Sáng tạo nghệ thuật về đề tài thương binh - liệt sĩ

Đề tài chiến tranh cách mạng trong mỗi cuộc triển lãm mỹ thuật luôn được ưu tiên ở mọi phương diện, nhưng số lượng tác phẩm về đề tài này ngày dần thưa vắng...

Chúng ta đã có nhiều tác phẩm thành danh về đề tài thương binh, liệt sỹ (TBLS): đó là “Con đọc bầm nghe” (lụa 1954) của họa sĩ Trần Văn Cẩn, liệt sĩ Võ Thị Sáu (tượng đài 1956) của Diệp Minh Châu, Anh hùng liệt sỹ Nguyễn Văn Trỗi (tượng) của Nguyễn Hải và nhiều sáng tác của các nhà điêu khắc về: Vừ A Dính, Kim Đồng, Ngô Mây, Võ Thị Thắng, Lý Tự Trọng… Ngay trên đất Hà Tĩnh, đã có những cụm tượng đài lớn được dựng lên về đề tài Xô viết Nghệ Tĩnh, về các lãnh tụ cách mạng tiền bối Trần Phú, Hà Huy Tập…

Tác phẩm “Con đọc bầm nghe” của họa sĩ Trần Văn Cẩn.
Tác phẩm “Con đọc bầm nghe” của họa sĩ Trần Văn Cẩn.

Khi sáng tác về đề tài TBLS, người nghệ sỹ phải đủ nhận thức và tình cảm tiếp cận với quá khứ, hiểu và đồng cảm… phải lao tâm khổ tứ mới có được tác phẩm. Một tác phẩm nghệ thuật tiêu chuẩn tối thượng của nó là cái đẹp. Mảng đề tài về TBLS, để đạt được cái đẹp không phải ai cũng làm được.

Họa sỹ Trần Văn Cẩn (1910-1994) khi vẽ tác phẩm “Con đọc bầm nghe” vào những năm cuối cùng của cuộc kháng chiến chống Pháp tại chiến khu Việt Bắc. Tác phẩm như một thông điệp về ngày hòa bình của đất nước đang đến, niềm hân hoan sáng lên trên từng gương mặt nhân vật. Những nét vẽ tài hoa, sống động trải đều khắp mặt tranh làm không khí hân hoan tràn ngập.

Chất liệu lụa dịu ngọt, êm ả là thế vẫn khiến người xem phải chững lại khi cái chân phải của anh thương binh không còn nữa, thay vào đó là đôi nạng gỗ vô cảm. Tác giả đặt sự mất mát vào một không gian khiêm tốn lấp đi một phần của cái chân cụt là chân của bé gái với một mảng đậm lớn, mạnh của quần, một điểm nhấn chủ định. Người xem dễ chạm vào cái bi của tác phẩm, nhưng dẫu sao đó cũng chỉ là tín hiệu cần, cái đủ chính là tin vui chiến thắng mà anh thương binh đang chăm chú đọc trên báo cho bà mẹ và mọi người nghe.

30 năm sau, năm 1984, họa sỹ Đặng Đức Sinh (1927-1996), đặt vào bảo tàng mỹ thuật Việt Nam một tác phẩm sơn dầu làm xôn xao giới mỹ thuật, đó là bức sơn dầu “Ở mỗi xóm”, khuôn khổ 85cm x 115cm. Bức họa đã vượt ra ngoài cách nhìn đương thời của nhiều họa sỹ, không chỉ ở cách vẽ dầu rất Đặng Đức Sinh mà ở tầm khái quát chủ đề và chính kiến cực đoan đáng yêu của họa sỹ.

Dân tộc Việt Nam ở thời kỳ nào đức hy sinh cũng rất cao cả, chiến thắng càng vang dội thì nỗi đau càng trĩu nặng, trầm ẩn trong đất và người. Tác giả xây dựng bố cục cho đề tài liệt sĩ quả là khác mọi người. Ông đi thẳng vào cái bi, với tất cả sự thật. Ông vẽ chân dung ba người đàn bà ở ba độ tuổi khác nhau, đặt trên lòng mình ba bức chân dung các liệt sỹ cho ba thời kỳ tiêu biểu nằm gọn trong một bố cục cận cảnh, cả ba người chỉ có một vành khăn tang đại diện. Tác giả không tả chân dung những liệt sỹ mà tập trung vào ba gương mặt, ông lấy nỗi đau của người đang sống để nói lên tất cả.

Lối vẽ nhầy màu tạo ra sự gắn quệt thời gian, tạo ra sự đoàn kết, đồng cảm của hậu phương và chính ở đó là chiến lũy bất diệt của cả dân tộc. Ở gương mặt ba người đàn bà: mẹ, vợ và em. Đặng Đức Sinh đã khắc họa tâm trạng của họ, đặc biệt, người vợ ngồi giữa với vành khăn tang trên đầu sẽ mãi mãi đi theo suốt cuộc đời. Những mẫu người phụ nữ như vậy trên khắp đất nước ta không thể kể hết, sự hy sinh ấy đáng trân trọng bao nhiêu thì cái nghiệt ngã và khốc liệt đến tàn nhẫn, âm ỉ khiến chúng ta càng căm giận chiến tranh.

Bằng tài năng và nhãn quan nhân thế của mình, Đặng Đức Sinh đã nói hộ mọi người cái điều ai cũng nghĩ, cũng hiểu mà không nói ra được. Họa sỹ đã kết thúc cuộc chiến tranh theo cách nhìn của riêng mình, một cách nhìn nhân văn để rồi tác phẩm của ông mãi mãi tồn sinh.

Đề tài chiến tranh cách mạng sẽ mãi là đề tài được văn nghệ sỹ trân trọng và thể hiện, ở mỗi loại hình văn học nghệ thuật có cách nhìn khác nhau, nhưng tựu trung vẫn chỉ để tôn vinh sự hy sinh cao cả của dân tộc trong mỗi cuộc kháng chiến vệ quốc. Tác phẩm được quần chúng nhân dân đón nhận và yêu quý đòi hỏi người nghệ sỹ phải tâm sáng - tài cao.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast