Số phận hẩm hiu của một ngôi đình đẹp

Xã Thuận Lộc (thị xã Hồng Lĩnh) độ này đang ngổn ngang những công trình nông thôn mới. Nhờ những công trình này mà bộ mặt của xã đã thay đổi khá toàn diện. Song, cũng chính từ phong trào xây dựng nông thôn mới cộng với sự yếu kém của chính quyền xã mà một ngôi đình có kiến trúc đẹp bậc nhất Hà Tĩnh, ẩn chứa nhiều dấu tích lịch sử, văn hóa lại bị tháo dỡ và nằm đắp chiếu tại sân một nhà văn hóa thôn.

Đình Dao Tác và những giá trị văn hóa lịch sử

Đình Dao Tác thuộc làng Dao (nay là xóm Thuận Sơn xã Thuận Lộc – thị xã Hồng Lĩnh), được xây dựng từ thời Tự Đức thứ 28 (năm 1878). Đình có kiến trúc cổ kính, chạm trổ công phu, do 2 hiệp thợ tài giỏi ở Thái Yên và làng Mật làm. Câu chuyện 2 tốp thợ thi nhau làm đình lúc bấy giờ nổi tiếng khắp tổng và còn truyền lại đến ngày nay.

Chuyện xưa ghi lại, mỗi hiệp thợ tiếp nhận ý đồ mỹ thuật, văn hóa của chủ làng rồi chia nhau mỗi bên làm một gian rưỡi và làm riêng biệt để thi đấu và giấu nghề. Sau khi làm xong đưa đâu lại thì đều rất đẹp, đúng bài bản và không thua kém gì nhau. Làng đã mở tiệc ăn mừng và thưởng đều cho cả 2 hiệp thợ.

Đình Dao Tác có 3 gian, 4 vì bát vận xung quanh, có giá trị nghệ thuật rất cao, phản ánh được nét văn hóa đặc sắc của Hà Tĩnh lúc bấy giờ. Chính vì thế, có lần Ty Văn hóa Hà Tĩnh tỏ ý muốn mua lại để dựng bái đường đền Nguyễn Du nhưng làng nhất quyết không bán.

Đình được dựng lên ngay trung tâm làng, nằm yên bình trong những lũy mưng xanh ngát, trở thành nơi thờ cúng chung của làng. Hàng năm vào dịp 13 – 6 âm lịch, nhân dân trong làng rước thần thánh ở đền, nhà thờ về đây tập trung và bày mâm cỗ, cờ quạt, lộng vàng, hương án tế lễ Kỳ Phúc cầu cho quốc thái dân an, cầu cho khí hậu an hòa, mùa màng tươi tốt.

Đình Dao Tác trước khi bị dỡ

Đình Dao Tác trước khi bị dỡ

Không chỉ là nơi thờ cúng, do vị trí địa lý thuận lợi, đình còn là địa điểm tôi luyện tinh thần, tập hợp quần chúng trong các phong trào đấu tranh chống giặc ngoại xâm. Cuối năm 1885, 1 toán nghĩa quân Cần Vương do nghĩa sỹ Nguyễn Trọng Chinh (người làng Dao) chỉ huy liên lạc từ Nghi Xuân về La Sơn đã ẩn náu ở đây, tránh được sự truy đuổi của địch. Cũng nơi đây, vào năm 1927, trong lễ tế Kỳ Phúc, đồng chí Phan Huy Lung đã diễn thuyết, nói về sự nghiệp đấu tranh cách mạng của cụ Phan Chu Trinh và tuyên truyền giác ngộ cho quần chúng hiểu vì ai nên dân ta nghèo đói đồng thời chỉ rõ sự cai trị của Thực dân Pháp làm cho nhân dân ta lâm vào cảnh nước mất nhà tan.

Tại đây, ngày 20/2/1930 chi bộ Dao được thành lập đã tổ chức được lực lượng vũ trang và trấn áp thành công bọn phản động phá hoại cách mạng tại địa phương. Thời kỳ Xô Viết Nghệ Tĩnh, đình còn là nơi diễn ra nhiều cuộc mít tinh, biểu tình của nhân dân. Chính vì thế, trong một giai đoạn đình Dao Tác còn được gọi là đình lịch sử Xô Viết.

Cụ Văn Phương (xóm 7, xã Thuận Lộc) cho biết: “Trước khi bị tháo dỡ, tuy có xuống cấp nhưng đình còn lưu giữ khá nhiều sắc phong và chứng tích thời kỳ 30 – 31. Tuy bị thời gian bào mòn nhưng đình vẫn còn nguyên tác và vẫn là một trong những ngôi đình có kiến trúc đẹp bậc nhất Hà Tĩnh”.

Bao giờ đình Dao Tác thoát khỏi cảnh “đắp chiếu”?

Năm 1969, do sự phá hoại của chiến tranh và nhu cầu thực tế, đình Dao Tác được dỡ về dựng ở chỗ khác (nay là trước trụ sở UBND xã). Cũng từ đó đình làng Dao Tác trở thành nơi tưởng niệm Hồ Chủ Tịch và có khi còn là trụ sở UBND xã. Qua quá trình “thi gan cùng tuế nguyệt” đình đã bị xuống cấp khá nghiêm trọng. Năm 2005, xã Thuận Lộc đã trình lên Sở VH TT (nay là sở VH – TT & DL) công nhận di tích văn hóa cấp tỉnh, tuy nhiên do bị di dời địa điểm nên đình chưa được công nhận.

Ông Hoàng Thanh Sơn – Chủ tịch UBND xã Thuận Lộc cho biết: “Chỗ đất dựng đình ngày xưa đã cấp cho 2 hộ gia đình làm nhà ở, cách đây mấy năm, lãnh đạo thị xã cũng đã có chủ trương đền bù, giải phóng mặt bằng và hỗ trợ 200 triệu đồng để đưa đình về lại chỗ cũ nhưng do bộ máy chính quyền xã khi đó quá yếu kém nên việc này không thành. Năm 2010, xã bắt đầu xây dựng nông thôn mới, nhân dân cũng đồng tình với ý kiến tháo dỡ đình để đưa về dựng ở chỗ ban đầu nên hiện nay chúng tôi đang tiếp tục xin chủ trương thực hiện việc này”.

Được biết, đầu năm 2011, mặc dù chưa hoàn thành đền bù giải phóng mặt bằng cho 2 hộ dân ở thôn Thuận Sơn nhưng do yêu cầu mặt bằng để xây dựng khuôn viên trụ sở xã theo tiêu chí nông thôn mới, xã đã tiến hành tháo dỡ đình về để trong sân nhà văn hóa thôn Thuận Sơn. Và cho đến nay, đã gần 1 năm trôi qua, các hộ dân vẫn chưa được di dời và ngôi đình có kiến trúc đẹp bậc nhất Hà Tĩnh vẫn đang chịu cảnh “đắp chiếu”.

Mặc dù đã có thái độ thông cảm với chính quyền xã nhưng điều này cũng khiến nhiều người dân, nhất là các bô lão trong làng băn khoăn. Cụ N.T.V cho biết: “Chính quyền cho rằng không dỡ thì đình sẽ bị xuống cấp nhưng nếu dỡ xong rồi mà đắp chiếu để giữa trời như thế thì sự linh thiêng của ngôi đình sẽ bị ảnh hưởng”.

"Bao giờ Đình Dao Tác thoát khỏi cảnh này" là sự băn khoăn của nhiều người dân Thuận Lộc

"Bao giờ Đình Dao Tác thoát khỏi cảnh này" là sự băn khoăn của nhiều người dân Thuận Lộc

Chủ tịch UBND xã Thuận Lôc cho biết thêm: “Kinh phí để di chuyển đình về chỗ cũ và khôi phục bước đầu ước tính khoảng 650 triệu. Cho đến nay chúng tôi chưa tìm được nguồn nào nhưng xã sẽ cố gắng từ nay đến cuối năm hoàn thành xong việc này”.

Xung quanh vấn đề này, ông Nguyễn Văn Hổ – Chủ tịch UBND thị xã Hồng Lĩnh cho biết: “Đình Dao Tác là một di tích lịch sử quan trọng, có giá trị văn hóa, lịch sử sâu sắc, khôi phục đình là việc làm hết sức cần thiết và quan điểm của thị xã là vẫn tiếp tục có chủ trương thực hiện việc này nếu xã giải quyết được vấn đề GPMB”.

Liệu rằng với sự ủng hộ của thị xã, với quyết tâm của vị Chủ tịch UBND xã mới, trong 2 tháng còn lại của năm 2012, đình làng Dao Tác có được dựng lại như kế hoạch hay không? Đó là câu hỏi nhiều người dân Thuận Lộc quan tâm. Còn chúng tôi cũng hy vọng rằng, đình làng Dao Tác sẽ được dựng lại trên nền đất cũ trong thời gian sớm nhất và những giá trị văn hóa, tâm linh của ngôi đình cũng sẽ được khôi phục trong đời sống nhân dân Thuận Lộc!

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast