi - Đất và người

Bãi Cọi thuộc địa phận xã Xuân Viên là một dải đất gồm những cồn cát vàng mịn nằm dọc giữa hai sườn núi Trùa thuộc hướng Đông Nam (Cư dân bản địa thường gọi là Rú Trùa) và Rú Lần (thuộc điểm đầu của dãy núi Hồng Lĩnh) kéo dài theo hướng Đông - Tây khoảng hơn 1km và rộng khoảng gần 1000m. Suốt thời gian dài hàng ngàn năm chưa được đề cập trong văn liệu khảo cổ của nước nhà nhưng nhiều năm qua, ngành khảo cổ đã tiến hành triển khai nhiều đợt thám sát, khai quật làm phát lộ một nền văn minh văn hóa khá rực rỡ.

Từ trung tâm địa bàn xã Xuân Viên quét một vòng tròn khép kín bao quanh các địa bàn phụ cận với khẩu độ bán kính khoảng chừng 3km, khu di chỉ khảo cổ học Phối Phối - Bãi Cọi là điểm nhấn kết hợp với bến sông Giang Đình (thị trấn Nghi Xuân), Khu di tích văn hóa đặc biệt của Đại thi hào Nguyễn Du, khu di tích làng Uy Viễn Tướng Công Nguyễn Công Trứ cùng làng Ca trù Cổ Đạm và khu danh thắng bãi tắm Xuân Thành đã tạo nên một vùng đất văn hóa truyền thống, giàu địa linh nhân kiệt gắn chặt với đời sống của các cộng đồng cư dân phía cực Bắc Hà Tĩnh từ ngàn đời nay. Đặc biệt, vùng đất văn vật Nghi Xuân hướng mặt ra cảng biển Cửa Hội với những yếu tố thiên thời địa lợi, sơn, thủy hữu tình đã tạo nên một không gian kỳ vĩ, mang trong mình những lớp trầm tích văn hóa vật thể và phi vật thể được hình thành từ ngàn xưa đến nay đã bắt đầu được phát lộ.

Cộng đồng cư dân của các miệt làng khu vực cửa Hội là những người nông dân thuần phác, cần cù, chịu thương, chịu khó, từ bao đời nay gắn chặt với nghề trồng trọt và nghề chài lưới. Riêng cư dân vùng Xuân Viên ngày nay vẫn đang chủ yếu sống bằng nghề trồng trọt thuần túy. Chính đặc điểm đời sống, văn hóa, làng nghề cư dân vùng bãi cọi và các vùng đệm lân cận ngày nay vẫn đang phản phất một mối liên hệ rất gần gũi với các tầng văn hóa trầm tích trong lòng đất khu di chỉ khảo cổ Phôi Phối - Bãi Cọi.

Điểm khai quật tại Bãi Lòi

Điểm khai quật tại Bãi Lòi

2. Những giá trị văn hóa trầm tích

Di tích khảo cổ học Phôi Phối - Bãi Cọi được phát hiện vào khoảng năm 1974 và năm 1976. Khoa Lịch sử, thuộc Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội đã tổ chức khai quật lần 1 và có kết luận về niên đại thuộc Hậu kỳ đá mới. Đến cuối năm 2008, Viện Bảo tàng lịch sử Việt Nam phối hợp với Sở VH-TT-DL Hà Tĩnh tổ chức khai quật lần thứ 2 và đã có những phát hiện mới về sự giao thoa giữa nền văn hóa Đông Sơn - Sa Huỳnh, hai nền văn hóa cổ nổi tiếng của nước ta.

Di chỉ khảo cổ học Phôi Phối - Bãi Cọi thuộc địa phận xã Xuân Viên, huyện Nghi Xuân là một khu nghĩa địa mộ táng của người sơ sử vùng Nghi Xuân - Hà Tĩnh với nhiều tầng văn hóa cổ trầm tích trong lòng đất có niên đại cách nay ước khoảng 2.000 - 2.500 năm TCN. Đặc biệt, những di tích mộ táng và đồ tùy táng được các nhà khảo cổ học trong nước và quốc tế phát lộ tại khu di chỉ khảo cổ Phôi Phối -Bãi Cọi là một kho báu vô cùng quý giá, mặc dù chưa được định danh cụ thể nhưng phần nào đã khẳng định sự phát triển rực rỡ thành tựu văn minh văn hóa của các cộng đồng cư dân người Hà Tĩnh cổ xưa từ thời đại đồ đá, đồ đồng, đồ sắt và đồ gốm mà nay vẫn còn nguyên giá trị.

Đặc biệt, vừa qua, Viện Bảo tàng lịch sử Việt Nam và Bảo tàng quốc gia Hàn Quốc tiếp tục phối hợp với Sở VHTT-DL Hà Tĩnh tiến hành thêm nhiều điểm khai quật tại khu di chỉ khảo cổ học Phôi Phối - Bãi Cọi với nhiều di tích mộ táng và đồ tùy táng được phát lộ.

Đợt khai quật lần thứ 3 di tích Bãi Cọi đã góp phần giúp các nhà khoa học củng cố thêm tư liệu, mở rộng nghiên cứu khảo cổ làm sáng tỏ những điều bí ấn về giá trị văn hóa nội sinh của cư dân cổ xứ cực Bắc Hà Tĩnh có liên quan mật thiệt với các nền văn hóa Đông Sơn và văn hóa Sa Huỳnh. Đây là cơ sở để chúng ta xác định rõ hơn diện phân bố và tính chất văn hóa của di tích này, đồng thời đây cũng là đợt khai quật tiếp nối dự án hợp tác nghiên cứu dài hạn 2009-2013 giữa Bảo tàng Lịch sử Quốc gia và Bảo tàng Quốc gia Hàn Quốc về di chỉ khảo cổ học Phôi phối - Phối Bãi Cọi của Hà Tĩnh

Trên cơ sở thực địa được thám sát, các chuyên gia khảo cổ Việt Nam và Hàn Quốc đã mở 4 hố khai quật (gồm 1 hố tại Bãi Cọi và 3 hố tại Bãi Lòi) với tổng diện tích khai quật rộng 107,25m2 . Kết quả cho thấy diễn biến địa tầng các hố đào tương đối đồng nhất với sâu từ 0,7m đến 1,4m. Theo đó, các chuyên gia đã phát hiện 16 mộ táng cổ, trong đó có 9 mộ chum, 2 mộ nồi, 1 mộ bình, 1 mộ bình - nồi, 3 mộ huyệt đất. Trong đó, hố khai quật tại Bãi Cọi có 3 mộ chum (2 mộ chôn theo chiều đứng, 1 mộ chôn nằm ngang); 1 mộ nồi; 1 mộ bình. Hố khai quật tại Bãi Lòi có 11 mộ, gồm: 1 mộ nồi ở hố Tây Bắc, 1 mộ chum ở hố Đông Nam; 2 mộ huyệt đất, có thể được chôn song táng; 5 mộ chum, 1 mộ bình nồi và 1 mộ huyệt đất.

Các mộ táng chum được phát lộ tại khu vực Bãi Lòi

Các mộ táng chum được phát lộ tại khu vực Bãi Lòi

3. Nguồn gốc nội sinh của văn hóa Bãi Cọi

Trong số 16 mộ cổ được phát hiện tại các khu vực Bãi Cọi và Bãi Lòi (thuộc khu di chỉ khảo cổ học Phôi Phối - Bãi Cọi) mang nhiều nét văn hóa đặc trưng khá điển hình về táng thức mộ cổ của cư dân Bãi Cọi. Các mộ chum của đợt khai quật này, chỉ trừ mộ chum 2 tại Bãi Cọi chôn nằm ngang, các chum khác đều được chôn đứng, 3/9 chum thấy nắp hình nón cụt. Mộ chum 4 của hố 3 ở Bãi Lòi có hiện tượng người xưa mở cửa mộ về hướng tây ở ngang thân chum, mộ chum 7 cùng hố này thấy hiện tượng đặt gốm tùy táng ở đáy ngoài chum chứ không đặt trên vai chum như nhiều chum khác. Nhiều mộ chum có hiện tượng kè gốm. Trong nhiều chum còn dấu tích của di cốt nhưng đều đã bị mủn nát.

Đặc biệt, rất nhiều di vật tùy táng được phát lộ với đủ các chất liệu: đồ đá, đồ sắt, đồ đồng, đồ gốm. Trong đó, ở nhóm đồ đá: đốc rìu tại hố khai quật ở Bãi Cọi (đốc rìu có thể thuộc văn hóa trước đó - văn hóa Quỳnh Văn), khuyên tai hình vành khăn được phát hiện trong mộ số 2 tại hố 2 Bãi Lòi, 1 hiện vật đá chưa rõ loại hình; nhóm di vật đồ sắt: 1 lao, 1 cuốc chữ U và một hiện vật sắt chưa xác định loại hình do bị hoen gỉ. 3 di vật này đều tìm thấy tại mộ 2 hố 2 Bãi Lòi; nhóm đồ đồng được tìm thấy gồm 1 vòng tay tại mộ 1 hố 2 Bãi Lòi; 1 rìu hình chữ nhật phát hiện tại mộ 2 hố 2 Bãi Lòi; 2 rìu xòe cân phát hiện tại mộ 4 hố 3 và mộ 5 hố 3 Bãi Lòi, 1 mũi tên đồng hình lá phát hiện tại mộ chum 1 hố 3 Bãi Lòi, 4 khuyên tai (2 ở mộ 1 hố 2, 2 ở mộ 5 hố 3 Bãi Lòi). Riêng nhóm đồ gốm: ngoài các loại chum, vò, nồi, bình táng và một số loại hình tùy táng như nồi, bình, bát bồng, bát, chõ, nắp, chén, chì lưới, dọi se chỉ v.v… Ngoài ra có một số hiện vật hình tròn nhỏ giống như khuyên tai được phát lộ tại mộ huyệt đất hố 2, hố 3 Bãi Lòi, nhưng chưa xác định được chất liệu.

So với 2 đợt khai quật trước, diện tích khai quật đợt này nhỏ hơn nhưng các di tích mộ táng phát hiện được lại nhiều hơn. Nếu trong đợt khai quật lần 1 (năm 2008) số lượng mộ đất chiếm ưu thế thì trong đợt này số lượng mộ chum lại chiếm ưu thế 9/16 di tích mộ táng. 3/9 chum có nắp nón cụt, các chum khác có nắp là nồi, bát, hoặc người Bãi Cọi dùng một chiếc chum khác được ghè miệng úp lên. Với việc phát hiện nhiều loại chum táng cùng với loại nắp nón cụt xuất hiện ngày càng nhiều qua các đợt khai quật tại di tích Bãi Cọi đã phản ánh rõ hơn tính chất Sa Huỳnh của di tích này.

Theo đó, loại hình mộ đất tìm thấy trong lần khai quật này cũng cho thấy sự tương đồng với các đợt khai quật trước, chúng được chôn xen kẽ với mộ chum thể hiện sự đa dạng trong táng thức của cư dân Bãi Cọi. Sự xuất hiện của các loại hình di vật mới như vòng tay đồng, rìu đồng, khuyên tai đồng (mang phong cách Đông Sơn), lao sắt, các loại hình gốm vai gãy (mang phong cách Sa Huỳnh) và cả chì lưới - di vật tùy táng liên quan đến nghề đánh bắt khai thác hải sản đã cho thấy sự phong phú, đa dạng phản ảnh rõ nét giá trị nguồn gốc văn hóa nội sinh của cư dân Việt cổ vùng non nước Hồng Lam.

Nhóm mộ chum được phát lộ tại khu vực bãi Cọi

Nhóm mộ chum được phát lộ tại khu vực bãi Cọi

4. Sự giao thoa giữa các nền văn hóa

Mặc dù rất bộn bề với công tác nghiên cứu khoa học, đặc biệt, hiện nay ông đang tập trung cho công trình nghiên cứu về văn hóa thành cổ loa Hà Nội nhưng Giáo sư, Viện sĩ Phan Huy Lê vẫn dành cho chúng tôi một cuộc trao đổi về các nền văn hóa Việt cổ thật thú vị. "Nền văn hóa Sa Huỳnh là một trong ba cái nôi cổ xưa về văn minh trên lãnh thổ Việt Nam, cùng với Văn hóa Đông Sơn, Văn hóa Óc Eo, tạo thành tam giác văn hóa của Việt Nam và những phát hiện mới đây tại khu Di chỉ khảo cổ học Bãi Cọi sẽ góp phần làm sáng tổ thêm giá trị nền văn minh văn hóa của nước nhà nói chung và quê hương Hà Tĩnh nói riêng", theo Giáo sư Phan Huy Lê.

Theo văn liệu khảo cổ Việt Nam, Văn hóa Sa Huỳnh là một nền văn hóa được xác định ở vào khoảng năm 1000 TCN đến cuối thế kỷ thứ 2. Sa Huỳnh (Sa Huỳnh môn) vốn là tên gọi một cửa biển thuộc địa phận các xã Phổ Thạnh, Phổ Khánh và Phổ Châu, huyện Đức Phổ, phía cực Nam tỉnh Quảng Ngãi. Cư dân cổ thuộc văn hóa Sa Huỳnh có nguồn gốc từ nền văn minh lúa nước đã được định cư chủ yếu dọc hai bên vùng đất thấp thuộc các con sông dọc bờ biển miền Trung Việt Nam và chính những di vật phát lộ tại khu di chỉ Bãi Cọi có những nét tương đồng liên quan tới yếu tố văn hóa Sa Huỳnh từ loại hình chất liệu và dạng thức mộ táng. Thêm một nét tương đồng thứ hai đó là, trong các di chỉ mộ táng, phổ biến là mộ chum, trong chum chứa nhiều đồ trang sức bằng đồng, đá quý, thủy tinh, đặc biệt là loại khuyên tai ba mấu nhọn và khuyên tai hai đầu thú.

Cùng với Giáo sư Phan Huy Lê, chúng tôi cũng đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Khảo cổ học Võ Văn Tuyển về văn hóa Đông Sơn, theo ông: "Văn hóa Đông Sơn là một nền văn hóa cổ từng tồn tại ở một số tỉnh miền Bắc Việt Nam, Bắc Trung bộ Việt Nam và Hà Tĩnh. Nền văn hóa này được đặt tên theo địa phương nơi các dấu tích đầu tiên của nó được phát hiện, gần sông Mã, Thanh Hóa vào năm 1934 và đã được định danh là một nền văn hóa rực rỡ thuộc thời đại kim khí cách đây 2000-3000 năm. Tiêu biểu trong đó là trống đồng, gần như là tuyệt đỉnh của nghệ thuật đúc đồng với kỹ thuật phát triển đạt tới đỉnh cao của thế giới cổ đại mà cho đến nay khiến cả thế giới phải khâm phục. Chính Văn hóa Đông Sơn có mối liên hệ mật thiết với các nền văn hóa phát triển cùng thời ven biển Đông như văn hóa Sa Huỳnh. Cũng trên cơ sở đặc điểm dạng thức mộ táng và di vật tùy táng cổ được phát lộ tại Bãi Cọi cho thấy di chỉ khảo cổ Phối Phối - Bãi Cọi (Hà Tĩnh) không những có sự tương đồng liên quan mật thiết với văn hóa Đông Sơn, văn hóa Sa Huỳnh mà còn minh chứng về sự tương đồng văn hóa giữa các quốc gia Châu Á".

Báo cáo sơ bộ kết quả khai quật đợt 3 khu di chỉ khảo cổ Phôi Phối - Bãi Cọi

Báo cáo sơ bộ kết quả khai quật đợt 3 khu di chỉ khảo cổ Phôi Phối - Bãi Cọi

Sau gần một tháng trực tiếp khai quật tại hiện trường, ông Hong Jin Geun, chuyên viên Bảo tàng quốc gia Hàn Quốc rất hài lòng với những kết quả được phát hiện. Và theo ông, các mộ đất, mộ chum, các kiểu dạng táng thức, các loại hình di vật tùy táng được phát lộ tại khu di chỉ Bãi Cọi cũng có ở Hàn Quốc. Từ những phát hiện đó chúng tôi tập hợp thành tài liệu để nghiên cứu một cách tổng thể nền văn hóa của cùng thời kỳ giữa các quốc gia Châu Á.

Trao đổi với chúng tôi tại hiện trường, ông Nguyễn Mạnh Thắng, Phó trưởng Phòng nghiên cứu sưu tầm, Bảo tàng lịch sử Quốc gia Việt Nam, Trưởng nhóm chuyên gia khai quật tạm thời có nhân xét sơ bộ: Trong đợt khai quật lần thứ ba tại di chỉ Phối Phối - Bãi Cọi, các cổ vật được phát hiện đã khẳng định rõ tính chất nền văn hóa Sa Huỳnh có giao lưu ảnh hưởng nền văn hóa Đông Sơn và hội tụ một số nền văn hóa khác. Đặc biệt, các di tích mộ táng và những đồi tuy táng của người Việt cổ tại khu di chỉ Phôi Phối - Bãi Cọi hội tụ những yếu tố văn hóa chủ đạo của cư dân Sa Huỳnh (với truyền thống gốm màu nâu đỏ, xương gốm thô, pha nhiều cát, hoa văn khắc vạch in khá đặc sắc...), có sự giao lưu với văn minh Đông Sơn và phảng phất yếu tố Hán.

Mặc dù kết quả khai quật vừa qua đã mở ra một góc nhìn hoàn toàn mới, nhưng di tích Bãi Cọi vẫn đang chỉ là khu di chỉ khảo cổ học chưa đủ cơ sở định danh đặc trưng loại hình văn hóa cổ riêng biệt. Tuy nhiên, đa số các chuyên gia đều tán đồng khẳng định Bãi Cọi là “vùng giao thoa” giữa văn hóa Đông Sơn và Sa Huỳnh, hoặc có thể nói đây là điểm cực Bắc của văn hóa Sa Huỳnh và cũng là cực Nam của Đông Sơn. Đặc biệt, di vật chì lưới là một trong những di vật tùy táng rất gần gũi mật thiết với đời sống của cư dân vùng sông nước xứ Lam Thủy Hồng Sơn xưa và nay.

Cũng trên cơ sở kết quả đã được phát hiện qua các đợt khai quật tại khu di chỉ Phôi Phối - Bãi Cọi là điểm tựa cho các nhà khảo cổ học tiếp tục thám sát, điền giả, nghiên cứu xác định khu cư trú và các tập tục tín ngưỡng của cư dân Phối Phối - Bãi Cọi để so sánh chung với các nền văn hóa cổ đại có niên đại tương đồng trong khu vực.

Đặc biệt, với những di vật mộ cổ và đồ tùy táng được phát lộ tại khu vực Bãi Cọi càng cho thấy vị trí, tầm quan trọng của di tích này trong việc tìm hiểu, nghiên cứu về văn hóa Sa Huỳnh và văn hóa Đông Sơn trong thời Sơ sử ở nước ta.

Ông Võ Hồng Hải, Giám đốc Sở VH-TT-DL Hà Tĩnh cho biết thêm, hiện nay, Sở đang tiến hành lập hồ sơ đề nghị Bộ VH-TT-DL công nhận Bãi Cọi là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Hy vọng, sau đợt khai quật lần này, các nhà khảo cổ học sẽ có đánh giá về di chỉ Phối Phối - Bãi Cọi, góp thêm tư liệu để Nhà nước công nhận di chỉ Phối Phối - Bãi Cọi trở thành di tích quốc gia.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast