Qua miền Tây Bắc hôm nay

(Baohatinh.vn) - Không có con đường nào lại kỳ diệu, mau chóng như con đường ký ức. Nó đang dắt ta đến miền này, thoắt lại đưa đến miền nọ; thoắt hôm qua lại thoắt về tuổi thơ xa lắc... Nó làm cho ta thoát khỏi mũi tên của những con đường tuyến tính, của cuộc sống chi phối ta hàng ngày...

Kỷ niệm 60 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2014)

Thành phố Điện Biên hôm nay
Thành phố Điện Biên hôm nay

Đường đến Điện Biên

Tôi nhớ quê tôi có ông Chung. Ông là thương binh trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Chắc chắn, bây giờ nếu ông còn sống, sẽ được lên ti vi suốt ngày. Nhưng hồi ấy, những câu chuyện đánh nhau trên đồi A1, “74 cầm cán, 78 cắm cờ” của ông chẳng mấy ai nghe. Chúng tôi thường hay đánh trận giả. Với đôi nạng, ông chống cái chân cụt của mình lê la đến với bọn trẻ, giảng giải thế nào là “địa hình, địa vật”, thậm chí có hôm còn “thị phạm”, lăn lê bò toài trên đám cỏ còn lẫn cả phân trâu… Đấy là thói quen nghề nghiệp hay ông muốn truyền điều gì cho chúng tôi? Đó là những bài học đầu tiên về người lính; là âm hưởng đầu tiên của tuổi thơ tôi về Điện Biên.

Đúng sáu mươi tuổi, gấp đôi tuổi ông Chung hồi ấy, tôi trở lại Điện Biên với tư cách nhà văn, cùng 130 văn nghệ sĩ, đại diện cho đội ngũ văn nghệ sĩ cả nước hành hương về chiến trường xưa. Chiến trường xưa không chỉ Điện Biên mà cả vùng Tây Bắc. Chúng tôi xuất phát ngày 9/3/2014 tại Hà Nội, đi theo QL 6, con đường mà Cù Chính Lan từng chặn đánh xe tăng Pháp, thăm Nhà máy Thủy điện Hòa Bình, một công trình thế kỷ, được xây dựng từ năm 1979-1994 dưới sự giúp đỡ của Liên Xô.

Đoàn văn nghệ sĩ viếng Nghĩa trang Độc lập
Đoàn văn nghệ sĩ viếng Nghĩa trang Độc lập

Ngày thứ ba của chuyến hành hương về nguồn (11/3), chúng tôi dâng hương tưởng niệm các liệt sĩ nhà tù Sơn La. Đồi Khau Cả như chùng xuống trong bước đi lặng lẽ, trầm mặc của đoàn người tóc xanh, tóc bạc. Tôi cảm nhận rất rõ những năng lượng lịch sử đang được chuyển giao, bừng sáng những nhận thức vô cùng mới mẻ. Nhà thơ Hữu Thỉnh đứng rất lâu trước mộ liệt sĩ Lò Văn Giá.

Lò Văn Giá là một thanh niên Thái, được các chiến sĩ trong tù giác ngộ trong những chuyến đi ra ngoài lao động khổ sai. Năm 1943, ông Giá đã lo mua sắm quần áo, thẻ thuế thân mang tên người dân tộc và dẫn đường vượt ngục thành công cho các đồng chí Nguyễn Lương Bằng, Trần Đăng Ninh, Nguyễn Văn Trân, Lưu Đức Hiểu. Ông Giá về nhà thì bị bắt ngay. Bị địch tra tấn vô cùng dã man nhưng ông không hề khai nửa lời, chỉ một mực bảo không biết. Sau đó, ông bị đưa vào rừng thủ tiêu.

“Thật kỳ lạ, thật vĩ đại”, nhà thơ Hữu Thỉnh thốt lên - “Lòng yêu nước, yêu nhà sâu sắc, hy sinh đến cùng vì cách mạng như thế, không còn là câu chuyện cá nhân nữa. Nó nói lên điều gì thật sâu xa của người Thái Sơn La, của đồng bào các dân tộc miền núi trong những ngày đầu theo Đảng”.

Từ trái qua: Nhà báo Nguyễn Sĩ Đại, nhạc sỹ Văn Ký, nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân, nhà thơ Vũ Quần Phương, nhạc sỹ Vũ Oanh và nhà thơ Hữu Thỉnh
Từ trái qua: Nhà báo Nguyễn Sĩ Đại, nhạc sỹ Văn Ký, nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân, nhà thơ Vũ Quần Phương, nhạc sỹ Vũ Oanh và nhà thơ Hữu Thỉnh

Vợ chồng nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chiều Xuân đứng rất lâu trong phòng giam của cha mình, nhạc sĩ Đỗ Nhuận: “Ở đây, tôi hiểu hơn vì sao còn rất trẻ, cả sau này nữa, cha tôi lại có những tác phẩm vượt thời gian, được nhân dân mến mộ. Chính vì ông đã hiến mình cho cách mạng, cho một con đường nghệ thuật từ đời sống nhân dân và vì nhân dân”.

Tháng ba, hoa ban nở tưng bừng khắp mọi nẻo đường Tây Bắc. Hoa ban có ban hồng, ban đỏ, ban trắng nhưng cùng giống nhau một điểm là cánh hoa nào cũng như hình trái tim ghép lại. Tôi đinh ninh rằng, những cánh ban, cánh bướm là nguyên mẫu cho hàng khuy áo cóm của người con gái Thái. Người con gái Thái và hoa ban có chung một điểm là mang vẻ đẹp tự nhiên của rừng núi mà hút hồn người.

Thực tế là máu của tác phẩm

Đúng sáng 13/3/2014 - ngày 60 năm trước quân ta nổ súng đánh đồn Him Lam, mở màn cho chiến dịch - đội ngũ văn nghệ sĩ đã tập trung đầy đủ tại Điện Biên Phủ. Ngoài lực lượng hành quân theo đường bộ, còn có các cụ lão thành như Bùi Đình Hạc, Hồ Phương… và một số nhạc sĩ từ TP Hồ Chí Minh đi theo đường hàng không. Lực lượng đông đảo nhất, tươi trẻ nhất chính là 53 nam nữ diễn viên của Nhà hát Ca múa nhạc quân đội.

Cùng hát “Chiến thắng Điện Biên” bên hầm Đờ-cát.
Cùng hát “Chiến thắng Điện Biên” bên hầm Đờ-cát.

Giám đốc Nhà hát - NSND Nguyễn Tiến chia sẻ: Đoàn đã xây dựng chương trình nghệ thuật hoành tráng này để tri ân đồng bào các tỉnh Tây Bắc bằng tất cả tình cảm với Điện Biên của 60 năm dồn lại. Với mỗi người, nhất là nghệ sĩ trẻ; đây là sự lựa chọn, là định hướng cho cuộc đời hoạt động nghệ thuật của mình. Đoàn đã có 3 buổi diễn tại các tỉnh Hòa Bình, Sơn La và Điện Biên. Nghệ sỹ ưu tú Trần Tựa vừa là lãnh đạo, vừa thể hiện rất thành công bài thơ Hoan hô chiến sĩ Điện Biên của Tố Hữu. Trong lịch sử dân tộc ta, cùng với những võ công oanh liệt, thường có những tượng đài nghệ thuật như Nam quốc sơn hà của Lý Thường Kiệt trong chống Tống; Hịch tướng sĩ và thơ ca đời Trần trong chống Nguyên Mông; Bình Ngô đại cáo trong chống Minh… Bài thơ của Tố Hữu là một tượng đài về chiến thắng Điện Biên. Khi nói về Điện Biên, không ai không mượn một vài câu trong bài thơ này. Thật là một sự khái quát cao, chính xác. Tố Hữu có một vị trí riêng trong lịch sử văn học - và cả lịch sử dân tộc nữa!

Chiến dịch Điện Biên Phủ mang trong mình nó nhiều biểu tượng, trong đó có biểu tượng về chiến tranh nhân dân; đem lại nhiều bài học sâu sắc về văn nghệ. Dồn sức cho Điện Biên, có đông đảo nghệ sĩ và các nhà báo. Báo QĐND còn tổ chức báo tiền phương, in ngay tại mặt trận được 33 số, số đầu ra ngày 28/12/1953; số cuối ra ngày 16/5/1954. Các nhà báo lớn đều có mặt: Thép Mới, Chính Yên, Trần Đĩnh (Báo Nhân dân); Thái Duy (Báo Cứu quốc); Nguyễn Văn Nhất (Đài TNVN); Hoàng Tuấn (VNTTX); Hoàng Xuân Tùy, Trần Cư, Nguyễn Khắc Tiếp, Phạm Phú Bằng (Báo QĐND). Những bài báo viết vội ở chiến trường có khi là những bài báo hay nhất của một cuộc đời làm báo. Ít nhất nó đúng với Trần Cư. Ngày 7/5/1954, ông viết bài báo với đầu đề Ở Mường Thanh, địch ra hàng như nước chảy.

Quân địch ra hàng như nước chảy
Quân địch ra hàng như nước chảy

Bài báo có đoạn: “Lúc đó đã 5 giờ chiều. Trời rất đẹp. Xanh biếc cao lồng lộng. Mây bông trắng phau, từng đoàn lớp lớp nối nhau về xa tắp. Trên đỉnh các cao điểm phía Đông, nắng chiều chiếu rực đỏ như máu, những lá cờ chiến thắng của quân ta bay phần phật trong gió… Khu Mường Thanh vẫn còn ngùn ngụt lửa, chập chờn một rừng cờ trắng phất phơ trong khói xám. Quân địch chia làm năm mũi kéo ra như kiến dưới sự điều khiển của máy phóng thanh quân ta chỉ đường. Họ đi kéo dài ngót chục cây số như những con rắn bị đánh vỡ hang quằn quại chui ra, trườn theo các bờ giao thông hào vĩ đại của trận địa ta, leo qua các ngọn đồi khu phía Bắc rồi biến dần về những tuyến lau”…

Bài báo đã trở thành tư liệu cho hầu hết mọi tác phẩm điện ảnh về Điện Biên Phủ. Không có sự chân thực lịch sử nào hơn sự thật được phản ánh trong bài báo đó.

Mãi hào hùng nền nghệ thuật kháng chiến
Mãi hào hùng nền nghệ thuật kháng chiến

Các văn nghệ sĩ tham gia trận Điện Biên có những tên tuổi lớn: nhà văn Nguyễn Đình Thi, họa sĩ Mai Văn Hiến, nhạc sĩ Đỗ Nhuận… Tôi chú ý có hai học trò của thầy Võ Nguyên Giáp ở trường Thăng Long, Hà Nội là họa sĩ Nguyễn Bích và nhạc sĩ Hoàng Vân. Họa sĩ Nguyễn Bích quê Thanh Hóa nhưng sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, được hun đúc lòng yêu nước qua những người thầy như Đặng Thai Mai, Võ Nguyên Giáp đã sớm tham gia kháng chiến. Làm việc tại Báo QĐND tiền phương, những bức tranh cổ động và châm biếm của ông mang sức mạnh hơn nhiều khẩu súng. Ông còn viết truyền đơn bằng tiếng Ả-rập để gọi hàng các lính Âu Phi. Hồi ấy, Đại tướng chỉ thị cho quân giới chế súng bắn truyền đơn vào đồn địch. Điện Biên còn thực hiện “mưu phạt tâm công” như Nguyễn Trãi xưa vây thành Đông Quan.

Theo tôi, xung quanh Điện Biên và Tây Bắc có 3 bài hát thành công nhất, mãi mãi đi vào lòng dân đó là: Qua miền Tây Bắc của Nguyễn Thành, Hò kéo pháo của Hoàng Vân, Chiến thắng Điện Biên của Đỗ Nhuận.

Nguyễn Thành viết bài hát của mình khi còn là chiến sĩ vũ trang tuyên truyền trong Liên quân Việt - Lào khi qua miền Tây Bắc năm 1952. Một đêm, trên đỉnh đèo Khau Vác (2.000m), bộ đội đốt lửa sưởi. Trong ánh lửa bập bùng, nghe như có tiếng khèn, tiếng sáo, những nếp váy thêu múa lượn. Và vang lên một niềm tin chiến thắng. Ông đem măng-đô-lin ghi lại cái “thần nhạc” chợt hiện, chép vào vỏ bao thuốc lá. Thấy chưa hay, ông vò lại, vứt xuống đất để mai viết tiếp. May lửa không cháy và sáng mai thấy các bạn ông đang say sưa hát:

“Qua miền Tây Bắc, núi vút ngàn trùng xa/ Suối sâu đèo cao, bao khó khăn ta vượt qua/ Bộ đội ta vâng lệnh Cha già/ Về đây giải phóng quê nhà/… Qua miền Tây Bắc ta phá đồn giặc tan/ Nương lúa xanh về ta vui sống trong tự do/ Miền rừng núi hướng về Bác Hồ/ Từ đây giải phóng quê nhà/ Chiến thắng miền Tây Bắc hân hoan một niềm vui/ Thoát ách loài giặc tàn ác/ Tay nắm tay vui mừng không phân biệt xuôi ngược/ Cùng dựng xây tươi đẹp nước non nhà”… Có thể nói, đây là một sự tiên đoán. Có được sự lạc quan và tiên đoán ấy là tác giả đã thấy rõ trên bước hành quân của mình sự lạc quan của nhân dân, những chiến thắng “đã tin điều trước, ắt nhằm điều sau”.

Hát mừng chiến thắng
Hát mừng chiến thắng

Hoàng Vân tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ với cương vị chính trị viên của đội văn nghệ Đại đoàn 312. Ông chứng kiến nhiều cuộc kéo pháo vào, kéo pháo ra; được chứng kiến những tấm gương như của chiến sĩ Mẫn khi pháo đè lên chân: “Chân tôi thế nào cũng hỏng, các đồng chí cứ cho pháo lăn qua”. Một đêm, khi nghe tin Tô Vĩnh Diện hy sinh thân mình chèn pháo; tiếng Hò dô ta nào của bộ đội vọng lên trong niềm xúc động tột cùng. Ông viết được đoạn đầu thì đã 3h sáng. Thiếp ngủ một lúc, tiếng gà rừng dồn nhau vọng tới như nhịp hò dô, khiến ông viết một mạch. Thành công của bài hát là thể hiện được tinh thần băng vượt mọi khó khăn, khát khao chiến thắng của bộ đội mà ông cảm nhận được qua những chuyến đi thực tế các đơn vị.

Chiều 7/5/1954, cùng đoàn văn công của mình đang cuốc xẻng sửa đường ở Mường Phăng, Đỗ Nhuận nghe một đồng chí liên lạc từ mặt trận đạp xe qua, reo to: “Mường Thanh địch hàng rồi! Giải phóng Điện Biên rồi!”. Tất cả đoàn văn công ngừng tay cuốc, ôm nhau nhảy… Đêm đó, bên bếp lửa nhà sàn, cây đàn vi-ô-lông, mấy củ sắn nướng, Đỗ Nhuận đã hoàn thành khúc tráng ca Chiến thắng Điện Biên, mỗi khi giai điệu này vang ­lên, lại trỗi lên hào khí của cách mạng.

Khi sáng tác những bài hát để đời này, trình độ âm nhạc của các ông không cao, chỉ gọi là có năng khiếu. Lời bài hát cũng tự nhiên, tiếng gà, tiếng hò dô là của bộ đội, của núi rừng… Nhưng sự gắn bó máu thịt với cuộc sống, với lòng yêu nước, yêu sự nghiệp, khát khao dâng hiến, các ông đạt đến sự tận cùng vô tư trong nghệ thuật; sự tận cùng của thiên lương, thiên tài. Cho nên, tác phẩm đã thể hiện được tinh thần của thời đại, đã gom được năng lượng dân tộc, năng lượng lịch sử để tỏa sáng cho đời sau. Những tác giả đó đã có đóng góp lớn cho sự nghiệp chung bằng tác phẩm của mình; nhưng cái lớn hơn, mà các tác giả này cùng chung một cảm nhận là chính nhân dân, chính đời sống đã cho họ cả một sự nghiệp, một cuộc đời nghệ sĩ.

Những tác phẩm lớn đã được viết bằng mảnh giấy vụn, trong một đêm. Nhưng là viết bằng cả trái tim. Cần những tác phẩm lớn viết hàng chục năm. Nhưng không thể không bằng trái tim ấy…

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast