Sản phẩm liên kết- hướng phát triển bền vững cho làng nghề truyền thống

Khủng hoảng kinh tế đã khiến không ít làng nghề trên địa bàn tỉnh rơi vào hoàn cảnh lao đao vì thiếu vốn, thiếu nguyên liệu, thị trường...Trong bối cảnh đó, dự án “Nâng cao năng lực cho người dân theo hướng thương mại hoá để phát triển làng nghề truyền thống bền vững” được khởi động thực sự là “chiếc phao cứu sinh” cho một số làng nghề vượt lên hoàn cảnh khó khăn.

Chạm khắc trên gỗ tại Làng nghề truyền thống mộc Thái Yên (Đức Thọ)
Chạm khắc trên gỗ tại Làng nghề truyền thống mộc Thái Yên (Đức Thọ)

Dự án “Nâng cao năng lực cho người dân theo hướng thương mại hoá để phát triển làng nghề truyền thống” do Hội Liên hiệp các Hội KHKT tỉnh (LHH) thực hiện, được tổ chức JICA (Japan Internation Cooperation Agency) - Cơ quan hợp tác quốc tế tài trợ với tổng kinh phí 20 nghìn USD. Với mục tiêu tập trung vào việc tư vấn, hỗ trợ người dân để cải tiến mẫu mã, chất lượng, năng suất, sản xuất các sản phẩm liên kết bằng việc áp dụng những tiến bộ của KH- KT, đây là là một trợ lực hữu ích cho các làng nghề trong vận hội mới. Đặc biệt, với việc tăng cường quảng bá sản phẩm, các làng nghề sẽ có cơ hội đẩy mạnh thương mại hoá, vươn ra nền kinh tế thị trường mang tính cạnh tranh cao và đầy sôi động. Thông qua đó, thu nhập của người lao động được tăng cao và phát triển kinh tế địa phương.

Ban đầu, dự án đã triển khai dự án ở 3 làng nghề được đánh giá là hoạt động hiệu quả, đó là: mộc Thái Yên (Đức Thọ), rèn đúc Đức Thuận và Trung Lương (Thị xã Hồng Lĩnh). LHH tỉnh đã phối hợp với nhiều cơ quan và các chính quyền sở tại tổ chức nhiều chương trình, hội thảo, nhằm giúp các nhóm làng nghề có thêm thông tin về công tác quản lý, tổ chức sản xuất và phân công lao động trên quy mô lớn, nhất là việc thực hiện chuyên môn hoá các công đoạn kỹ thuật. Bên cạnh đó, đây cũng là dịp để họ được tiếp cận và nắm bắt thông tin thị trường tiêu thụ sản phẩm cũng như kinh nghiệm về quản lý môi trường, giáo dục ý thức bảo vệ môi trường đến từng người thợ, từ đó, ý thức trách nhiệm với cộng đồng của mỗi thành viên được nâng cao. Điều đó sẽ tạo cho các sản phẩm cao cấp của làng nghề đạt độ tinh xảo tuyệt đối, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu của đời sống. Đến tháng 7/2010, dự án chính thức kết nạp thêm nhóm làng nghề mây tre đan Thạch Long với 2 nhóm sở thích, mỗi nhóm 20 người. Sự kết hợp này càng làm phong phú hơn loại hình sản phẩm mà vẫn đảm bảo được độ tinh xảo mang bản sắc riêng của mỗi làng nghề truyền thống.

Làng nghề rèn Trung Lương( TX Hồng Lĩnh)
Làng nghề rèn Trung Lương( TX Hồng Lĩnh)

Ông Nguyễn Trọng Thắng - Giám đốc Trung tâm tư vấn, hỗ trợ phát triển KHCN tỉnh (LHH) cho biết: “Với hình thức sản xuất theo dây chuyền liên kết phù hợp với xu hướng phát triển trong thời đại công nghệ và hội nhập, làm thay đổi hình thức khép kín và cục bộ trước đây của kinh tế làng nghề. Không những thế, hình thức này còn tập hợp được sự sáng tạo của nhiều nhiều nghệ nhân, theo đó, các sản phẩm vừa đảm bảo được nét tinh xảo truyền thống riêng mà vẫn có kiểu dáng, mẫu mã đẹp, hiện đại và phù hợp với thị hiếu thị trường. Mặt khác, không như những sản phẩm truyền thống, hình thức này tận dụng tối đa các nguồn nguyên liệu, nhằm tiết kiệm được nguồn tài nguyên đang ngày càng khan hiếm hiện nay, nhất là các loại gỗ quý như: lim, táu, gọ…”.

Cùng với việc tổ chức lớp tập huấn, sinh hoạt nhóm lồng ghép nhiều chuyến tham quan, học hỏi kinh nghệm ở tỉnh bạn cho các nhóm làng nghề, LHH cũng chủ trì tư vấn cho các nhóm thực hiện sản xuất một số sản phẩm liên kết chính thức. Trong tháng 8, chương trình tập huấn đào tạo kỹ năng sản xuất sản phẩm liên kết cho các nhóm sở thích của 4 làng nghề: Đức Thuận, Trung lương, Thái yên và Thạch Long trong 10 ngày đã trang bị cho các học viên từng công đoạn kỹ thuật gia công, lắp ghép sản phẩm liên kết. Kết quả, 8 sản phẩm đầu tay, gồm: 2 bộ bàn ghế, 1 giá để đồ nước uống, 1 giá để giầy dép, 2 khay dựng hoa quả và 2 ghế ngồi làm bằng các loại vật liệu tốt kết hợp giữa gỗ với sắt thép và mây tre.

Những thành công đó đã bước đầu minh chứng về một hướng phát triển bền vững mới cho nền kinh tế làng nghề nhờ áp dụng các tiến bộ KHKT. Tuy nhiên, để đủ sức đứng vững trong vận hội mới, làng nghề còn gặp không ít những khó khăn, thử thách, nhất là thị trường tiêu thụ. Bởi vậy, cùng với LHH các nhóm làng nghề cần năng động, tìm thị trường bền vững, nhằm quảng bá thương hiệu sản phẩm liên kết của mình, tạo ra một nên kinh tế làng nghề mở có hiệu quả.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast