Số phận bi đát của những “nàng thơ” trong tranh Picasso

Trong suốt cuộc đời, danh họa người Tây Ban Nha - Pablo Picasso - chỉ kết hôn hai lần nhưng ông có tới hàng trăm người tình. Khi yêu, ông rất dịu dàng nhưng khi chia tay, ông sẵn sàng làm những “nàng thơ” của mình tan nát.

Năng lượng dồi dào mà Picasso dành cho hội họa, điêu khắc, với khoảng 25.000 tác phẩm (nhiều hơn bất cứ nghệ sĩ nào từng sáng tác trong lịch sử), cũng nhiều như năng lượng mà ông dành cho việc tán tỉnh, yêu đương, hò hẹn.

Picasso và tình nhân Dora Maar - người từng nhận định về ông rằng: “Với tư cách một họa sĩ, Picasso thật phi thường, nhưng với tư cách một con người đạo đức, ông ấy là kẻ chẳng ra gì”.
Picasso và tình nhân Dora Maar - người từng nhận định về ông rằng: “Với tư cách một họa sĩ, Picasso thật phi thường, nhưng với tư cách một con người đạo đức, ông ấy là kẻ chẳng ra gì”.

Suốt cuộc đời, Picasso có 8 người tình sâu sắc nhất, họ đều có nhiều ảnh hưởng đối với việc sáng tác nghệ thuật của ông. Người tình của Picasso cũng chính là nàng thơ của ông. Để có thể trở thành nhân vật bất tử trong mỹ thuật, những người phụ nữ này đều phải “trả giá”.

Vì Picasso, hai người tình từng suy sụp tinh thần khủng khiếp, hai người tình khác từng tự sát.

Picasso có nhiều tính cách đối lập: ông vừa dịu dàng, nhạy cảm vừa ích kỷ, ngang ngược, độc đoán.

Đối với phụ nữ, sự đối lập này càng được thể hiện rõ. Một người bạn của ông - nhà văn Patrick O’Brian - cho biết: “Picasso lúc thì rất mực dịu dàng, lúc lại trở nên thù ghét, thậm chí có thiên hướng bạo lực đối với phụ nữ. Ông không bao giờ cân bằng được hai thái cực này, thực tế, ông khinh miệt trạng thái cân bằng và nhất quyết chỉ chọn một trong hai thái cực”.

Bức “Những cô gái trẻ ở Avignon” khắc họa 5 cô gái khỏa thân là tác phẩm phản ánh rõ nhất hai thái cực - vừa tôn thờ vừa khinh ghét của Picasso đối với phụ nữ.
Bức “Những cô gái trẻ ở Avignon” khắc họa 5 cô gái khỏa thân là tác phẩm phản ánh rõ nhất hai thái cực - vừa tôn thờ vừa khinh ghét của Picasso đối với phụ nữ.

Thực tế, Picasso bị ám ảnh bởi phụ nữ, ông không thể sống mà không có phụ nữ bên cạnh. Tiêu chí mà Picasso đặt ra đối với các người tình rất đơn giản, chỉ cần cô ấy ngoan ngoãn, dễ bảo và thấp hơn ông là được (Picasso cao 1m62).

Picasso cũng cảm thấy khó chịu với sự dựa dẫm của mình vào phụ nữ, chính vì vậy mà trong mọi mối tình, ông luôn muốn làm “kẻ thống trị” nghiệt ngã. Picasso từng nói: “Đối với tôi, chỉ có hai tuýp phụ nữ - hoặc là nữ thần hoặc là tấm thảm”.

Cách sống phóng túng của Picasso bị ảnh hưởng bởi cha - ông José Ruiz, vốn cũng là một họa sĩ. Sinh thời, ông José Ruiz thường xuyên lui tới các nhà thổ. Picasso rất thương mẹ, sau này, ông đã chọn tên của mẹ thời con gái - Picasso - để làm tên họ của mình, ông bỏ họ cha.

Những nét chính trong thiên tình sử của Picasso

Picasso có người tình đầu tiên năm 13-14 tuổi. Ở tuổi 19, ông dan díu với bạn gái của bạn, khiến người này buồn bã và tự vẫn. Bi kịch này đã được thể hiện trong loạt tranh màu xanh của ông. Trước sự ra đi của bạn, Picasso rất ân hận, buồn bã, ông chuyển tất cả nỗi buồn vào tranh. Đây là “thời kỳ màu xanh” của tranh Picasso.

“Thời kỳ màu xanh”
“Thời kỳ màu xanh”

Năm 1904, ở tuổi 23, ông gặp người tình, nàng thơ đầu tiên của đời mình - cô gái Pháp Fernande Olivier - từ đây, Picasso chấm dứt “thời kỳ màu xanh” u sầu. Ông bước vào “thời kỳ hồng đỏ” với đề tài vẻ đẹp phụ nữ.

Fernande là người tình duy nhất của Picasso được ông rất mực cưng chiều. Ông thường làm tất cả việc nhà. Về sau, Picasso nói rằng thời kỳ ở bên Fernande là thời kỳ duy nhất ông thực sự hạnh phúc. Khi Picasso bắt đầu thành công hơn cũng là khi Fernande bỏ đi theo một họa sĩ khác, chấm dứt mối tình 8 năm.

Fernande Olivier
Fernande Olivier

Picasso liền trả thù Fernande bằng cách qua lại với một người bạn của cô - Eva Gouel. Khi Eva mắc bệnh lao, Picasso đã ở bên chăm sóc tận tình suốt 3 năm. Khi Eva qua đời, Picasso đã rất đau buồn, suốt một thời gian dài, mọi mối tình của ông đều chỉ là thoảng qua.

Eva Gouel
Eva Gouel

Năm 1917, khi tới Ý để xem một buổi trình diễn balê, ông đã phải lòng một vũ công Nga có tên Olga Koklova. Ban đầu, Olga xa lánh Picasso, nhưng cuối cùng lại trở thành vợ của ông.

Olga Koklova
Olga Koklova

Cuộc sống hôn nhân của họ ban đầu rất hạnh phúc. Lúc này, Picasso đã giàu có, ông thuê người giúp việc khiến Olga cảm thấy cô không còn việc gì để làm ở nhà. Buồn chán vì sự nghiệp múa sớm kết thúc, chồng lại ra ngoài lăng nhăng, Olga bắt đầu hành hạ chồng rồi bị suy sụp tâm lý.

Bắt đầu từ đây, những bức tranh Picasso vẽ phụ nữ trở nên “biến dạng”, kỳ cục. Cuộc hôn nhân đầu tiên này kéo dài tới 37 năm nhưng Picasso và Olga chỉ thực sự chung sống 10 năm.

Bức “Người phụ nữ đi tắm biển ngồi trên bãi cát” (1929) khắc họa hình ảnh một người phụ nữ quái dị.
Bức “Người phụ nữ đi tắm biển ngồi trên bãi cát” (1929) khắc họa hình ảnh một người phụ nữ quái dị.

Sau Olga là sự xuất hiện của cô gái Pháp Marie-Thérèse Walter, khi gặp nhau, Walter 18 còn Picasso đã 46. Walter là nàng thơ hiếm hoi được Picasso khắc họa với sự dịu dàng hiếm thấy.

Đối với Picasso, Marie-Thérèse Walter là “người tình vĩ đại nhất”.
Đối với Picasso, Marie-Thérèse Walter là “người tình vĩ đại nhất”.

Sau Walter là nhiếp ảnh gia Dora Maar. Suốt một thời gian, Picasso đã cố gắng sắp xếp để hai người tình - cũ và mới của ông không đụng mặt nhau. Thế rồi một ngày họ cùng đến phòng tranh của ông một lúc. Walter nói với Picasso: “Anh phải đưa ra quyết định. Ai sẽ là người phải ra đi?”.

Picasso thực tế cảm thấy rất hài lòng khi tình huống đó xảy ra và nói với hai người tình của mình rằng họ sẽ phải chiến đấu để tìm ra người chiến thắng. Vậy là Walter và Maar bắt đầu… “đấu vật”. Dora Maar chiến thắng và có mối tình kéo dài 8 năm với Picasso.

Dora Maar
Dora Maar

Năm 1943, Picasso quen với cô gái 22 tuổi Francoise Gilot, một sinh viên luật, một họa sĩ nghiệp dư. Picasso lúc này 62 tuổi.

Khi biết mình đã bị Gilot thay thế, Dora Maar suy sụp vô cùng. Cô không còn chỗ trong phòng vẽ của Picasso nữa, phải chuyển ra ngoài sống và ngày ngày ngóng chờ điện thoại của Picasso gọi đến. Đến năm 1945, Maar hoàn toàn suy sụp đến mức Picasso phải đưa cô vào bệnh viện.

Sau Picasso, Dora Maar không còn yêu ai khác nữa. Cô là người phụ nữ yêu Picasso nhiều nhất, cũng là người phụ nữ đau khổ nhất vì ông, hình ảnh sau cùng mà Picasso nhớ về Dora Maar là người phụ nữ luôn lau nước mắt.

Bức “Người phụ nữ lau nước mắt” khắc họa Dora Maar.
Bức “Người phụ nữ lau nước mắt” khắc họa Dora Maar.

Với Gilot, cuộc sống của cô cũng không dễ chịu gì, người vợ bị ruồng rẫy từ lâu - Olga - liên tục xuất hiện để hành hạ cô. Lúc này tâm thần đã rất bất ổn, Olga thường lao vào nhà tấn công Gilot. Về sau, Olga qua đời vì bệnh ung thư năm 1954 ở tuổi 63.

Với Francoise Gilot, Picasso có hai người con. Picasso lại tiếp tục ra ngoài gặp gỡ nhiều phụ nữ khác. Cuộc sống của Gilot bắt đầu chìm vào bất hạnh, đau khổ. Họ ở bên nhau 10 năm thì “đôi người đôi ngả”.

Francoise Gilot và Picasso
Francoise Gilot và Picasso

Gilot chưa kịp ra đi thì Geneviève Laporte đã đến. Lúc này, Picasso đã 70, Laporte - một nhà thơ - mới 24. Danh tiếng của Picasso lúc này đã đến tầm quốc tế, vì vậy, ông phải giữ bí mật về Laporte để tránh lùm xùm. Cuối cùng, không chấp nhận cuộc sống của một người tình trong bóng tối, Laporte ra đi.

Picasso buồn bã vì bị “bỏ rơi”, ông vùi mình trong công việc. Khi đó, mẫu nữ mà ông yêu thích nhất là Jacqueline Roque.

Jacqueline Roque tôn thờ Picasso. Ngay từ đầu, cô đã mong muốn được ở bên ông nhưng ông thờ ơ vì còn mải quan tâm tới Laporte. Giờ đây, “tình địch” lớn nhất đã bỏ đi, “vườn không nhà trống”, Roque dễ dàng chinh phục Picasso và trở thành người vợ thứ hai của ông. Họ kết hôn và ở bên nhau 20 năm.

Trong 20 năm chung sống với Jacqueline, ông vẽ hơn 400 bức tranh về cô. Đây là thời kỳ làm việc năng suất nhất của ông.
Trong 20 năm chung sống với Jacqueline, ông vẽ hơn 400 bức tranh về cô. Đây là thời kỳ làm việc năng suất nhất của ông.

Cuối đời, Picasso sống ẩn dật, không còn sôi nổi với đời sống xã hội nữa. Người ta cho rằng Jacqueline đã “trị” được ông. Quả thực Jacqueline là người có tính chiếm hữu rất cao, cô muốn Picasso là của riêng mình, vì vậy, thường cấm các con cháu của Picasso đến thăm ông.

Picasso qua đời năm 1973, ở tuổi 92. Trên mộ, Picasso yêu cầu đặt bức tượng của Marie Thérèse Walter - “người tình vĩ đại nhất”. 4 năm sau, Walter treo cổ tự vẫn vì không thể tiếp tục cuộc sống không còn Picasso. Jacqueline nghiện rượu nặng, đến năm 1986, cũng tự vẫn bằng súng vì “vị thần” của đời cô đã đi mất.

Bích Ngọc Tổng hợp

Nguồn: dantri.com.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast