Ông Bình chiếu bóng

Có lẽ những ai đã từng sống và chiến đấu tại Hà Tĩnh trong những năm kháng chiến chống Mỹ hào hùng chắc chắn sẽ không thể thiếu hình ảnh đội chiếu bóng trong ký ức của mình. Trong đó, hẳn nhiều người cũng sẽ không bao giờ quên ông Phan Bình – một trong những cán bộ ngành chiếu bóng đầu tiên của Hà Tĩnh mà một số người vẫn quen gọi là ông Bình chiếu bóng…

Sẵn sàng xông pha nơi đạn lửa…

Tôi nẩy ra ý định viết về ông Bình chiếu bóng khi vừa mới chỉ gặp ông được mấy tiếng đồng hồ. Có hề chi khi trong chừng ấy thời gian, ký ức ngồn ngộn của một người thấm nhận trong tâm tư mình muôn nỗi nhọc nhằn, hiểm nguy của thời chinh chiến đã kịp khắc đậm dấu ấn trong tôi…

Ngày 15/3/1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh thành lập Doanh nghiệp quốc gia chiếu bóng và chụp ảnh Việt Nam. Ngay sau đó, trung ương đã thành lập các chi nhánh phát hành phim và chiếu bóng khu vực. Các chi nhánh chiếu bóng với chức năng, nhiệm vụ của mình đã trở thành cầu nối giữa các chủ trương của Đảng với nhân dân, trở thành vũ khí sắc bén trong chiến đấu chống giặc ngoại xâm...

Ông Phan Bình (bên phải) xúc động khi gặp lại đồng nghiệp cũ tại Lễ kỷ niệm 60 năm ngành Điện ảnh - Nhiếp ảnh Việt Nam
Ông Phan Bình (bên phải) xúc động khi gặp lại đồng nghiệp cũ tại Lễ kỷ niệm 60 năm ngành Điện ảnh - Nhiếp ảnh Việt Nam

Như một cơ duyên, năm 1955, chàng nông dân ở Song Lộc (Can Lộc) trở thành công nhân kiêm phụ máy chiếu cho đội chiếu bóng lưu động 22 của Nghệ An. Sau mấy tháng, Phan Bình được cử đi học lớp thợ máy chiếu do Fafim tổ chức tại Hà Nội rồi trở thành thầy bồi dưỡng kỹ thuật chiếu bóng tại Farfilm Việt Nam.

Từ tháng 7/1958, ông được điều về Hà Tĩnh và trực tiếp công tác tại các đội chiếu bóng ở nhiều huyện. Thời kỳ chiến tranh ác liệt, tuy không cầm súng chiến đấu nhưng với ông và các đồng nghiệp thì việc chiếu phim lưu động phục vụ chiến sỹ và bà con cũng là một nhiệm vụ cao cả.

Với tâm niệm là một chiến sỹ trên mặt trận văn hóa nên ông luôn sẵn sàng xông pha đến những nơi đạn lửa ác liệt nhất. Thời kỳ đó, Phan Bình đã có mặt trên những tuyến lửa như Ngã ba Đồng Lộc, đường 21, 22 và vùng bờ biển Thịnh Lộc để chiếu phim phục vụ chiến sỹ, đồng bào. Những bộ phim tư liệu như Điện Biên Phủ, Việt Nam trên đường thắng lợi, chị hai năm tấn, Cô du kích Củ chi, Nguyễn Văn Trỗi… và một số bộ phim của điện ảnh cách mạng Việt Nam thời bấy giờ như Chung một dòng sông, Nổi gió, Cánh đồng hoang, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Bao giờ cho đến tháng Mười… đã trở thành món ăn tinh thần quý giá cho rất nhiều cán bộ, chiến sỹ. Rất nhiều lần, trong lúc làm nhiệm vụ, đội chiếu bóng gặp phải sự phục kích, đánh phá của địch, có người đã hy sinh, nỗi đau thương đó đã biến thành sức mạnh để Phan Bình cùng đồng nghiệp hăng hái hơn trong công việc của mình.

Trải qua nhiều vị trí công tác như thợ máy chiếu, đội trưởng, ở cương vị nào ông Phan Bình cũng khẳng định và phát huy được trí tuệ, sự năng động, sáng tạo trong công việc. Những nơi ông từng qua, ai cũng có ấn tượng tốt về một người cán bộ chiếu bóng vóc dánh thanh thoát, ánh mắt rắn rỏi tràn đầy nhiệt huyết. Tại những điểm bị giặc Mỹ đánh phá ác liệt, ông chủ trương địch đánh đêm thì chiếu ngày, địch đánh ngày thì chiếu đêm, chiếu trong lán học sinh, chiếu trong hầm bộ đội… nhằm mang đến cho cán bộ, chiến sỹ và nhân dân những thông tin mới nhất về chủ trương của Đảng và tình hình chiến sự…

Có lần, khi vừa hoàn thành đợt chiếu phim tư liệu tại Tân Thượng (Tân Lộc – Can Lộc) thì máy bay Mỹ đánh bom rạp hát, ngay lập tức cán bộ đội chiếu bóng 293 hỗ trợ nhân dân sơ tán và tối hôm đó, khi Mỹ ngừng ném bom, ông quyết định tiếp tục chiếu phim nhằm trấn an tinh thần nhân dân. Việc làm đó hết sức ý nghĩa nên về sau được huyện, tỉnh và ngành khen ngợi.

Dấu ấn của Phan Bình trong ngành chiếu bóng trở nên đậm sâu hơn khi năm 1966, đội chiếu bóng 188 do ông phụ trách được bình chọn là lá cờ đầu của tỉnh và lá cờ đầu của điện ảnh quân khu 4, trở thành tổ lao động XHCN, năm 1968, đội 293 do ông phụ trách cũng đạt lá cờ đầu toàn tỉnh. Ông từng được bầu chọn là chiến sỹ thi đua cấp tỉnh, đại biểu duy nhất của ngành văn hóa Hà Tĩnh dự đại hội 4 năm chống Mỹ của tỉnh, nhiều lần được đi báo cáo thành tích ngành chiếu bóng tại Hà Nội.

Khúc ngoặt cuộc đời…

Chiến tranh kết thúc, Phan Bình lại tiếp tục gắn bó với nghề chiếu bóng, lại tiếp tục rong ruổi trên khắp các miền quê. Không còn chiếu nhiều bộ phim liên quan đến chiến tranh, đội chiếu bóng của ông lại chiếu các bộ phim về khoa học, kỹ thuật, công nghệ như: Căng dây cấy lúa thẳng hàng, Kỹ thuật trồng bèo hoa dâu… nhằm hướng dẫn nông dân kỹ thuật nông nghiệp theo chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Ông Bình trầm tư trong câu chuyện
Ông Bình trầm tư trong câu chuyện

Không chỉ chiếu bóng, với bản tính năng động, nhiệt tình, Phan Bình còn cùng đồng nghiệp xắn quần, xắn áo xuống đồng trực tiếp hướng dẫn bà con nông dân. Một lần nữa, hình ảnh Phan Bình lại đậm dấu trong trái tim bà con.

Năm 1976, khi Hà Tĩnh và Nghệ An nhập tỉnh, ông Phan Bình lần lượt được cử làm rạp trưởng các rạp Cửa Đông, 19 – 2 thuộc Quốc doanh chiếu bóng Nghệ Tĩnh. Với sự năng động, sáng tạo và những cống hiến không mệt mỏi của mình cho ngành chiếu bóng phục vụ nhân dân, trong 4 năm liên tục từ 1978 đến 1981 ông được bầu là chiến sỹ thi đua. Tưởng như sau những đóng góp tích cực ấy cuộc đời ông sẽ bình an nhưng sự trớ trêu của số phận đã đẩy cuộc đời ông vướng vào vòng lao lý.

Năm 1982, trong chuyến đi vào thành phố Hồ Chí Minh nhận sự ủng hộ sau cơn bão số 7, vì lo cho đời sống cán bộ nhân viên, ông quyết định mua một số thiết bị về bán lại bù tiền xăng cho chuyến đi. Tuy nhiên, sự sáng tạo lần này không mang lại thành tích cho ông như những lần trước mà lại khiến ông phải đối diện với lời buộc tội “Kinh doanh trái phép, phá hoại nền kinh tế XHCN”.

Về sau, nhờ xét đến những thành tích trong quá trình công tác và mức độ của sự việc chưa quá nghiêm trọng nên ông được xử trắng án, tiếp tục công việc. Những nghiệt ngã của số phận có thể đến với bất kỳ ai và có lẽ chỉ những người sống trong thời kỳ đó mới thấm nhận hết những ẩn ức trong lòng ông…

Nỗi gian nan lẫn những khúc ngoặt của cuộc đời vẫn không xóa nhòa được một Phan Bình năng động, sáng tạo và luôn sôi nổi một tình yêu sâu sắc nghề chiếu bóng… Tại lễ kỷ niệm 60 năm ngành Điện ảnh – Nhiếp ảnh tại Hà Tĩnh vừa qua, ông như trẻ lại trong ký ức những ngày chiến tranh gian khổ. Và trong ước mong thao thiết của ông về một lần hội ngộ các đồng nghiệp chiếu bóng một thời, tôi cảm nhận được, với ông, chiếu bóng không chỉ đơn thuần là nghề nghiệp mà còn là một lẽ sống.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast