Phác thảo miền Tây

Ngoài những món ăn đặc sản mang đậm tính khẩn hoang như thịt chuột, các món nướng, rau kèo nèo, bồn bồn…miền Tây Nam Bộ còn níu giữ tâm hồn du khách bởi một “đặc sản tinh thần” - những điệu hò sông nước bâng khuâng. Âm điệu da diết của những điệu hò sông nước và những khúc nhạc tài tử vọng cổ hò chèo ghe, hò mái đoản, hò mái trường, mái nhất, mái nhì…. thấm đẫm hồn sông nước man mác, mênh mang, diệu vợi đã gợi cho những du khách như tôi nỗi hoài cảm xa vắng, nhớ thương…

Bâng khuâng những điệu hò…

Nếu như hát quan họ, chèo hay ca trù, ví dặm… ở miền Bắc và miền Trung chỉ được lưu giữ qua các nghệ nhân và một số người đam mê vốn cổ, không phải ai cũng có thể hát, thì ở miền Tây, bất kỳ một người dân nào cũng biết ca rất nhiều điệu vọng cổ, biết hò nhiều điệu hò sông nước. Thậm chí người dân cũng có thể tự sáng tác lời để ca, họ thấy cái gì là họ hò, họ ca cái đó như: “Hò ơ…ơ…ơ / Thương cho con tôm rằn nấu với đọt rau má/ Thương cho con cá bống mỡ nấu với ngọn bí đao/ Gió thổi lao xao giậu mùng tơi đưa đẩy/ Con sắc ô nó nhảy cho giàn mướp nó đẩy đưa….”. Những câu hát như vậy xuất hiện bất thần trong quá trình lao động, rồi họ có thể nhớ, có thể quên nhưng ngày sau đã lại có nhiều câu hát mới. Người dân nơi đây có thể ca bất kỳ lúc nào, ở bất cứ đâu khi vui cũng như khi buồn họ đều tìm cho mình những điệu hát hợp hoàn cảnh.

Cuộc hành trình lần này của chúng tôi đi qua nhiều khúc sông, miệt vườn cây trái và ở đâu khung cảnh cũng gợi nhớ về những làn điệu vọng cổ man mác. Giống như một buổi trưa thanh vắng qua bến phà Hưng Phong ( Bến Tre), đưa mắt nhìn ra sông nước mênh mang, không hiểu sao tôi lại đau đáu nhớ giọng ca có hơi đồng trầm ấm mà khoan thai, chững chạc của cố nghệ sỹ Út Trà Ôn trong bài “Ông lão lái đò”: “Ngọn nước mơ màng mây vẩn vơ/ Còn lão với một con đò/ Có tiền mua lấy vài chai rượu/ Nhấp rượu xong rồi lão bói thơ…”. Hay khi đến Cà Mau, đặt chân lên đất mũi, cũng trong một buổi trưa vi vút gió và mênh mông sóng nước, âm điệu vang lên đầu tiên trong tâm hồn tôi cũng chính là giọng hát Út Trà Ôn với “Tình anh bán chiếu” nhiều nhói xót: “Hò ơ..ơ…Chiếu Cà Mau nhuộm màu tươi thắm/ Công tôi cực lắm mưa nắng dãi dầu/ Chiếu này tôi chẳng bán đâu/ Tìm em không gặp…Hò ơ… tìm em không gặp tôi gối đầu mỗi đêm// Ghe chiếu Cà Mau đã cắm sào trên ngã bảy, sao người con gái năm xưa chẳng thấy ra chào(…) nhà của cô sau trước vắng tanh, gió lạnh chiều hôm bỗng có ai dạo lên tiếng nguyệt cầm như gieo vào lòng tôi một nỗi buồn thê thảm…”.

Cần Thơ với bến Ninh Kiều thơ mộng cũng đã neo vào trí nhớ của du khách bằng những hoạt động rất đặc biệt. Ngoài những chiếc thuyền máy lộng lẫy đèn hoa và đội đờn ca tài tử phục vụ hát trên sông vào ban đêm cho du khách còn có những chiếc xuồng, chiếc ghe chở khách lặng lẽ du sông. Tôi đã theo nhìn rất lâu chiếc thuyền lộng lẫy ấy cho đến khi tiếng đàn, tiếng hát chỉ con âm vọng trên sông, tan vào sóng nước. Và khi tâm hồn đang rất mông lung thì tôi nghe vẳng lại từ chiếc ghe vắng khách điệu buồn đau đáu nỗi cô đơn. Lời ca rơi trong đêm vắng nên rất rõ ràng: “Hò ơ..ơ…ơ/ Đàn cò trắng bay về nơi tả ngạn/ Nhắn giùm em nơi hữu ngạn nhớ chàng/ Có thương nhau sao hổng thấy tin dzề/ Lỡ qua sông rồi, lỡ qua sông rồi cũng nhắn giùm một câu…”. Không hiểu cô lái đò đang hát chơi khi vắng khách hay chính là đang thổ lộ tâm trạng mình? Dẫu sao “điệu buồn phương Nam” ấy cũng đã ám ảnh tâm trạng tôi suốt cả buổi tối hôm ấy và lại thấy “ngậm ngùi thương những đời như lục bình trôi”.

Ở miền Tây, chúng tôi không chỉ được thấy vọng cổ hiện hữu trên đời sống sông nước mà nó còn được “lưu hành” mạnh mẽ ở trên cạn. Chẳng thế mà vào bất cứ một quán ăn bình dân nào đều thấy chủ quán treo một cây ghi-ta phím lõm - một sự biến thể Việt hóa cây đàn ghi-ta của châu Âu, chuyên dùng để đàn các bản nhạc tài tử, vọng cổ, cải lương… Quán nào sang hơn thì có thêm cây đờn cò (đàn nhị) hay cây độc huyền cầm (đàn bầu). Bất kỳ lúc nào khách muốn nghe chủ quán và có khi cả nhân viên phục vụ đều sẵn sàng đàn hát. Họ có khi hát cho khách nghe mà cũng là hát cho chính mình. Dường như mỗi người dân ở đây tâm hồn đều thấm đượm những điệu hò, vọng cổ quê hương, nó là một phần cấu tạo nên tâm hồn họ, là điều không thể không có trong tâm hồn mỗi người. Thế nên từ bác nông dân, anh lái đò, chị bán hàng đến người tri thức, cán bộ ai nấy đều biết ca, biết hò, biết đặt lời để hát chơi, để tâm sự nỗi lòng mình…

Tôi biết rằng, không phải bằng những con đường khác, mà chính tâm hồn nhân dân mới là nơi lưu giữ bền lâu nhất những điệu hát quê hương. Và chợt chạnh lòng thương điệu hát quê nhà. Nếu như người Hà Tĩnh nào cũng biết hát ví dặm, đò đưa, ca trù thì hẳn rằng những điệu hát này cũng sẽ gắn bó hơn với đời sống và sẽ có sức sống mạnh mẽ và bền sâu hơn…

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast