Ông Falko Goetz... tân thời

Xưa, nhà văn Nguyễn Công Hoan viết truyện: “Cô Kếu, gái tân thời”. Chuyện đại thể thế này: Có một cô tên là Kếu, hận cha mẹ đặt cho cái tên xấu suốt ngày bị chúng bạn đem ra làm trò diễu cợt...

Nhiều lần bực quá cô Kếu thề quyết đổi tên từ Kếu sang Bạch Nhạn cho xứng với những cô Bích Ngọc, Song Khuê, Minh Nguyệt trên cùng phố Hàng Đào.

Đổi được tên nhưng cô không đổi được cách ăn mặc lỗi thời, cổ hủ mà mẹ cô ép cô phải mặc để giữ nề nếp gia phong. Nhìn chúng bạn thi nhau diện đồ tân thời, cô hậm hực, cô ghen: “Sao trời đã sinh ra cô là con gái; con gái phố Hàng Đào; con gái phố Hàng Đào có nhan sắc; con gái phố Hàng Đào có nhan sắc của một nhà giàu; đương thì đào tơ mơn mởn, mà không được sinh trưởng vào một cái gia đình được ăn mặc tự do, để được xứng đáng với từng ấy cái mà cô được hơn người”.

Cuối cùng, mặc mẹ cấm đoán, cô Bạch Nhạn giấu mẹ làm liều, sắm một lô đồ tân thời, chiều chiều trốn qua nhà bạn diện vào ngắm nghía. Nhưng cô chỉ diện vào cho mình cố ngắm nghía trước gương thôi, xong lại cởi bỏ, cất đâu đấy.

Nhiều lần như thế, cô mê và thích đến nỗi những ngày mưa không ra được khỏi nhà, cô nằm bẹp gí chẳng thiết làm cái phải gió gì cả.

Ông Falko Goezt vẫn đang đi tìm lời giải cho bài toán tổng thể trong lối chơi của ĐTVN (Ảnh: VSI)
Ông Falko Goezt vẫn đang đi tìm lời giải cho bài toán tổng thể trong lối chơi của ĐTVN (Ảnh: VSI)

Kể vắn tắt thế rồi rẽ sang chuyện bóng đá. Chuyện bóng đá thì có gì liên quan đến truyện “Cô Kếu, gái tân thời”? Đúng là chẳng có gì liên quan cả, chỉ mượn cô Kếu nói chuyện tân thời của ông Falko Goetz, ông thầy mới của ĐTVN.

Ông Falko Goetz sau trận thua 1-4 của Olympic Việt Nam trước Olympic Saudi Arabia, từ khu khán đài VIP sân Mỹ Đình đã xuống đường pit động viên các học trò.

Khi còn ngồi trên khái đài dù chưa nắm rõ từng con người của Olympic Việt Nam cả về năng lực lẫn tính cách trên sân nhưng chắc ông nắm rõ hàng thủ Olympic Việt Nam thi đấu dở tệ thế nào. Từ ấy, ông biết phía trước ông với Olympic Việt Nam còn cả núi việc.

Một ngày sau ông vào Sài Gòn, đứng ngoài quan sát các học trò ở ĐTVN thi đấu giao hữu với ĐTLA, ông lại bắt gặp một hàng thủ cũng dở tệ không kém và theo đó, thêm núi việc nữa chồng tiếp lên đầu ông.

Trước khi đá giao hữu với ĐTLA, ông Goetz có bắt tay ông Buketa Ranko cũng người tân thời ở “Gạch”. Mà ở “Gạch” chắc ông Goetz chưa biết nhiều về giới hạn của sự tân thời nó dày cỡ nào.

Hai trận đá tập của ĐTVN, một hòa, một thua, với ông Goezt tân thời thì áp lực chưa có gì là to tát cả. Ngày trước, ông Calisto tân thời, cầm quân đá các loại, từ tập, giao hữu, đến giải không chính thức lẫn chính thức (AFF Cup 2008) có tới hơn chục trận không biết thắng, khiến NHM đã râm ran tảy chay ông mà còn chẳng lo lắng nữa là.

Nói thì thế, song không có nghĩa là: cứ từ từ đâu có đó. Ở đời, hễ cho thời gian nhưng làm cứ khề khà, chậm chạp, rồi quên không giục cuống lên thì hay sinh ra “nước đến chân mới nhảy”, sinh ra một màn diễn kiểu Olympic Việt Nam.

Ông Goetz được tiếng là chuyên nghiệp nên hy vọng ông không khề khà trách nhiệm kiểu một vài người làm bóng đá chuyên nghiệp ở Việt Nam.

Phần nữa, ở Việt Nam hay ở đâu cũng vậy thôi, người hâm mộ nhìn đội bóng mình yêu có vấn đề chưa được giải quyết là sinh thói sốt ruột.

Thôi thì cứ giục tân thời phải diện đồ tân thời, chớ để tân thời cái tên mà vẫn diện đồ cổ lỗ như cô Kếu sao cũng có lúc nằm gí một chỗ, bỗng chẳng thiết xem cái phải gió gì cả!

Theo vtc.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast