Nốt lặng giữa niềm vui

(Baohatinh.vn) - Tôi xin được phép gọi cố Giáo sư Ninh Viết Giao (SN 1933, mất ngày 6/3/2014) là thầy, bởi không dưới một lần, tôi đã được nghe Giáo sư thỉnh giảng tại Trường Đại học Vinh, hay vài ba lần gặp gỡ trong những buổi hội thảo. Chừng bấy nhiêu thôi cũng đủ để tôi trân trọng gọi cố Giáo sư bằng tiếng thầy thân thương.

Khi niềm vui đã vỡ òa, niềm hy vọng bấy lâu đã được toại nguyện, khi tất cả mọi thông tin đã chắc như đinh đóng cột, rằng, dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, một mình tôi đến gõ cửa căn hộ số 223, khu nhà tầng C3 Quang Trung (TP Vinh) – nơi gắn bó và chất chứa nhiều kỷ niệm của cố Giáo sư Ninh Viết Giao – một người có công rất lớn trong việc phát huy, giữ gìn di sản Nghệ Tĩnh, trong đó có dân ca ví, giặm.

Chiều đầu đông, mưa rả rích, căn hộ im lìm, vắng lặng đến nao người. Cái hòm thư cũ kỹ không khóa nằm lặng lẽ ngay sát cửa. Vẫn mang trên mình trọng trách vốn có, nhưng có lẽ lâu lắm rồi, cái hòm thư ấy thiếu vắng bàn tay của người chủ có mái đầu bạc phơ, phúc hậu.

PGS Ninh Viết Giao và nhà văn Ngô Thảo. Nguồn: nhavantphcm.com.vn

PGS Ninh Viết Giao và nhà văn Ngô Thảo. Nguồn: nhavantphcm.com.vn

Đã có rất nhiều bài báo viết về ông, nhiều công trình nghiên cứu về những đóng góp của ông đối với di sản Nghệ Tĩnh nói chung và văn hóa Xứ Nghệ nói riêng. Riêng với tôi, ông là một “công dân nhà tầng” vô cùng đáng kính, nhưng lại hết sức giản dị như chính trong ký ức của bác giữ xe ở tầng hầm khi nghe tôi hỏi: “Cụ Giao à? Cụ ấy như ông Bụt giữa đời thường này vậy!”.

Bất cứ người yêu dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh nào cũng đều biết đến công lao của cố Giáo sư Ninh Viết Giao. Hai công trình nghiên cứu “Hát phường vải” và “Hát giặm Nghệ Tĩnh” ra đời liên tiếp trong 2 năm 1961 và 1962 (trong đó, “Hát giặm Nghệ Tĩnh” được viết chung với Nguyễn Đổng Chi) đã mang lại cho dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh một bước tiến quan trọng để đến với thế giới. Nhiều năm liền nghiên cứu, dành tâm huyết và cũng trong rất nhiều năm, bước chân của ông đã ghi dấu khắp những miền quê được coi là cái nôi của dân ca ví, giặm ở 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, gặp những cụ già để được nghe họ trò chuyện, rồi từ đó viết nên những công trình nghiên cứu giá trị, nhưng trong thâm tâm ông, nỗi buồn về sự kế thừa vẫn mãi đeo bám.

Tôi còn nhớ đã đọc được một bài phỏng vấn Giáo sư vào năm 2006, khi được phóng viên đặt câu hỏi: “Có nhiều sinh viên đi theo con đường của ông không?”, ông trả lời rằng: “Cũng được 5, 6 người chi đó, nhưng với tâm huyết vừa phải!”. Rồi ông lại đau đáu: “Người già thì chết đi, lớp trẻ thì không còn nhớ, trong dân gian thì nhà cửa sắt thép mọc lên, chẳng còn gì mà sưu tầm. Mỗi ngày của chúng ta đang sống bằng 20 năm của chế độ xưa. Nó đẩy lùi quá khứ rất nhanh. Nếu chúng ta không chú ý thì đến lúc chẳng còn bản sắc văn hóa dân tộc để bảo tồn”.

Và rồi, những đau đáu đó cứ theo ông đi mãi, đi mãi về nơi xa xăm. Cho đến tận bây giờ, nỗi niềm của ông vẫn đeo đuổi lớp thế hệ ít ỏi đang kế tục, phát huy những giá trị văn hóa phi vật thể là dân ca ví, giặm nói riêng và văn hóa Xứ Nghệ nói chung mà ông đã từng kỳ công nghiên cứu. Dường như, cho đến lúc này đây, câu trả lời đã được khơi sáng phần nào khi dân ca ví, giặm đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Rồi sẽ có nhiều dự án công phu để bảo tồn và phát triển, rồi những đứa trẻ thành phố vốn xa lạ với con trâu, ngọn cỏ, với tiếng bà ru à ơi mỗi buổi trưa hè... vẫn có thể hát được những làn điệu dân ca ví, giặm như Giáo sư Ninh Viết Giao đã viết: “đứng gần nghe như nhắn nhủ, như nỉ non, tâm sự, đứng xa nghe man mác, bâng khuâng…”.

Tôi muốn lấy câu nói này để gắn vào tâm trạng của mình lúc rời bước khỏi căn gác nhỏ có gắn số 223 bằng mảnh giấy đề can màu xanh dương, căn gác vẫn im lìm, lặng lẽ, vắng hơi người như cái cây xương rồng ngoài ban công bụi phủ mờ, trông tội nghiệp. Dăm cuốn sách cũ cùng những tạp chí, sách biếu được người nhà đặt trong chiếc hòm lớn để ngoài ban công. Tôi tìm thấy bút tích của ông trên những cuốn sách. Chúng cũ kỹ như chính dấu mực mờ mờ ghi năm tháng. Tôi nhẩm tính, vậy là chúng đã ở cùng với giáo sư gần 40 năm trời, giờ này, người đã xa xăm thì những cuốn sách cũ cũng gợi lên một niềm cô đơn khó tả.

Thanh Hóa là nơi yên nghỉ, nhưng như một lẽ hiển nhiên không thể chối bỏ, miền núi Hồng - sông Lam, nơi gắn bó đến từng bước chân, từng hơi thở vẫn luôn là miền khắc khoải tìm về của ông – cố Giáo sư Ninh Viết Giao.

Tôi đặt trước cánh cổng im lìm của căn gác nhỏ những bông hoa cúc trắng và nghĩ về miền ví, giặm yêu thương của chính mình, nghĩ về những lời chúc tụng, những bó hoa rực rỡ, những trang báo ngợi ca và chia sẻ niềm vui. Một nỗi bùi ngùi khó tả dâng lên. Nhưng rồi, tôi chợt thanh thản đến lạ bởi tôi biết, ở nơi xa xăm đó, cố Giáo sư cũng đang mỉm cười toại nguyện với niềm vui chung – niềm vui dân ca ví, giặm trở thành di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, bởi những cống hiến và tâm nguyện của ông cuối cùng cũng đã kết thành trái ngọt.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast