Sử Hy Nhan (?- 1421)

Là người “tinh sử sách, nhạy thơ văn”, lại có sở trường về sử, nên ông được vua đổi từ họ Trần sang họ Sử.

Sử Hy Nhan, quê ấp Ngọc Sơn, xã Bình Lãng Thượng, huyện Phỉ Lộc, trấn Nghệ An, nay là xã Đức Thuận, thị xã Hồng Lĩnh.

Ông đỗ Trạng Nguyên năm Quý Mão (1363) đời vua Trần Dụ Tông và làm quan dưới các triều đại Dụ Tôn, Nghệ Tôn, Duệ Tôn, đến chức Kim tử vinh lộc đại phu, Nhập nội hành khiển, Tri kinh diên Tri tân khách, đại học sĩ. Con trai ông là Sử Đức Huy (1360-1430), đỗ Trạng Nguyên khoa Tân Dậu.

Dưới triều nhà Hồ, cha con ông lui về sống ở quê nhà Ngọc Sơn mở trường dạy học. Năm 1407, nhà Hồ mất, giặc Minh sang cai trị nước ta cho quan lại đi tìm những ai có tài đức, thông kinh sử, giỏi thơ văn đưa sang Kim Lăng huấn luyện để về Đại Việt làm quan cai trị. Chính Thượng thư Hoàng Phúc đích thân đi chiêu dụ cha con Trạng Sử. Cha con ông lấy cớ bệnh tật già nua từ chối rồi cùng gia nhân và một số dân làng trốn lên đất Đỗ Gia (nay là Hương Sơn) dựng trại dưới chân núi Mồng Gà để tính kế lâu dài.

Tại đây hai Trạng hướng dẫn mọi người khai phá ruộng đất cày cấy, buổi đầu ở trại chỉ có một số người từ Ngọc Sơn lên nhưng ít lâu sau dân nghèo đói nhiều nơi kéo đến xin ở lại làm ăn, ruộng nương được khai phá tới hàng nghìn mẫu. Theo truyền ngôn thì vùng xã Sơn Long, Sơn Trà huyện Hương Sơn và xã Ân Phú huyện Vũ Quang ngày nay đều được khai phá thời ấy.

Năm Ất Tỵ (1425) nghĩa quân Lam Sơn của Bình Định vương Lê Lợi vào xây dựng căn cứ ở Hương Sơn, cũng vừa lúc mãn tang Trạng cha, Trạng con Sử Đức Huy liền tham gia kháng chiến rồi làm quan dưới triều Lê. Dân vùng Kẻ Tàng - Trại Đầu, người theo ông vào nghĩa quân, người sản xuất lương thảo đóng góp vào việc nuôi quân đánh giặc.

Sử Hy Nhan là một sử gia xuất sắc và ông được coi là tác giả của bộ sách “Đại Việt sử lược”, một trong những bộ sách ra đời sớm nhất ở nước ta.

Công lao to lớn và những cống hiến của cha con Trạng Nguyên Sử Hy Nhan và Sử Đức Huy được lịch sử ghi nhận. Nhân dân quê hương ông ở làng Ngọc Sơn và các vùng đất nơi cha con ông góp công khai phá đã lập đền thờ ghi nhớ công đức hai Trạng.

Hà Tĩnh Online

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast