Rạp 26/3: Lỗi nhịp giải trí thời hội nhập!

(Baohatinh.vn) - Rạp chiếu phim 26/3 hiện là rạp quốc doanh duy nhất tại Hà Tĩnh. Hàng năm, rạp đã thực hiện hàng trăm buổi chiếu phim tại rạp và lưu động trên địa bàn toàn tỉnh, song, với hệ thống máy móc, thiết bị không đáp ứng được công nghệ làm phim hiện đại nên nguồn phim của rạp rất nghèo nàn, lạc hậu. Hầu như rạp mới chỉ làm tốt nhiệm vụ chính trị, còn việc phục vụ nhu cầu giải trí của nhân dân đang bị bỏ ngỏ...

Rạp 26/3: Lỗi nhịp giải trí thời hội nhập! ảnh 1
Dù đang trong thời gian chiếu phim phục vụ các sự kiên nhưng Rạp 26-3 vẫn vắng lặng.

Sau khi giải thể và sáp nhập về Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh (2012), chức năng chiếu phim phục vụ chính trị, phục vụ nhân dân của Rạp chiếu phim 26/3 vẫn được giữ nguyên. Tuy nhiên, nguồn ngân sách hoạt động hàng năm bị cắt giảm, trong khi đó, thiết bị lại lạc hậu nên hiệu quả trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ không cao.

Hiện nay, Rạp 26/3 vẫn hoạt động thường xuyên, tổ chức tốt các tuần phim tuyên truyền phục vụ các ngày lễ lớn của tỉnh cũng như đất nước, tổ chức chiếu phim phục vụ các trường học và các thiếu niên, nhi đồng trong dịp hè. Ngoài ra, rạp còn chiếu phim lưu động phục vụ nhân dân các xã vùng ven biển, người có công tại khu điều dưỡng thuộc Hội Bảo trợ xã hội tỉnh.

Bên cạnh phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị thì việc kinh doanh tại rạp lại gặp rất nhiều khó khăn về nguồn phim do tốc độ phát triển của công nghệ kỹ thuật số, sự ra đời của máy chiếu có độ phân giải 2K, 4K chất lượng tương đương với phim nhựa 35 mm. Hơn nữa, với băng thông của đường truyền, dung lượng lưu trữ của ổ cứng, tốc độ xử lý của CPU máy tính cho phép người ta thay thế công nghệ chiếu phim nhựa truyền thống sang công nghệ số hóa hoàn toàn.

Thực tế trên dẫn đến khó khăn lớn trong việc tìm kiếm, khai thác nguồn phim. Ông Nguyễn Trọng Chương - Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa – Điện ảnh tỉnh cho biết: “Vốn dĩ là “con đẻ” của Cục Điện ảnh nhưng từ khi sáp nhập, coi như Rạp 26/3 bị “bỏ rơi”. Mặc dù, hàng năm, Cục Điện ảnh có chuyển một số bộ phim sang kỹ thuật HD và cung cấp nhưng số phim chỉ tính trên đầu ngón tay, chủ yếu là phim cũ, phim tư liệu, không thể phục vụ kinh doanh. Hiện nay, Rạp 26/3 chưa được đầu tư máy chiếu phim kỹ thuật số, do đó, không thể chiếu được các bộ phim mới. Chúng tôi cũng đã tính đến phương án thuê máy chiếu kỹ thuật số nhưng với giá 30 triệu đồng/tháng, cộng với giá thuê phim quá cao nên kế hoạch đó không khả thi”.

Vì những khó khăn đó mà nguồn phim chiếu hàng ngày để kinh doanh tại Rạp 26/3 hết sức nghèo nàn. Thậm chí, nhiều ý kiến còn cho rằng, Rạp 26/3 là rạp chiếu phim kinh dị. Những poster phim dính dáng đến hồn ma, oan hồn, ma cà rồng… với lời giới thiệu ra rả cuối mỗi chiều không những không thu hút được sự quan tâm của khán giả mà còn khiến khán giả sợ hãi, không dám đến rạp. Thế nên, tình trạng mỗi buổi chiếu phim chỉ lác đác một vài khán giả là thực tế đã diễn ra lâu nay tại rạp chiếu phim này.

Chị Nguyễn Thị Phương (phường Bắc Hà – TP Hà Tĩnh) cho biết: “Dịp cuối tuần, tôi cũng muốn đưa con đi xem phim giải trí, tuy nhiên, Rạp 26/3 hầu như toàn chiếu phim kinh dị, thiếu tính giáo dục cho giới trẻ nên tôi đành chọn hình thức giải trí khác cho các cháu”.

Điện ảnh là kênh tuyên truyền hết sức hữu hiệu các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến người dân từ vùng sâu, vùng xa đến biên giới, hải đảo, đồng thời, còn có chức năng phục vụ nhu cầu giải trí của các tầng lớp nhân dân. Điện ảnh vừa là vũ khí tinh thần, vừa là động lực phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh cũng như đất nước. Chính vì vậy, đầu tư cơ sở vật chất cho điện ảnh là rất cần thiết và cấp bách trong thời kỳ phát triển, hội nhập quốc tế.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast