Phát lộ nền văn hóa của người Việt cổ trên đất Hà Tĩnh

Các hiện vật khai quật được từ di chỉ Bãi Cọi như mộ chum, mộ vò, đồ trang sức, công cụ lao động…cho thấy trên đất Hà Tĩnh có sự giao thoa giữa 2 nền văn hóa nổi tiếng của người Việt cổ là Đông Sơn và Sa Huỳnh.

Vào cuối năm 2008, Bảo tàng lịch sử Việt Nam phối hợp với tỉnh Hà Tĩnh tiến hành khai quật di chỉ Bãi Cọi thuộc xã Xuân Viên huyện Nghi Xuân. Sau gần một năm nghiên cứu và phục dựng, các nhà khảo cổ học đã kết luận, di chỉ Bãi Cọi phát lộ một nền văn hóa của người Việt cổ trên đất Hà Tĩnh.

Hiện vật khai quật từ di chỉ Bãi Cọi
Hiện vật khai quật từ di chỉ Bãi Cọi

Hàng trăm hiện vật đã được phục dựng thành 49 tiêu bản bao gồm: mộ chum, mộ vò, bình gốm, chõ gốm, dụng cụ lao động bằng đồng, đồ trang sức bằng thủy tinh. Hiện vật khai quật thuộc hậu kỳ đá mới, tức là vào khoảng 2000 - 2500 năm trước công nguyên. Theo các nhà khảo cổ thì các hiện vật thể hiện sự giao thoa giữa 2 nền văn hóa cổ là Đông Sơn và Sa Huỳnh. TS

Vũ Quốc Hiện – phó giám đốc Bảo tàng Lịch sử Việt Nam cho rằng: với kết quả này thì quan niệm văn hóa Sa Huỳnh được xác định phạm vi từ Thừa Thiên Huế trở vào cần phải được xem xét lại.

Di chỉ Bãi Cọi sát bên cạnh vùng di chỉ Phôi Phối vốn đã được biết đến từ những năm 70 của thế kỷ trước. Gần đây tại các xã Cổ Đạm, Xuân Hồng huyện Nghi Xuân còn phát lộ nhiều hiện vật cổ như rìu đá, đồ gốm, đồ đồng. Dựa trên sự liên hệ gần gũi về địa lý và niên đại, các nhà khảo cổ đang đặt ra giả thiết: Bãi Cọi là một nền văn hóa đặc trưng của người Việt Cổ, giống như các nền văn hóa Đông Sơn và Sa Huỳnh.

Hiện tại Bảo tàng lịch sử Việt Nam đang xây dựng đề án mở rộng vùng khai quật để tiếp tục nghiên cứu. Tỉnh Hà Tĩnh cũng đang lập hồ sơ trình Bộ Văn hóa Thể thao và du lịch sớm công nhận Bãi Cọi là di tích văn hóa quốc gia. Tỉnh Hà Tĩnh cũng đã có phương án khoanh vùng bảo vệ, bởi sau khi phát lộ thông tin đã có hiện trượng người dân xâm nhập đào bới dò tìm cổ vật.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast