Syd Barrett, người thay đổi lịch sử nhạc rock

“Bạn không nhớ tôi ư? Không một chút nào ư?”… Khi hát những lời này, hẳn Roger Keith "Syd" Barrett đã hơi quá lo lắng. 9 năm sau ngày qua đời, người hâm mộ vẫn luôn tưởng nhớ về ông, một huyền thoại âm nhạc với lối sống độc đáo khác người.

Trong những ngày cuối đời, khi Barrett rời bệnh viện về nhà, cô em gái đã hỏi ông nghĩ sao về Chúa và cuộc sống sau cái chết. “Em à” - Barrett đáp - “Anh chưa bao giờ nghĩ về điều đó.”

Cả cuộc đời đam mê nghệ thuật

Barrett là vậy. Bất kể khi là đứa trẻ ngây thơ, khi là ngôi sao âm nhạc hay khi lui về ở ẩn, ông vẫn luôn sống hết mình cho âm nhạc và nghệ thuật, chẳng quá để ý tới những thứ “nhỏ nhặt” khác.

Roger Keith "Syd" Barrett sinh ngày 6/1/1946 tại ngôi nhà số 60 đường Glisson, Cambridge, Anh. Ngay từ thuở ấu thơ, Barrett đã được cha dạy dỗ về nghệ thuật cũng như về tự do.

Ông rất có khiếu về âm nhạc, hứa hẹn trở thành một nghệ sỹ piano cổ điển tài năng. Năm 14 tuổi, Barrett có thể chơi rất nhiều nhạc cụ: guitar, đàn ukulele (một loại guitar nhỏ), đàn banjo… Nhưng rốt cục, ông lại không đi theo con đường nhạc cổ điển.

Syd Barrett thời kỳ vẫn là thành viên Pink Floyd
Syd Barrett thời kỳ vẫn là thành viên Pink Floyd

Năm 1951, gia đình Barrett chuyển tới 183 Hills Road. Với những Floydian (người hâm mộ Pink Floyd), đây là một địa chỉ lịch sử. Ở ngay góc phố Hills Road là nhà của thành viên Roger Waters và bên kia đường là ngôi trường nơi thành viên David Gilmour theo học.

Như vậy, ba nhân vật chủ chốt của Pink Floyd, đồng thời là tiếng nói âm nhạc lừng lẫy trên thế giới, đều gặp nhau ở Hills Road từ rất nhỏ.

27 năm sau, cũng tại chính 183 Hills Road, khi đã mệt mỏi với những hào nhoáng giả dối, Barrett rời sân khấu và quay về ở ẩn. Tại đây, ông từ bỏ nghệ danh “Syd”, trở lại là cậu bé Roger ngày nào. Ông đã sống cuộc sống ẩn dật với đám đông, nhưng vẫn luôn tràn trề đam mê với nghệ thuật và cuộc sống, cho tới khi qua đời ngày 7/7/2006 vì ung thư tuyến tụy.

Viên kim cương lấp lánh của Pink Floyd

Pink Floyd là ban nhạc nổi tiếng nhất của làng nhạc rock Anh quốc những năm cuối thập niên 1960. Các sản phẩm âm nhạc của họ được coi là siêu phẩm “vượt không gian – thời gian”, trong đó phải kể tới The Dark Side Of The Moon. Album này đã trụ lại trên BXH Billboard trong 15 năm!

Không những sở hữu các sản phẩm sáng tạo âm thanh, có thể khiến bất kỳ người chơi nhạc nào thấy nể phục, các album của Pink Floyd còn chứa đựng những triết lý sâu sắc, khiến nó vượt ngưỡng âm nhạc khi đó. Sức ảnh hưởng của Pink Floyd là vô cùng lớn, kéo dài cho tới tận bây giờ. Nhưng không thế hệ đàn em nào có thể mô phỏng được đúng chất nhạc hùng vĩ của Pink Floyd.

Tuy vậy, khởi đầu của những quái kiệt khác người bao giờ cũng gian nan. Pink Floyd thời còn là các chàng sinh viên đã từng bị “ném đá” vì chơi thứ gì đó… không giống như âm nhạc.

“Thứ gì đó” chính là Psychedelic Rock và Progressive Rock, được Syd Barrett đưa lên thành đỉnh cao. Hai single đầu tiên, Arnold Layne và See Emily Play (đều do Barrett sáng tác), lập tức lọt vào mắt xanh các nhà phê bình âm nhạc.

Khi album đầu tiên, The Piper At The Gates of Dawn (Barrett viết 10/11 ca khúc), phát hành năm 1967, Pink Floyd trở thành hiện tượng âm nhạc thế giới. Hiện tượng này không lâu sau trở thành biểu tượng âm nhạc. Barrett trở thành người tiên phong, khai phá ra những sáng tạo âm thanh và triết lý chưa từng có trong lịch sử âm nhạc.

Tuy vậy, sau album thứ hai, A Saucerful Of Secrets, phát hành năm 1968, Barrett rời ban nhạc. Tâm hồn nhạy cảm của ông không chịu nổi những áp lực cũng như đòi hỏi phải thích nghi với thị trường. Barrett lại quay trở về sống cuộc đời tự do, với những đam mê không giống ai.

Vẫn mãi là nỗi ám ảnh

Dù Barrett sớm rời khỏi Pink Floyd, nhưng ảnh hưởng của ông với ban nhạc huyền thoại này không thay đổi. Trước đây, Pink Floyd hát những ca khúc Syd Barett sáng tác. Sau đó, Pink Floyd hát về chính Syd Barrett.

Hình ảnh của Barrett ám ảnh trong tất cả các album của Pink Floyd sau này. Thậm chí, có một album dành riêng tặng ông, mang tên Wish You Were Here (1975), trong đó các thành viên Pink Floyd gọi ông là viên kim cương nổi loạn (Shine On You Crazy Diamond).

Sau Barrett, lần lượt Roger Waters và David Gilmour lên làm thủ lĩnh của Pink Floyd. Mặc dù Waters ghi dấu ấn tại nhiều album bất hủ còn Gilmour làm dấy lên nhiều kỷ niệm trong lòng người hâm mộ qua album cuối cùng Endless River (2014), cái bóng lồng lộng của Syd Barrett không bao giờ bị che khuất.

47 năm sau khi rời Pink Floyd, 9 năm sau ngày qua đời, Syd Barrett vẫn còn nguyên vẹn trong trái tim người hâm mộ, như là linh hồn của Pink Floyd và là biểu tưởng về sự sáng tạo, sống hết mình của giới trẻ.

Pink Floyd gồm 5 thành viên: Syd Barrett, Roger Waters, David Gilmour, Richchard Wright và Nick Mason. Trong sự nghiệp của mình, họ cho ra mắt 15 album phòng thu, 3 album Live, 8 album tổng hợp, 4 video album và 24 đĩa đơn.

Theo TT&VH

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast