Quản lý tốt lễ hội, phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân

(Baohatinh.vn) - Nếu tính tổng cộng từ cấp cơ sở đến cấp quốc gia thì hàng năm cả nước có trên 8.000 lễ hội. Con số thống kê này là minh chứng rõ nét cho sự đa dạng, phong phú và đặc sắc của văn hóa Việt Nam. Hầu hết những lễ hội này được tổ chức vào mùa xuân, ngay sau dịp Tết Nguyên đán cổ truyền của dân tộc.

Đông đảo du khách trẩy hội chùa Hương Tích (Hà Tĩnh)
Đông đảo du khách trẩy hội chùa Hương Tích (Hà Tĩnh)

Lễ hội ở nước ta là một nét đẹp văn hóa truyền thống, là chiếc cầu giữa hiện tại và quá khứ, là nơi để những âm hưởng hào hùng của quá khứ vàng son một thuở vọng về và là nơi để tôn vinh, gìn giữ những giá trị văn hóa của đất nước. Trước kia, đa phần người dân làm nông, quanh năm suốt tháng gắn với mùa màng nên chỉ có mùa xuân là được nghỉ ngơi, nhàn rỗi, có thời gian để tổ chức và tham gia các lễ hội. Đó vừa là nơi để vui chơi, vừa là nơi để cố kết cộng đồng, xốc lại tinh thần phấn chấn, tâm lý hứng khởi để chuẩn bị cho vụ mùa sau.

Lễ hội xuân luôn mang những giá trị nhân văn sâu sắc là thế, nhưng trong cuộc sống hiện tại, những giá trị ấy có phần bị pha tạp và mai một. Những vấn đề liên quan đến quản lý lễ hội, văn hóa ứng xử của những người tham gia lễ hội vẫn là vấn đề “nóng” khiến không ít người bức bối. Không quá khó để nhận ra các lễ hội đang tăng về lượng và giảm về chất.

Lễ hội luôn thu hút hàng nghìn người dân tham gia nhưng không phải ai cũng hiểu hết những thần tích, không gian văn hóa và giá trị riêng của các lễ hội. Đi lễ mà không hiểu đối tượng hành lễ là ai, ý nghĩa của lễ hội là gì và cần hành xử ra sao là chuyện thường gặp. Việc thiếu kiến thức, ý thức văn hóa về lễ hội có thể xem là nguyên nhân dẫn đến quan niệm lệch lạc: đã tham dự lễ hội phải quyên tiền công đức, bằng không sẽ mắc tội với thánh thần. Chính cách nghĩ đó của một bộ phận người tham gia đã tạo cơ hội “kiếm chác” cho một số đối tượng, hành vi như dịch vụ đổi tiền lẻ, đặt hòm công đức tùy tiện ở những địa điểm tổ chức lễ hội…

Cũng từ việc hiểu sai, hiểu chưa đúng về ý nghĩa của lễ hội dẫn đến hệ quả là những biểu hiện phi văn hóa khác như chen lấn, xô đẩy, đốt vàng mã bừa bãi, tràn lan... Một loạt hiện tượng tiêu cực kéo theo như ăn xin, lên đồng, bói toán, cúng thuê, cò mồi, chặt chém, tranh giành khách, thậm chí là trộm cắp... Công tác quản lý lễ hội ở một số di tích vẫn còn nhiều bất cập, như: thiếu người hướng dẫn, thiếu nơi đổ rác; nhất là cảnh khói hương vẫn còn mù mịt, lộn xộn, thiếu trang nghiêm, thanh tịnh ở nhiều di tích...

Mức sống của người dân ngày càng được nâng cao, nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng gia tăng nên số người tham gia lễ hội ngày một đông. Bởi vậy, trước mắt, các cấp, ngành chức năng cần tăng cường chỉ đạo công tác lễ hội theo hướng lành mạnh, tiết kiệm và gắn với việc bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống theo đúng tinh thần Chỉ thị 27 của Bộ Chính trị và Chỉ thị 20 của BTV Tỉnh ủy. Việc khôi phục các nghi lễ truyền thống, tổ chức các trò chơi dân gian đặc sắc cũng là một cách hợp lý để góp phần bảo tồn và phát huy di sản văn hóa tốt đẹp của dân tộc.

Dù là lễ hội truyền thống hay lễ hội đương đại cũng cần đến sự hài hòa giữa yếu tố tâm linh, văn hóa, thương mại và giải trí. Kết hợp được yếu tố tâm linh, thiêng liêng của phần “lễ” và những hoạt động vui chơi sôi nổi của phần “hội” thì không chỉ mùa xuân này mà những mùa xuân sau, lễ hội vẫn không bị biến tướng mà luôn phát triển bền vững.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast