Nuôi dưỡng đam mê

(Baohatinh.vn) - Các CLB dân ca Ví, Giặm ở Hà Tĩnh lâu nay được nuôi dưỡng bằng chính niềm đam mê cháy bỏng của những nghệ nhân dân gian, những người dân lao động chân chất. Đây chính là mạch nguồn duy trì sức sống bền bỉ cho dân ca Ví, Giặm. Bởi vậy, cùng với chính quyền địa phương, nhân dân đang thành lập nhiều CLB dân ca nhằm góp phần bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể này.

Từ niềm đam mê cháy bỏng của nghệ nhân

Không biết chính xác dân ca Ví, Giặm có từ bao giờ, chỉ biết rằng, điệu hát này xuất phát từ sinh hoạt cộng đồng của người dân vùng Nghệ An, Hà Tĩnh. Chính vì xuất phát trong quá trình lao động và sinh hoạt cho nên sức sống, sức lan truyền của dân ca Ví, Giặm trong cộng đồng vô cùng mạnh mẽ. Nó xuất hiện ở mọi lúc, mọi nơi, không kể thời gian, không gian, không kể ngày tháng và gắn liền với phương ngữ của người dân Xứ Nghệ.

Một buổi sinh hoạt định kỳ của CLB ca trù Nguyễn Công Trứ (Nghi Xuân). Ảnh tư liệu

Một buổi sinh hoạt định kỳ của CLB ca trù Nguyễn Công Trứ (Nghi Xuân). Ảnh tư liệu

Có thể nói, dân ca Ví, Giặm là “hồn cốt” của người dân Xứ Nghệ. Và người lưu giữ “hồn cốt” ấy chính là những nghệ nhân dân gian. Họ là những con người đang âm thầm khơi mạch nguồn Ví, Giặm sâu lắng, ngọt ngào, để nó chảy mãi trong đời sống hàng ngày. Đó là những cụ ông, cụ bà mái đầu bạc trắng vẫn ngày đêm truyền dạy cho con cháu những lời ca cổ, “truyền lửa” dân ca cho lớp trẻ hôm nay.

Nghệ nhân Trần Khánh Cẩm (ở Kỳ Bắc, Kỳ Anh) gần 80 tuổi, tóc đã bạc phơ, chân đã mỏi nhưng ngày ngày mặc mưa gió, trên chiếc xe đạp cà tàng lạch cạch gần trăm cây số từ miền biển đến vùng núi để sưu tầm những câu ca, lời hát cổ nhằm thỏa nỗi lòng yêu thích những làn điệu dân ca. Hay như vợ chồng nghệ nhân Vũ Thị Thanh Minh và Phạm Thế Nhuần (Cẩm Mỹ, Cẩm Xuyên), để thỏa niềm đam mê dân ca Ví, Giặm, đã tự bỏ tiền túi thuê trang phục, đạo cụ; nghệ nhân Thanh Minh ở phường Tân Giang (TP Hà Tĩnh), Trần Thị Lý, Nguyễn Thị Hà (Trường Lộc - Can Lộc), hàng chục năm chung tình với lời ca Ví, Giặm... Họ tìm được niềm vui, hạnh phúc và niềm tự hào trong từng câu hát, trong công việc đòi hỏi niềm đam mê này.

Bên cạnh đóng góp to lớn của những nghệ nhân dân gian, các hạt nhân văn hóa, văn nghệ tiêu biểu ở khắp các địa phương chính là những người góp phần phát huy và bảo tồn loại hình nghệ thuật dân gian này. Anh Nguyễn Công Trình - Chủ nhiệm CLB Dân ca Thịnh Lộc (Lộc Hà) chia sẻ: “CLB Dân ca Thịnh Lộc ra đời tự phát nhằm thỏa mãn niềm say mê ca hát của những hạt nhân văn hóa, văn nghệ ở địa phương. Niềm say mê này một khi đã ngấm vào da thịt thì không thể dứt ra được”. Cũng từ niềm đam mê ấy mà cả gia đình anh Nguyễn Công Trình gồm: chồng, vợ và 2 con đều tham gia sinh hoạt CLB.

Đến sự quan tâm của chính quyền địa phương

Theo thống kê của Sở VH-TT&DL, Hà Tĩnh hiện có trên 70 CLB dân ca, trải đều khắp 12 huyện, thị, thành phố. Trong đó có 40 CLB dân ca Ví, Giặm hoạt động hiệu quả. Có thể kể tên những CLB tiêu biểu như: phường nón Tiên Điền, Cương Gián (Nghi Xuân); phường nón Phù Việt (Thạch Hà); phường Tân Giang (TP Hà Tĩnh); Kỳ Thư, Kỳ Bắc (Kỳ Anh); Cẩm Nhượng, Cẩm Mỹ (Cẩm Xuyên); Thạch Châu, Thịnh Lộc (Lộc Hà); Tùng Ảnh, thị trấn Đức Thọ; Trường Lưu, thị trấn Nghèn (Can Lộc); Nam Hồng, Trung Lương (TX Hồng Lĩnh); Đức Bồng (Vũ Quang), thị trấn Hương Khê, thị trấn Phố Châu (Hương Sơn)... Đáng mừng là có một CLB Ví, Giặm ở Trường THPT Nguyễn Du (Nghi Xuân) mới ra đời nhưng thu hút rất nhiều học sinh và giáo viên tham gia.

Dân ca xuất hiện trong lao động và sự tồn tại của loại hình nghệ thuật dân gian này cũng đồng hành cùng quá trình lao động, sáng tạo của nhân dân. Do đó, việc thành lập các CLB dân ca ở cơ sở là cách làm có hiệu quả để thực hiện bảo tồn Ví, Giặm Nghệ Tĩnh trong nhân dân. Với không gian làng quê, bến nước, sân đình thì loại hình nghệ thuật dân gian này mới thật sự cuốn hút. Qua không gian mở, gần gũi, những làn điệu, bài hát dân ca bật lên một cách tự nhiên và có ý nghĩa giáo dục sâu sắc. Ông Trịnh Ngọc Châu - Trưởng phòng Nghiệp vụ văn hóa, Sở VH-TT&DL cho biết: “Năm 2014, Sở VH-TT&DL đã cấp kinh phí để xây dựng một số CLB dân ca tiêu biểu. Thời gian tới, ngành văn hóa tiếp tục phát triển và nhân rộng các CLB dân ca ở địa phương để góp phần bảo tồn và phát huy loại hình nghệ thuật này”.

Hiện các cấp, ngành và nhiều địa phương trong toàn tỉnh đang tập trung xây dựng và nhân rộng bởi các CLB dân ca được nuôi dưỡng bằng chính niềm đam mê cháy bỏng của những người dân lao động chân chất, là mạch nguồn duy trì sức sống bền bỉ cho dân ca Ví, Giặm. Ngoài xây dựng mạng lưới CLB dân ca ở địa phương, thời gian tới, các cấp, ngành cần quan tâm, động viên đội ngũ nghệ nhân ở cơ sở - những hạt nhân quan trọng nắm giữ làn điệu và trao truyền, lan tỏa đến các tầng lớp nhân dân.

Sức sống nội sinh của dân ca Ví, Giặm được khẳng định. Bằng chứng là dân ca Ví, Giặm đã được UNESCO ghi nhận và vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Tuy nhiên, để di sản tinh thần quý giá của cha ông tiếp tục đồng hành với đời sống người dân hôm nay và mai sau, cách hay nhất, có hiệu quả nhất là mỗi người dân Xứ Nghệ hãy trở thành một chủ thể sáng tạo, hưởng thụ, một tuyên truyền viên cho di sản.

Chủ đề Đất và người Hà Tĩnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast