Tăng bán, giảm mua, tích cực đi mượn

Kỳ chuyển nhượng mùa Đông ở giữa mùa giải luôn là cơ hội quan trọng để các đội bóng tăng cường nhân sự cho giai đoạn 2 của mùa bóng.

Kỳ chuyển nhượng mùa Đông:

Thị trường chuyển nhượng mùa Đông thường chỉ dành cho các hợp đồng mượn hoặc những cầu thủ gặp bất đồng với các CLB chủ quản như Juan Mata
Thị trường chuyển nhượng mùa Đông thường chỉ dành cho các hợp đồng mượn hoặc những cầu thủ gặp bất đồng với các CLB chủ quản như Juan Mata

Các đội đang sa sút đương nhiên cần tuyển người nhưng ngay cả các đội đang thi đấu thành công cũng cần có những kế hoạch dự phòng cho mình. Nhưng năm nay thị trường có phần ảm đảm bởi khó khăn kinh tế và luật công bằng tài chính của UEFA.

CHO MƯỢN LÀ CHÍNH!

Mùa trước, 20 đội bóng ở Premier League tăng cường tổng cộng 55 cầu thủ trong đợt chuyển nhượng giữa mùa. Trong khi đó, có đến 175 cầu thủ ra đi. Hai đội thành công nhất giải - nhà vô địch Manchester City và á quân Liverpool - đều không tăng cường cầu thủ. Ngược lại, đội tăng cường nhiều nhất (có thêm 7 cầu thủ mới) chính là đội rớt hạng Fulham.

Chỉ đứng ở vị trí số 7, M.U cũng đáng bị xem là một trong những đội thất bại nặng nề nhất trong mùa bóng trước ở Premier League. Và đấy chính là đội có bản hợp đồng hoành tráng nhất trong cửa sổ mùa Đông: mua Juan Mata từ Chelsea với giá chuyển nhượng cao nhất trong lịch sử CLB lúc bấy giờ!

Đấy chính là những chi tiết điển hình nói lên đặc điểm của đợt chuyển nhượng giữa mùa trong làng bóng đỉnh cao. Đấy cũng là cơ sở để trả lời câu hỏi: chúng ta có thể chờ đợi điều gì trên thị trường chuyển nhượng trong mùa Đông này.

Vì sao các đội ở Premier League chỉ có thêm 45 cầu thủ mà lại chia tay đến 175 cầu thủ trong tháng 1/2014? Vì không nhất thiết cầu thủ chia tay đội bóng này sẽ đầu quân về đội bóng khác cũng ở Premier League. Có nhiều kết cục thảm hại hơn: trôi dạt về giải hạng Nhì, chuyển sang các giải đấu nhỏ hơn, thậm chí chính thức... thất nghiệp, qua hình thức thanh lý hợp đồng.

Cửa sổ mùa Đông 2014 là dịp để Chelsea làm nhẹ quỹ lương bằng cách chia tay... 14 cầu thủ. Họ bán 5 người, gồm cả Mata, và đẩy 9 cầu thủ sang các đội khác theo hình thức cho mượn.

Cũng cần nói thêm: “cho mượn” là hình thức chuyển nhượng phổ biến nhất trong cửa sổ mùa Đông. Có đến 145/230 trường hợp thay đổi đội bóng tại Premier League trong tháng 1/2014 thuộc dạng “cho mượn”. Còn lại là các cầu thủ chuyển nhượng (với chi phí được hoặc không được tiết lộ), chuyển nhượng tự do và... thanh lý hợp đồng.

Đấy cũng là đặc điểm chung của thị trường chuyển nhượng giữa mùa ở khắp châu Âu (khác biệt chẳng qua là ở chỗ, số lượng cầu thủ thuyên chuyển đội bóng ở Premier League nhiều hơn hẳn so với các giải khác).

NHỮNG AI ĐANG CẦN CHUYỂN NHƯỢNG?

Demba Ba, Philippe Coutinho, Daniel Sturridge, Mario Balotelli, Louis Saha, Nuri Sahin, Diego Lopez... là các cầu thủ “xem được” trong đợt chuyển nhượng mùa Đông 2013. Còn ở cửa sổ mùa Đông 2014, đó là Juan Mata, Nemanja Matic, Michael Essien, Mohammed Salah, Kevin De Bruyne, Yohan Cabaye, Hernanes... Gọi là “sao” cũng được, dù đa số không đáng gọi là ngôi sao lớn. Nhưng điều đáng nói ở đây: họ giống nhau ở chỗ nào?

Không ai có thể phủ nhận: Mata ở một đẳng cấp rất cao. Nhưng anh không nằm trong các kế hoạch chuyên môn của HLV Jose Mourinho. Tương tự, HLV Roberto Mancini không thể chấp nhận mẫu ngựa chứng Balotelli. De Bruyne và Sturridge đều là các ngôi sao trẻ đầy triển vọng, nhưng “triển vọng” không đủ giúp họ khẳng định chỗ đứng ở môi trường Chelsea quá khắc nghiệt, nên phải tìm đến các đội có mức độ cạnh tranh nhẹ nhàng hơn. Sahin, Salah hoặc Matic thì lại được xem là “của để dành”. Họ được các đội bóng lớn mua về trước tiên là để họ không thuộc về đội bóng khác khi tài năng bùng nổ.

Tóm lại, cửa sổ mùa Đông thường dành cho các cầu thủ đang ở tình trạng “cơm không lành, canh không ngọt” với CLB. Dù là ngôi sao cỡ Mata đi nữa, đôi khi cũng không thoát khỏi tình trạng này.

Trong những trường hợp như thế, chuyển đổi đội bóng thường là giải pháp tốt đẹp cho mọi phía liên quan. Chuyển nhượng để có cơ hội ra sân (thường ở đội bóng có đẳng cấp thấp hơn) hoặc chuyển nhượng chỉ để được tăng lương, chấp nhận khả năng ngồi ghế dự bị ở đội bóng lớn, đấy cũng là những trường hợp thường thấy. Nhìn từ phía CLB, rõ ràng các đội tham gia tích cực nhất vào thị trường chuyển nhượng mùa Đông thường là các đội đang thất bại.

Các đội mạnh đang nằm ngoài nhóm có vé dự Champions League, hoặc đội trung bình - yếu đang đối diện nguy cơ rớt hạng, thường dốc hết nỗ lực cuối cùng vào thị trường chuyển nhượng, một khi đã bế tắc hoặc thất bại trong các kế hoạch chuyên môn. Đấy chính là cơ sở để giới quan sát dự đoán những vụ chuyển nhượng có thể xảy ra trong tháng 1.

Sang Nga săn lùng cầu thủ?

Thành công của Sergio Aguero hoặc Angel Di Maria đang làng cho “thương hiệu Argentina” lên giá vùn vụt ở Premier League mùa này. Trong khi đó, đồng ruble mất giá làm cho Zenit St Petersburg nói riêng cũng như bóng đá Nga nói chung gặp nhiều khó khăn về quỹ lương, nhất là với các ngôi sao nước này.

Tăng bán, giảm mua, tích cực đi mượn ảnh 3

Ezequiel Garay (Zenit, ảnh) trở thành “hàng hot” trong thị trường chuyển nhượng giữa mùa vì cả hai nguyên nhân vừa nêu. Ở tuổi 28, Garay được định giá khoảng 12 đến 14 triệu bảng, và nghe nói anh đang được theo dõi bởi M.U, Liverpool, Arsenal.

Đồng đội của Garay tại Zenit là Hulk cũng được kết nối với các tin đồn trong mùa chuyển nhượng. Nghe nói Zenit đã đồng ý để Hulk ra đi như mong muốn trong mùa Đông này, ít ra là theo dạng cho mượn.

Dù sao đi nữa, cũng cần lưu ý: cầu thủ Nga xưa nay thường chỉ quen thi đấu trên sân cỏ Nga và họ luôn gặp vấn đề hội nhập khi ra nước ngoài thi đấu. Thất bại của Andrei Arshavin là một trong những điển hình. Trong khi đó, cầu thủ nước ngoài thi đấu tại Nga thường có chất lượng không cao. Họ sang Nga chơi bóng chủ yếu vì đồng lương hấp dẫn, nhưng cũng vì không được các CLB Tây Âu mặn mòi. Thế nên, chưa chắc đã có tình trạng cầu thủ từ Nga ồ ạt chuyển sang các đội Tây Âu vì đồng ruble mất giá trong mùa Đông này.

Theo Bongdaplus

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast