Phát hiện mới về hệ thống thành lũy cổ ở huyện Kỳ Anh

Viện khảo cổ học Việt Nam và Viện Viễn Đông Bác cổ (EFEO) phối hợp với Sở VHTTDL tỉnh Hà Tĩnh vừa có chuyến khảo sát, điều tra và thám sát khảo cổ học hệ thống di tích thành lũy cổ Kỳ Anh

Phát hiện mới một đoạn thành lũy cổ bằng đá ở xã Kỳ Lạc, huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh).
Phát hiện mới một đoạn thành lũy cổ bằng đá ở xã Kỳ Lạc, huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh).

Trước đó, trong những năm qua, một hệ thống thành lũy đã được các nhà khảo cổ phát hiện tại địa bàn xã Kỳ Lạc, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Nhận thấy, đây là một di tích quan trọng có giá trị về mặt lịch sử, văn hóa cần tiến hành nghiên cứu để xây dựng hồ sơ khoa học làm cơ sở cho việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị của di tích.

Đoàn nghiên cứu khảo sát, điều tra và thám sát khảo cổ học di tích lũy Kỳ Anh do Tiến sỹ Nguyễn Tiến Đông, trưởng phòng nghiên cứu Viện khảo cổ học Việt Nam phụ trách, đoàn còn có sự tham gia của Tiến sỹ Andrew HARDU, trưởng đại diện Viện Viễn Đông Bác cổ (EFEO) tại Hà Nội và nhà khảo cổ học Italia Federico BARROCO, người đã tham gia nhiều dự án khảo cổ học tại Việt Nam.

Đoàn đã phối hợp với Sở VHTTDL tỉnh Hà Tĩnh tiến hành khảo sát điều tra và thám sát kỹ hệ thống thành lũy tại địa điểm Đèo Bụt thuộc xã Kỳ Lạc, huyện Kỳ Anh và bước đầu phát lộ một đoạn thành lũy cổ được xây dựng bằng đá với chiều dài 500m còn khá nguyên vẹn. Theo các nhà nghiên cứu, đây là hệ thống thành lũy cổ thời kỳ Trịnh Nguyễn phân tranh (1655-1659) được chúa Trịnh Toàn củng cố xây dựng, nên còn có tên gọi là lũy ông Ninh (tước hiệu Ninh quận công Trịnh Toàn), nhân dân bản địa thường quen gọi là lũy ông Ninh, ông Nang.

Chuyên gia khảo cổ học người Italia ( Federico BARROCO) tại hiện trường thành lũy cổ vừa được phát hiện.
Chuyên gia khảo cổ học người Italia ( Federico BARROCO) tại hiện trường thành lũy cổ vừa được phát hiện.

Đây là hệ thống thành lũy được xây dựng theo trục từ tây sang đông, đoạn qua địa phận xã Kỳ Lạc dài khoảng 10km, hiện nay bước đầu đã phát lộ một đoạn thành lũy còn khá nguyên vẹn dài 500m, kéo dài từ chân đèo Bụt lên tận đỉnh núi, một nhánh của dãy Hoành Sơn quan, hệ thống thành lũy này kéo dài qua các xã Kỳ Lạc, Kỳ Hoa, Kỳ Lâm và đến tận biên giới tỉnh Quảng Bình. Về kỹ thuật xây dưng thành, người xưa đã tận dụng địa thế hiểm trở núi non của dãy Hoành Sơn quan hùng vĩ với độ dốc thẳng đứng về hướng nam để xây thành, phía sau thành về phía đông bắc là dãy Hoành Sơn quan, có đỉnh có độ cao hơn 1000m, phía trước thành về hướng tây nam là thung lũng có độ dốc kéo dài theo triền núi đèo Bụt từ đông sang tây, mặt trước thành hướng về phía nam, toàn bộ hệ thống thành lũy được ghép cùng một loại đá bằng tự nhiên của cư dân bản địa, thường được gọi là đá son. Kích thước chiều cao thành là 6m, phía trên mặt thành rộng 3m, chân thành rộng 5m, ở mỗi đoạn thành cứ cách nhau khoảng 5m được trổ hỏa hiệu kiểu dạng hình phểu, mặt trước to mặt sau thu nhỏ lại, mặt trước có kích thước 1m, mặt sau 0.80m, có công dụng vừa thoát nước vừa quan sát để đánh trả kẻ địch khi công phá thành. ở vị trí đặt hỏa hiệu hai bên có xây bậc cho quân sỹ lên xuống thành, đồng thời có địa điểm để tập kết quân sỹ được đào sâu dưới chân thành về phía bắc gọi là Học đong quân, vị trí này có kích thước hình vuông mỗi chiều dài 9m.

Hiện nay các nhà khảo cổ còn tiếp tục thám sát một số đoạn thành lũy, đo đạc vẽ bản đồ và tập hợp tư liệu và dự kiến khai quật thám sát một số điểm dưới chân thành để phục vụ cho công tác nghiên cứu.

Qua kết quả khảo sát bước đầu, có thể nói, đây là những phát hiện mới về hệ thống thành lũy cổ ở Hà Tĩnh, còn tồn tại khá nguyên vẹn, là loại hình di tích thành lũy cổ của vùng Bắc trung bộ còn sót lại cần được khảo sát nghiên cứu kỹ để bảo tồn nghiên cứu.

Được biết, thời gian khảo sát đợt 1 kéo dài đến ngày 15/04/2012…

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast