Phát lộ ngôi đền cổ chôn vùi trong cát hàng trăm năm

Trong lúc khai thác titan ở thôn Tiến Thành, xã Kỳ Khang (Kỳ Anh), công nhân Xí nghiệp Titan Kỳ Anh đã phát lộ một ngôi đền cổ chôn vùi trong cát hàng trăm năm qua.

Ông Lê Xuân Ninh, Phó Giám đốc Xí nghiệp Titan Kỳ Anh, cho biết: Ngày 26/10, trong khi công nhân đang tiến hành hút cát đã phát hiện gạch, đá có dấu hiệu của một công trình kiến trúc cổ. Đến chiều cùng ngày, trong quá trình khai thác đã phát lộ ra hai cột biểu, tắc môn, hai bức tường còn nguyên vẹn. “Khi phát lộ ra những hạng mục kiến trúc liên quan đến ngôi đền cổ, chúng tôi đã khoanh vùng, giăng dây thép gai bảo vệ khu vực đồng thời báo cáo lên cơ quan chức năng để xử lý”, ông Ninh nói.

Hệ thống tường, cột trụ biểu của một ngôi đền cổ vùi lấp trong cát được phát lộ
Hệ thống tường, cột trụ biểu của một ngôi đền cổ vùi lấp trong cát được phát lộ

Sau khi nhận được thông tin, sáng ngày 3/11, nhóm nghiên cứu thuộc Bảo tàng Hà Tĩnh đã đến hiện trường khảo sát, tìm hiểu nghiên cứu. Bước đầu các nhà nghiên cứu xác định ngôi đền cổ phát lộ ở thôn Tiến Thành nằm ở độ sâu 2m so với mắt đất. Ngôi đền này được xậy dựng bằng chất liệu gạch nung, vôi, võ hàu và nhựa cây, mật mía kết dính. Hai cột biểu cao 2,5m có bốn mặt hình vuông, mỗi mặt 0,40m, đỉnh cột có đắp hai con nghê chầu nhau. Mặt trước hai cột biểu có đôi câu đối khắc nổi bằng chữ Hán, mỗi bên có bảy chữ. Nối với hai cột biểu là hệ thống tường dắc cao 1m, dày 0,5m, chiều dài mỗi bức tường 1,6m. Mặt trước tường đắp nổi hình hai con ngựa. Cách hai cột biểu khoảng 2m phát lộ thêm hệ thống tắc môn được xây dựng theo hình chữ nhật. Mặt trước được chạm nổi họa tiết hình hổ phù.

Bức bình phòng đang nằm trong cát, ngôi đền có thể nằm đang nằm trong cát chưa được phát lộ
Bức bình phòng đang nằm trong cát, ngôi đền có thể nằm đang nằm trong cát chưa được phát lộ

Ông Hồ Kỷ, 90 tuổi, ở thôn Tiến Thành, nói: từ khi sinh ra cho đến nay ông chưa một lần nhìn thấy ngôi đền mới phát lộ và cũng không nghe ông bà kể có một ngôi đền nào đang vùi lấp trong cát. Ông chỉ biết trên khu đất phát lộ đền từng có một ngôi đền có tên là đền Đức Ông. “Có thể ngôi đền vừa phát lộ có từ hàng trăm năm trước nhưng trãi qua thời gian đền bị cát xấm thực rồi bồi lấp nên không ai biết. Sau này trên nền đất của đền cổ người ta từng xây dựng một ngôi đền và đã bị phá hủy”, ông Kỷ nói.

Theo kết quả khảo sát, ngôi đền cổ ở thôn Tiến Thành nằm cách bờ biển 500m (hướng Đông), cách khu vực dân cư 300 m (hướng Bắc). Dựa vào các hóa tiến hoa văn trang trí ở cột biểu, bức tường, tắc môn các nhà nghiên cứu cho rằng ngôi đền này liên quan đến một vị tướng có công đánh giác được nhân dân thờ phụng làm thành hoàng làng.

Qua khảo sát chỉ mới phát lộ những hạng mục liên quan đến ngôi đền cổ. Dựa vào những hạng mục phát lộ, đền có thể đang nằm dưới quả đồi cát chưa được khai quật. Trước mắt, đề nghị Xí nghiệp Titan Kỳ Anh dừng khai thác, sau đó báo cáo với sở, ban, ngành và xin ý kiến cho tiến hành khai quật để xác định giá trị của ngôi đền cổ ở thôn Tiến Thành.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast