Phẫn nộ vì "tự sướng" ở hiện trường vụ bắt con tin Australia

Người ta thường nói rằng thảm họa sẽ khiến mỗi người bộc lộ những điều tốt đẹp nhất trong họ. Tuy nhiên có vẻ như điều này đã không đúng lắm trong vụ bắt con tin gây sốc tại Sydney, Australia.

Tờ Sydney Moring Herald cho biết chỉ nửa tiếng sau khi vụ bắt cóc con tin diễn ra, nhiều người hiếu kỳ đã kéo tới đây.

Uống rượu, bông đùa, chụp ảnh tự sướng

Họ gồm nhân viên văn phòng rỗi việc, dân thường và cả du khách nước ngoài, đã đổ về hiện trường, bàng quan với việc có một tay súng đang bắt con tin ở gần đó. Nhiều người thừa nhận họ ghé qua chỉ "để xem chuyện gì đang diễn ra".

Có kẻ mang theo cả rượu, bia tới để vừa uống vừa theo dõi vụ bắt con tin. Một số thậm chí còn pha trò về vụ bắt cóc con tin. Người tài xế taxi chở phóng viên tờ New Daily của Australia tới hiện trường đã đùa rằng ít nhất các con tin "có nhiều thứ để ăn" khi ở trong quán cà phê Lindt.

Người hiếu kỳ mang bia, rượu tới uống trong lúc theo dõi diễn biến của vụ bắt cóc con tin

Người hiếu kỳ mang bia, rượu tới uống trong lúc theo dõi diễn biến của vụ bắt cóc con tin

Tới gần trưa, đã có 400 người hiếu kỳ tụ tập, tạo thành một đám đông lớn với không khí rất thoải mái, vui vẻ như trong lễ hội. Nhiều người đã giơ điện thoại của họ lên và chụp ảnh selfie với phông nền là quán cà phê Lindt và các viên cảnh sát đang căng thẳng nghĩ cách cứu con tin.

Vài bức ảnh selfie kiểu này ban đầu được tải lên mạng xã hội Instagram. Đơn cử như một người đàn ông chia sẻ ảnh anh ta chụp cạnh một chiếc xe cứu hỏa ở phía sau lưng, kèm tiêu đề #hostagesituationselfie (ảnh tự sướng về vụ bắt con tin). Tuy nhiên sau khi vấp phải phản ứng giận dữ từ dư luận, anh này đã xóa ảnh khỏi tài khoản của mình.

Trong một bức ảnh khác, 3 người đàn ông dường như là du khách, đã tạo dáng chụp ảnh trước dải băng chặn đường của cảnh sát. Một trong số 3 người này còn giơ tay làm biểu tượng chữ V rất "hồn nhiên".

Nhiều bức ảnh selfie chụp gần điểm bắt giữ con tin cũng được cộng đồng mạng chia sẻ trên Twitter, trong đó đủ kiểu người đang nhe răng cười và tạo dáng rất vô cảm trước máy ảnh.

Phản ứng dành cho những bức ảnh thiếu nhạy cảm kiểu này rất dữ dội. "Các người hẳn đã bị tâm thần cả lũ và chẳng tôn trọng ai cả khi làm thế" - một người dùng Twitter nhận xét. Người khác nói: "Nếu các người muốn chụp selfie tới vậy, sau không đổi chỗ cho một con tin?"

"Thật tồi tệ, họ không có cảm xúc sao. Nhiều người đang bị bắt làm con tin và tất cả những gì họ có thể làm là chụp selfie" - một người viết. "Đừng về nhà, ôm người thân yêu của các vị và cảm thấy vui mừng vì không vướng vào một cơn ác mông con tin... hãy tới hiện trường và chụp ảnh selfie" - người khác châm biếm. Một vài người buông lời bình luận nhã nhặn hơn: "Selfie or selfish?" (Chụp tự sướng hay hành động ích kỷ?)

2 cô gái tóc vàng vui vẻ chụp ảnh selfie cùng nhau gần hiện trường vụ bắt cóc con tin
2 cô gái tóc vàng vui vẻ chụp ảnh selfie cùng nhau gần hiện trường vụ bắt cóc con tin

Hiện tượng yêu bản thân thái quá

Trong buổi chiều ngày 15/12, phóng viên trang tin BuzzFeed là Mark Di Stefano đã tận mắt chứng kiến cảnh nhốn nháo do người hiếu kỳ tạo ra gần hiện trường vụ bắt con tin. Anh còn chụp được cảnh 2 cô gái tóc vàng đang nghiêng mình chụp selfie tại một nơi chỉ cách quán Lindt khoảng 100 mét. Bức ảnh sau đó đã được chia sẻ hàng trăm lần trên Twitter, với các bình luận lên án hành vi của 2 người phụ nữ này là "kinh khủng" và "thiếu tôn trọng".

Di Stefano cho biết không chỉ du khách hay người hiếu kỳ chụp ảnh selfie gần hiện trường mà một số phóng viên truyền hình cũng có hành vi tương tự, trong lúc đưa tin về vụ bắt cóc con tin. Theo lời Di Stefano, một số người còn sử dụng máy ghi hình GoPro và gậy hỗ trợ chụp selfie để có các hình ảnh đẹp mắt.

Dù hành vi này có thể khiến nhiều người nhướn mày, nó không gây ngạc nhiên với Lauren Rosewarne, một học giả nghiên cứu về văn hóa đại chúng ở Melbourne. Gần đây bà đã bàn tới việc người ta thi nhau chụp ảnh selfie tại các đám ma ở Australia.

"Đúng là với các thế hệ già hơn, việc lôi máy ảnh ra chụp tự sướng tại một đám ma là chuyện khó có thể chấp nhận được. Nhưng thực tế là giờ đây chúng ta luôn mang máy ảnh theo bên mình" - bà nói - "Việc sử dụng một chiếc máy ảnh thực thụ sẽ gây khó chịu, nhưng chúng ta đều có nhiều loại máy ảnh khác nhau trong túi quần, túi xách của mình... Một chiếc điện thoại thường sẽ không gây khó chịu chút nào cả".

Theo bà Roswarne, có thể vì nhận thức này nên những người chụp selfie tại khu vực gần điểm bắt con tin đã không nhận ra rằng hành động của mình rất phản cảm. Sự thiếu nhạy cảm là có thể hiểu được, trong bối cảnh chưa có con tin nào thiệt mạng. Bà nói rằng vụ bắt cóc con tin là sự kiện lớn và một số người đã muốn trở thành một phần của câu chuyện.

"Đây chỉ là hiện tượng yêu bản thân thái quá" - bà nói, nhưng vẫn cảnh báo rằng "thế hệ selfie cần phải để đạo đức dẫn dắt hành động của mình. "Có sự khác biệt rõ ràng giữa việc chụp ảnh selfie và việc bạn đang ở trong tình huống đó (vụ bắt cóc con tin)" - bà nói - "Hành động chụp ảnh selfie đã lấy bớt sự quan tâm tới một tình huống rất nghiêm trọng và đang diễn ra".

Nguồn: TT&VH

Theo Sydney Morning Herald

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast